"Người làm khoa học không ham giàu sang, nhưng họ xứng đáng được vinh danh muôn đời", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói trong buổi làm việc tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Hòa Bình (nay là Phú Thọ) ngày 12/7.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện đề án về khu tưởng niệm, vinh danh nhà khoa học, công nghệ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, với một công trình dự kiến tại khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội.
Ý tưởng này từng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữa tháng 5 và nhận được sự ủng hộ của giới khoa học công nghệ trong nước, trong đó có giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - nhà sáng lập và cùng Medlatec xây dựng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Meddom).

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng (phải) trao sổ lưu bút cho GS Nguyễn Anh Trí trong chuyến thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: Minh Đức
Đến thăm Công viên, Bộ trưởng đánh giá đây là "một nỗ lực phi thường" của GS Nguyễn Anh Trí cùng cộng sự, đặc biệt khi là sản phẩm của một đơn vị tư nhân.
Theo ông, ý tưởng của Meddom và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hướng tới "nhà khoa học". Điểm đặc biệt là mô hình Meddom có công viên và hoạt động du lịch để tạo ra nguồn thu, thu hút người dân, thế hệ trẻ đến với di sản, vì vậy có thể kết hợp với công trình của Bộ trong một hệ sinh thái vinh danh.
Đoàn công tác của Bộ dành nhiều thời gian thăm từng khu trưng bày, lưu trữ, tìm hiểu cách sưu tầm cũng như bảo quản, trưng bày hiện vật tại đây. Trong gần ba giờ tham quan, GS Nguyễn Anh Trí trở thành "hướng dẫn viên" của đoàn. Ông bồi hồi chia sẻ với Bộ trưởng về những ngày đầu hình thành, sự tâm huyết trong quá trình xây dựng, sưu tầm từng loại cây, từng hiện vật để mang về công viên, nhưng cũng sẵn sàng hiến tặng toàn bộ cho Nhà nước để công viên được trường tồn. "Đây không phải sự bột phát, ý tưởng hiến tặng Công viên đã có từ ngày đầu thành lập Meddom", ông nói.
Theo giáo sư, ý tưởng được ông ấp ủ từ thập niên 1990 nhằm bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt. Công viên được triển khai năm 2004, với nguồn kinh phí từ một phần lợi nhuận hàng năm của Medlatec. Hơn 20 năm qua, từ một khu đất ban đầu 2,7 ha, công trình mở rộng trên diện tích hơn 30 ha, bao gồm khu công viên và các nhà chức năng cho công tác lưu trữ, trưng bày, giáo dục kỹ năng. Trong đó, bảo tàng chứa hơn một triệu tài liệu, hiện vật từ khoảng 7.000 nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, với nhiều tài liệu quý, như bản viết tay nghiên cứu khoa học, dụng cụ nghiên cứu, của nhà khoa học Việt.

Bên trong Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình (nay là Phú Thọ). Video: Lộc Chung - Anh Phú
Tầm nhìn "nghìn năm" cho nơi vinh danh các nhà khoa học
Trong bối cảnh Việt Nam đi sau các cường quốc về khoa học công nghệ, để cạnh tranh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần làm khoa học, để "thế hệ sau có những người giỏi hơn thế hệ trước". Ông nhắc lại quan điểm Việt Nam muốn "hóa rồng hóa hổ", trở thành nước phát triển, thu nhập cao, không còn con đường nào khác ngoài dựa trên khoa học công nghệ.
Qua kinh nghiệm quốc tế, ông cho rằng một trong những yếu tố thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học là sự vinh danh. Những quốc gia phát triển, có nền khoa học công nghệ mạnh đều có nơi vinh danh nhà khoa học, và khi những người đương đại chứng kiến, họ sẽ được khích lệ tinh thần hy sinh làm khoa học.
"Dù không vinh danh, họ có thể vẫn làm khoa học, nhưng nếu có, tinh thần đó sẽ mạnh mẽ hơn nhiều", Bộ trưởng nói, dẫn tinh thần của các thế hệ người Việt xưa thông qua việc khắc tên các tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu. "Khoa học công nghệ là con người, là cá nhân chứ không phải tập thể. Nếu không khuyến khích được tinh thần của các nhà khoa học, khoa học công nghệ sẽ không bao giờ phát triển được".
Với mục tiêu đưa những công trình này phát huy ý nghĩa thực sự, Bộ trưởng cho rằng chúng cần trường tồn, để khích lệ thế hệ sau phát huy giá trị, bởi "nếu không có thêm nhiều nhà khoa học, đất nước sẽ yếu đi".
"Điều này cũng làm ấm lòng gia đình của các nhà khoa học khi biết công trình này sẽ tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm", ông nói.

Bên trong kho lưu trữ chứa tài liệu về khoảng 7.000 nhà khoa học Việt Nam tại Meddom. Ảnh: Lưu Quý
Tại buổi gặp, GS Nguyễn Anh Trí đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ một số vấn đề như đồng hành, thúc đẩy công viên trở thành nơi tổ chức các sinh hoạt khoa học, hội nghị hội thảo, đề án về khoa học, di sản văn hóa, trưng bày các thành tựu khoa học; đồng thời hỗ trợ chuyển giao, kết nối khoa học công nghệ về bảo tàng và lưu trữ. Giáo sư nhắc lại tâm nguyện về việc sẵn sàng hiến tặng công trình cho Nhà nước, hoặc có thể hợp tác đầu tư từng hạng mục của công viên.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "sẽ có trách nhiệm" bởi đây là công trình tốt cho ngành, đặc biệt tốt cho các nhà khoa học công nghệ trong nước. Bộ sẵn sàng phối hợp với Meddom về các vấn đề như tư liệu, triển lãm, giới thiệu sự kiện, các khoản đầu tư.
"Sự bảo tồn, lan tỏa di sản của nhà khoa học, công nghệ sẽ tạo thành một dòng chảy liên tục của khoa học và công nghệ Việt Nam. Dòng chảy này sẽ hun đúc, tạo ra nhiều hơn các nhà khoa học, công nghệ, để phát triển đất nước và đóng góp cho nhân loại", lưu bút của Bộ trưởng tại bảo tàng có đoạn.
Lưu Quý