Nguy cơ rác vũ trụ rơi trở lại khí quyển và va chạm với máy bay đang tăng lên. Ảnh: iStock
Một nghiên cứu mới nêu bật nguy cơ ngày càng tăng của mảnh rác vũ trụ đâm trúng máy bay chở khách hoặc máy bay khác. Dù sự kiện như vậy vẫn chưa xảy ra, những hậu quả tiềm ẩn có thể thảm khốc. Nhóm nghiên cứu ở Đại học British Columbia lập mô hình đường bay của mảnh vỡ tên lửa rơi và so sánh với dữ liệu bay toàn cầu. Với sự bùng nổ của hoạt động phóng vệ tinh như Starlink của SpaceX và lưu thông hàng không ngày càng nhiều, nguy cơ va chạm đang tăng lên nhanh chóng, Interesting Engineering hôm 10/2 đưa tin.
"Việc hồi quyển không thể kiểm soát của những vật thể trong vũ trụ tạo ra nguy cơ va chạm với máy bay đang bay. Dù khả năng va chạm rất thấp, hậu quả có thể to lớn. Hơn nữa, nguy cơ tăng lên do sự gia tăng của cả hoạt động hồi quyển và các chuyến bay", nhóm nghiên cứu cho biết.
Số lượng vệ tinh trên quỹ đạo ngày càng cao dẫn tới khả năng những vật thể vỡ ra hoặc ngừng hoạt động càng lớn, do đó rác vũ trụ đang tăng lên. Cuối cùng, các vệ tinh rơi trở lại Trái Đất. Dù nhiều vật thể bốc cháy vô hại trong khí quyển, một số mảnh có thể tồn tại sau quá trình hồi quyển và đe dọa máy bay. Nhiều công ty tư nhân đang tăng cường phóng vệ tinh để tạo thành siêu chòm trên quỹ đạo, khiến vấn đề trầm trọng hơn trong những năm tới.
Nghiên cứu hé lộ hơn 2.300 mảnh tên lửa đang bay quanh Trái Đất hiện nay và sẽ rơi không kiểm soát trở lại khí quyển. Khu vực có mật độ cao nhất, quanh các sân bay lớn, mỗi năm có 0,8% khả năng bị ảnh hưởng bởi vật thể hồi quyển không kiểm soát. Tỷ lệ này tăng lên 26% đối với không phận lớn có mật độ lưu thông cao như đông bắc nước Mỹ, Bắc Âu, hoặc quanh nhiều thành phố lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay cả mảnh vỡ nhỏ cỡ một gram cũng có thể gây thiệt hại lớn đối với kính chắn gió hoặc động cơ của máy bay. Aerospace Corporation ước tính khả năng máy bay bị rác vũ trụ đâm trúng là gần 1/100.000 vào năm 2021, nguy cơ quá cao. Vấn đề nghiêm trọng hơn do khó khăn trong theo dõi vật thể rơi xuống. Điều này buộc nhà chức trách phải phong tỏa không phận để đề phòng, gây chậm chuyến và hoãn bay.
Tình huống đặt nhà chức trách vào tình thế nan giải là đóng cửa không phận hoặc không với tác động kinh tế. Một ví dụ là mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B hồi quyển năm 2022. Dù cuối cùng tên lửa rơi xuống đại dương, vụ tai nạn dấy lên lo ngại về độ an toàn của khu vực dân cư và nhu cầu cải thiện biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ từ vật thể hồi quyển không kiểm soát.
Các nhà nghiên cứu đề xuất sắp xếp tên lửa hồi quyển có kiểm soát. Hiện nay, loại công nghệ này được sử dụng trong chưa đầy 35% lần phóng. Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo nhà chức trách sẽ phải đối mặt thách thức của những vụ rơi không kiểm soát trong hàng thập kỷ tới trong bài báo đăng trên tạp chí Scientific Reports.
An Khang (Theo Interesting Engineering)