Cho đến gần đây, các nhà khoa học vẫn tin rằng phân bộ Cá đuối ó (Myliobatoidei) là những sinh vật yên ắng dưới đại dương, nhưng nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Ecology vào tháng 7 đã chỉ ra hai trường hợp ngoại lệ.
Đoạn video dưới đây bao gồm ba cảnh quay được ghi lại bởi thợ lặn Philip Christoff, nhiếp ảnh gia Javier Delgado Esteban và nhà sinh vật học biển Johnny Gaskell tại Indonesia, đảo Magnetic và Hero ở Australia, cho thấy hai loài cá đuối ó Urogymnus granulatus và Pastinachus ater tạo ra những tiếng lách cách không thể nhầm lẫn.
Cá đuối ó tạo ra những tiếng lách cách bí ẩn. Video: Fish Thinkers Research Group
"Điều này cho thấy chúng ta không biết tất cả mọi thứ. Chúng ta đang ở năm 2022 và bạn có thể khám phá điều gì đó mà chưa ai từng thấy chỉ bằng cách ra ngoài và quan sát tự nhiên", tác giả chính Lachlan Fetterplace từ Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển chia sẻ.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ về cách cá đuôi ó tạo ra âm thanh. "Chúng không có dây thanh quản và không có cơ chế rõ ràng để tạo ra tiếng lách cách", nhà sinh thái học nói thêm.
Trong video, các lỗ thở của cá đuối - hai lỗ trên đầu dùng để di chuyển nước qua mang - dường như co lại khi tiếng lách cách phát ra. Điều này cho thấy cá đuối ó có thể tạo ra ma sát giữa các lỗ thở và mô xung quanh, tương tự cách chúng ta búng ngón tay. Cũng có khả năng các lỗ thở phát ra âm thanh bằng cách tạo ra chân không, giống như khi chúng ta tặc lưỡi, Fetterplace giải thích.
Câu trả lời có thể sẽ sớm được tiết lộ, vì nhiều nhà khoa học khác đã lên kế hoạch nghiên cứu để xem xét giải phẫu cá đuối ó kỹ hơn.
Fetterplace cùng các cộng sự đã so sánh băng thông và tần số của tiếng lách cách với phạm vi thính giác của cá đuối ó và xác nhận chúng thực sự có thể nghe thấy những âm thanh này, điều đó có nghĩa đây là một hình thức giao tiếp.
Tuy nhiên, vẫn có một khả năng khác. Những âm thanh lớn và nhanh có thể chỉ đơn giản là để gây bất ngờ cho kẻ săn mồi, tạo cơ hội cho cá đuối ó chạy trốn.
Hiện nay, có khoảng 220 loài cá đuối ó đã biết, được chia thành 10 họ và 29 chi, trong đó có 45 loài bị liệt kê là "có nguy cơ tuyệt chủng" do hậu quả của việc đánh bắt không kiểm soát.
Đoàn Dương (Theo National Geographic)