Cuộc đời của Oppenheimer không tẻ nhạt như phòng thí nghiệm. Ảnh: Universal Pictures
J. Robert Oppenheimer (1904 -1967) nổi tiếng với vai trò chỉ đạo phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Cuộc đời của nhà vật lý ở ngoài phòng thí nghiệm không hề tẻ nhạt, theo Live Science.
1. Người đầu tiên dự đoán sự tồn tại của hố đen
Oppenheimer là người ham mê học hỏi và yêu thích tìm hiểu bất cứ thứ gì thu hút ông. Sau khi làm quen với vật lý thiên văn qua người bạn Richard Tolman, Oppenheimer bắt đầu công bố các bài báo về những vật thể vũ trụ lý thuyết chưa từng được phát hiện, bao gồm tính toán đặc điểm của sao lùn trắng và giới hạn khối lượng của sao neutron.
Có lẽ dự đoán vật lý thiên văn ấn tượng nhất của Oppenheimer ra đời vào 1939 khi ông cùng viết bài báo "On Continued Gravitational Contraction" cùng với sinh viên của ông là Hartland Snyder. Bài báo dự đoán trong không gian sâu tồn tại những ngôi sao chết với lực hấp dẫn mạnh hơn cả năng lượng sản sinh. Tuy ít được chú ý vào thời điểm đó, về sau bài báo được tái phát hiện bởi các nhà vật lý và họ công nhận Oppenheimer đã dự đoán sự tồn tại của hố đen.
2. Einstein gọi Oppenheimer là "gã ngốc"
Oppenheimer và nhà vật lý Albert Einstein. Ảnh: CORBIS/Corbis
Trí tuệ và khả năng học hỏi tuyệt vời của Oppenheimer không phải luôn giúp ông vượt qua sự thiếu chín chắn về mặt cảm xúc và ngây thơ trong tư tưởng chính trị. Một ví dụ là bất đồng ý kiến giữa ông và Albert Einstein trong thời kỳ cao trào của chủ nghĩa McCarthy (buộc tội ai đó tội phản quốc mà không cần bằng chứng). Khi gặp Einstein ở Viện nghiên cứu tiên tiến tại Princeton, Oppenheimer tâm sự về những cáo buộc nhắm vào ông. Einstein khuyên đồng nghiệp không cần tham gia vào cuộc điều tra và xét xử của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử. Theo ông, Oppenheimer chỉ cần bỏ đi nơi khác.
Nhưng Oppenheimer quyết định ở lại và đấu tranh. Đó là một cuộc chiến mà Oppenheimer đã thua cuộc và thất bại đeo bám ông suốt đời. Einstein bước vào phòng làm việc, gật đầu với Oppenheimer và nói với thư ký: "Đó là một gã ngốc".
3. Ông có thể tìm cách đầu độc giáo sư hướng dẫn bằng một quả táo
Oppenheimer đối mặt với thời gian khó khăn khi theo học tiến sĩ vật lý ở Phòng thí nghiệm Cavendish tại Cambridge, Anh. Vấn đề căng thẳng cảm xúc và cảm giác bị cô lập ngày càng lớn khiến ông bị trầm cảm nặng. Người hướng dẫn của Oppenheimer tại Cambridge là Patrick Maynard Stuart Blackett, một nhà vật lý thực nghiệm thông minh và tài năng, người Oppenheimer rất ghen tỵ. Bất chấp tính thiếu thực tế của Oppenheimer, Blackett vẫn buộc cậu sinh viên làm việc trong phòng thí nghiệm.
Thất bại thường xuyên của Oppenheimer trong phòng thí nghiệm và việc không thể khiến Blackett thông qua luận văn khiến ông cực kỳ lo lắng. Bị nhấn chìm bởi lòng ghen tỵ, Oppenheimer có thể đã hành động quá khích. Một người bạn lâu năm là Francis Fergusson tiết lộ Oppenheimer từng thú nhận đã tẩm thuốc độc vào một quả táo và để trên bàn của Blackett. Tuy nhiên, cháu trai của Oppenheimer là Charles Oppenheimer, phủ nhận thông tin này. Nhưng nếu quả táo độc có thật, Blackett đã không ăn nó.
