Theo National Geographic, bộ não và cơ thể người có tiềm năng thực hiện nhiều kỳ tích tưởng chừng như bất khả thi. Những khả năng đặc biệt này xuất hiện thông qua đột biến gene hoặc tiến hóa. Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu tìm hiểu những gì diễn ra bên trong cơ thể và tâm trí của một số nhóm người mang siêu năng lực.

Người Sherpa

VNE-Power-3-1753011610-9207-1753011665.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ykb7FI-erM7Soq3j9xt6Mg

Một người Sherpa ở thác băng Khumbu, Nepal. Ảnh: Nat Geo

Theo Tatum Simonson, chuyên gia nghiên cứu gene và sinh lý học tại Đại học California ở San Diego, người Sherpa ở Nepal là ví dụ hoàn hảo về việc phát triển khả năng siêu phàm. Thành viên của nhóm dân tộc này đã sống hơn 6.000 năm ở độ cao trung bình 4.267 m, nơi có ít oxy hơn khoảng 40% so với mực nước biển.

Thông thường, khi mức oxy giảm, cơ thể con người sẽ sản xuất nhiều tế bào hồng cầu mang oxy hơn. Tuy nhiên, điều này làm đặc máu và có thể dẫn đến bệnh say độ cao hoặc thậm chí tử vong. Ngược lại, người Sherpa phát triển một số đột biến gene cho phép họ duy trì mức tế bào hồng cầu thấp trong khi ty thể ở tế bào của họ sử dụng oxy hiệu quả hơn. Simonson hy vọng kết quả nghiên cứu về họ có thể giúp những người có lượng oxy trong máu thấp mạn tính do bệnh hô hấp hoặc tim mạch.

Người Bajau

VNE-Power-1-1753011365-6454-1753011665.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tgJnwsDs_PTUUDiP_kJ9nw

Người Bajau dựa vào khả năng lặn sâu để đánh bắt cá và nhiều loại hải sản. Ảnh: Redux

Người Bajau ở Philippines, Malaysia và Indonesia nổi tiếng với khả năng ở dưới nước lâu đến 13 phút tại độ sâu lên đến 70 m. Giống như người Sherpa, các nhà khoa học phát hiện người Bajau sở hữu lợi thế gene để sử dụng oxy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy cấp bách hơn, người Bajau phát triển một cơ chế nhanh hơn. Qua thời gian, chọn lọc tự nhiên giúp họ có lá lách lớn hơn, nơi chứa các tế bào hồng cầu mang oxy. Khi lặn, lá lách của họ co lại và bơm nguồn dự trữ oxy này vào dòng máu.

Hải nữ đảo Jeju

VNE-Power-2-1753011464-3385-1753011665.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RuEcX1wHrQGUGWt_C7w1HQ

Hải nữ trên đảo Jeju kiếm sống bằng nghề lặn tự do qua nhiều thế hệ. Ảnh: Melissa Ilardo

Hải nữ (haenyeo), nhóm phụ nữ trên đảo Jeju kiếm sống bằng nghề lặn biển, có thể lặn sâu trong nước lạnh mà không cần thiết bị hỗ trợ. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Reports hôm 2/5 hé lộ họ mang những gene đặc biệt mà người Hàn Quốc sống trên đất liền không có, liên quan đến khả năng chịu lạnh và giảm huyết áp khi lặn.

So với người đất liền, người Jeju có thể mang biến thể gene của sarcoglycan zeta, protein gắn liền với độ nhạy cảm lạnh. Đây là protein có trong cơ trơn, cho phép các chuyển động không tự chủ diễn ra như chuyển động liên quan đến tuần hoàn máu. Biến thể gene này có thể giải thích khả năng chịu lạnh của thợ lặn tự do.

Khác biệt thứ hai là người Jeju có khả năng sở hữu biến thể gene liên quan đến huyết áp thấp cao hơn 4 lần so với người đất liền. Việc nín thở không chỉ hạn chế nguồn cung cấp oxy cho cơ thể mà còn làm tăng huyết áp của thợ lặn trong lúc lặn. Do giúp hạ huyết áp, biến thể gene này đặc biệt quan trọng với hải nữ vì họ lặn ngay cả khi mang thai, phải tránh tình trạng như tiền sản giật dễ gây tử vong.

An Khang (Theo National Geographic, Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022