VNE-Bird-1747049244-8374-1747049280.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oK14GY1IZFa7Th9iZ0EiLw

Gà móng sống ở Nam Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Gà móng hoang dã (Opisthocomus hoazin) sống ở lưu vực sông Amazon và Orinoco ở Nam Mỹ, thường được coi là một trong những loài kỳ lạ nhất thế giới, theo Live Science. Nó chào đời với đôi cánh có móng vuốt, một đặc điểm tiền sử hiếm gặp và khi trưởng thành phát ra mùi khó ngửi do hệ thống tiêu hóa lên men thức ăn.

Gà móng sở hữu một số đặc điểm kỳ quặc với phần mào dựng đứng trên đỉnh đầu, da mặt màu xanh dương, mắt đỏ, đuôi lớn xòe ra như chiếc quạt được dùng để giữ thăng bằng trong khi mò mẫm giữa cây cối rậm rạp. Nhưng nó nổi tiếng nhất với mùi hăng nồng giống phân hoặc rau thối.

Chuyên ăn lá, quả và hoa, gà móng có hệ tiêu hóa lên men ở ruột trước, tương tự bò. Lá cây mà chúng nuốt vào được lưu trữ và lên men ở chiếc diều lớn, túi chứa thức ăn tạm thời nằm trong thực quản. Sau đó, thức ăn được đưa tới dạ dày để vi khuẩn phân hủy vật liệu rắn, giải phóng khí thông qua ợ hơi, tạo ra mùi phân đặc trưng ở gà móng.

Quá trình tiêu hóa trên cực kỳ hiệu quả để phân hủy lượng lớn cellulose trong lá nhưng cũng khiến gà móng bốc mùi và vụng về bởi phần ruột to khiến chúng khó bay. Tuy nhiên, mùi khó chịu cũng đóng vai trò như cơ chế phòng vệ tự nhiên do động vật săn mồi thường tránh gà móng vì cho rằng chúng bị thối rữa hoặc có độc.

Giới nghiên cứu không chắc chắn về quá trình tiến hóa của gà móng. Năm 2015, một nghiên cứu di truyền trên tạp chí Nature cho thấy gà móng là thành viên cuối cùng còn sống sót của một nhóm chim phân nhánh từ cây tiến hóa cách đây 64 triệu năm, không lâu sau sự kiện tuyệt chủng xóa sổ khủng long không phải chim. Nhưng một nghiên cứu khác công bố năm 2024 trên tạp chí PNAS hé lộ gà móng không cổ xưa như suy đoán trước đây. Dù móng ở cánh con non chưa trưởng thành có vẻ nguyên thủy, chúng có thể tiến hóa nhằm sống sót ở rừng rậm Amazon. Do gà móng non không thể bay, bộ móng cho phép chúng trèo cây để trốn động vật săn mồi.

Năm 2024, các nhà sinh vật học phân tích và lập bản đồ hệ gene của hơn 360 loài chim nhằm tạo ra cây phả hệ của những nhóm chim lớn, nhưng họ không biết đặt gà móng ở đâu. Họ xếp gà móng vào danh mục "mồ côi" cùng với chim ven biển và sếu. Gà móng cũng là quốc điểu của Guyana với tên địa phương Canje pheasant.

An Khang (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022