4. Tổng thống Truman gọi Oppenheimer là kẻ mau nước mắt
Oppenheimer rất có khả năng thuyết phục trong môi trường thoải mái nhưng có xu hướng dễ sụp đổ dưới áp lực. Chỉ hai tháng sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Oppenheimer gặp tổng thống Harry S. Truman tại Phòng Bầu dục để chia sẻ lo ngại về chiến tranh hạt nhân với Liên Xô có thể nổ ra trong tương lai. Truman phớt lờ mối lo ngại của Oppenheimer và cam đoan với nhà vật lý rằng Liên Xô sẽ không bao giờ phát triển bom nguyên tử. Buồn bã trước sự thờ ơ của tổng thống, Oppenheimer siết chặt tay và thấp giọng: "Tổng thống, tôi cảm thấy tay tôi dính đầy máu".
Lời nói này khiến Truman nổi giận và mau chóng kết thúc cuộc gặp. Sau này, Truman viết vào năm 1946 rằng cha đẻ của bom nguyên tử là một "nhà khoa học mau nước mắt, dành phần lớn thời gian siết tay và nói tay ông dính đầy máu do phát hiện năng lượng nguyên tử".
5. Các sinh viên bị ám ảnh bởi Oppenheimer
Oppenheimer giảng dạy ở Đại học Kyoto vào ngày 14/9/1960. Ảnh: The Asahi Shimbun
Oppenheimer là một nhà vật lý rất giỏi truyền đạt. Ông không chỉ dựa vào toán học để tìm hiểu thế giới mà còn tìm cách hữu ích để mô tả lại bằng từ ngữ. Cách chọn từ khéo léo và học thức uyên bác ngoài lĩnh vực vật lý biến ông thành một diễn giả thu hút.
Tài nói chuyện của Oppenheimer khiến những sinh viên vô cùng yêu thích ông. Một số ám ảnh với nhà vật lý đến mức họ bắt đầu ăn mặc và hành động giống ông như đóng bộ vest xám, đi giày đen, hút loại thuốc thuốc lá yêu thích của ông và bắt chước những hành vi kỳ quặc.
6. Oppenheimer có khả năng nói 6 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Phạn cổ
Oppenheimer yêu thích thách thức trong học tập và tận hưởng mọi cơ hội thể hiện khả năng tiếp thụ tri thức thần đồng của ông. Ông nói được 6 ngôn ngữ là tiếng Hy Lạp, Latin, Pháp, Đức, Hà Lan (ông học trong 6 tuần đến Hà Lan để giảng dạy) và tiếng Phạn cổ của Ấn Độ.
Oppenheimer học tiếng Phạn để có thể đọc kinh Hindu Bhagavad Gita. Đây cũng là nguồn gốc câu nói nổi tiếng sau này của ông. Trong cuộc phỏng vấn năm 1965 với NBC, Oppenheimer hồi tưởng cảm nghĩ khi trông thấy đám mây hình nấm từ vụ thử bom nguyên tử thành công đầu tiên. "Giờ đây tôi đã trở thành Thần Chết, kẻ hủy diệt thế giới".
7. Oppenheimer từng bị nhầm là nhà địa chất học ở tuổi 12
Từ 7 tuổi, Oppenheimer say mê pha lê bởi cấu trúc và tương tác của chúng với ánh sáng phân cực. Ông trở thành nhà sưu tập khoáng chất cuồng nhiệt, sử dụng máy đánh chữ trong gia đình để viết những bức thư dài chi tiết cho các nhà địa chất học địa phương. Không biết mình đang trao đổi thư từ với đứa trẻ 12 tuổi, một nhà địa chất học mời Oppenheimer tới phát biểu ở Câu lạc bộ Khoáng chất học New York. Oppenheimer nhờ cha ông giải thích với câu lạc bộ ông chỉ mới 12 tuổi nhưng buồn cười vì sự nhầm lẫn này, cha ông giục con trai tới tham dự.
Cả phòng đầy nhà địa chất học chuyển từ kinh ngạc sang cười phá lên khi biết cậu bé là người viết thư bí ẩn, nhưng họ mau chóng mang đến một chiếc hòm gỗ để cậu có thể với tới bục giảng. Oppenheimer phát biểu trôi chảy và chào đón cậu là những tràng vỗ tay.
An Khang (Theo Live Science)