HUY-5002-4459-1745736511.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jGXzdKu9RTWMX1xqUhU4qQ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc ngày 22/4. Ảnh: Giang Huy

Khoa học công nghệ gồm khoa học và công nghệ. Khoa học là lấy được tri thức của Trời, là tìm ra cái đã có sẵn trong Trời, không phải sáng tạo ra. Công nghệ là sáng tạo ra công cụ dựa trên tri thức của Trời, là con người sáng tạo ra, không phải là cái đã có sẵn ở Trời. Vậy, khoa học và công nghệ là khác nhau, cần cách tiếp cận, cách làm khác nhau. Khoa học là tìm ra cái đã có sẵn trong Trời Đất, là bí mật của Trời Đất. Công nghệ là sáng tạo ra cái mới chưa có trong Trời Đất. Vì thế, phát triển công nghệ là không gian của con người, sự sáng tạo ở đây là vô hạn.

Về bối cảnh thế giới. Khoa học công nghệ phát triển nhanh chưa từng có. Nhiều CN đột phá, thay đổi cuộc chơi, phá hủy các hệ thống, tư duy cũ, thay đổi cách phát triển, cách cạnh tranh. Cạnh tranh công nghệ thành mặt trận cạnh tranh chính, sẽ làm thay đổi trật tự toàn cầu. Không tự cường là phụ thuộc và thu lợi rất ít. Cạnh tranh gốc vẫn phải quay về nghiên cứu cơ bản, nhưng với những nước đang phát triển thì cần lộ trình phù hợp.

Khoa học công nghệ mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. Khoa học công nghệ mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Khoa học công nghệ không phải vì khoa học công nghệ mà phải vì sự hưng thịnh quốc gia, đóng góp cho nhân loại. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc khoa học công nghệ. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có khoa học công nghệ phát triển.

Hiện đại hóa Việt Nam phải dựa vào hiện đại hóa khoa học công nghệ làm nền tảng. Phát triển chất lượng cao phải dựa vào Khoa học công nghệ. Phát triển 2 con số phải dựa vào Khoa học công nghệ. Bởi vậy, khoa học công nghệ là cái nền quốc gia.

Con đường phát triển khoa học công nghệ Việt Nam: 1- Khoa học công nghệ hướng vào phát triển KT-XH, giải các bài toán lớn quốc gia; 2- Chuyển đổi số toàn diện để tạo đất cho khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo; 3- Đổi mới sáng tạo toàn dân để phát triển khoa học công nghệ; 4- Khoa học công nghệ tập trung vào làm chủ các công nghệ chiến lược, các công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng đang phụ thuộc; 5- Gắn khoa học công nghệ với công nghiệp, với đổi mới công nghiệp, hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất; 6- Nhân tài là cốt lõi; 7- Đổi mới hệ thống quản trị khoa học công nghệ.

Thể chế khoa học công nghệ phải liên tục được cải cách để khơi dậy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư, hướng tới làm chủ công nghệ, tự lực, tự cường trong khoa học công nghệ. Tái cấu trúc hệ thống khoa học công nghệ, tái cấu trúc các cơ cấu chi, nâng cao năng lực đổi mới của các chủ thể, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.

Loại bỏ các rào cản tư duy, rào cản cơ chế đối với khoa học công nghệ. Trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học công nghệ. Xây dựng thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh về khoa học công nghệ.

Phân bổ đủ nguồn lực quốc gia để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển (3% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo). Vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực cho khoa học công nghệ, đồng thời tận dụng vai trò của nhà nước để mồi, khơi dậy sự tích cực ở các khâu nghiên cứu, sản xuất và đào tạo. Luật KH&CN sửa đổi phải thể hiện được các định hướng này.

Khoa học công nghệ hướng đến kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng NSLĐ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Khoa học công nghệ hướng tới giải quyết các bài toán lớn của quốc gia: Tăng trưởng 2 con số, tinh gọn bộ máy, tăng trưởng chất lượng cao, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng cường tiềm lực bảo vệ tổ quốc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045...

Khoa học công nghệ thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và đặt trong ngữ cảnh chuyển đổi số. Lấy chuyển đổi số làm môi trường phát triển khoa học công nghệ

Kiên trì con đường đổi mới sáng tạo. Coi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đặc điểm lớn nhất của phát triển khoa học công nghệ giai đoạn này. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì dễ hơn khoa học công nghệ, nhưng lại mang tính quyết định trong sự phát triển của Việt Nam. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là bước trung gian để tiến tới làm chủ công nghệ. Kiên trì con đường tự lực, tự cường khoa học công nghệ để nắm quyền chủ động. Luật KH&CN được sửa đổi thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặt đổi mới sáng tạo ngang với khoa học công nghệ để nhấn mạnh khía cạnh ứng dụng của khoa học công nghệ. Cường quốc khoa học công nghệ phải thông qua cường quốc về đổi mới sáng tạo. Các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với các tổ chức đổi mới sáng tạo. Khoa học công nghệ là tìm ra hạt giống, nhưng gieo trồng ở mảnh đất nào, chăm sóc cho đến khi thu hoạch là công đoạn tiếp theo của khoa học công nghệ, là đổi mới sáng tạo. Khoa học công nghệ mà bị đứt gãy, không nối được với đổi mới sáng tạo là thất bại.

Khoa học công nghệ hướng tới làm chủ các công nghệ chiến lược của Việt Nam, tiến tới tự lực, tự chủ và tự cường về khoa học công nghệ. Công nghệ chiến lược phải dẫn đến các sản phẩm chiến lược và các ngành công nghiệp chiến lược. Vì chỉ khi trở thành ngành công nghiệp thì tác động vào nền kinh tế mới đủ lớn. Bởi vậy, khoa học công nghệ phải hướng tới các sản phẩm chiến lược, các ngành công nghiệp chiến lược. Cách mà chúng ta làm chủ công nghệ lõi là đi từ làm chủ sản phẩm, làm chủ thiết kế sản phẩm, tích hợp thành sản phẩm thương mại. Đây là giai đoạn trung gian để tiến tới làm chủ công nghệ.

Khoa học công nghệ đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP của đất nước

Chuyển từ tư duy nghiên cứu để có kết quả (có bài báo, có báo cáo) sang nghiên cứu để thay đổi thực tiễn. Thay đổi thực tiễn có thể là thay đổi một nhận thức, không nhất thiết là ứng dụng công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải gắn với nhu cầu cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp, có đầu ra áp dụng, có đối tác tiếp nhận.

Khoa học công nghệ không chỉ đi từ trên Trời xuống dưới Đất mà chủ yếu là đi từ dưới Đất lên Trời. Lấy thực tiễn làm mảnh đất phát triển khoa học công nghệ, từ nhu cầu của thực tiễn mà đặt ra bài toán cho khoa học công nghệ.

Đo lường được kết quả cuối cùng của khoa học công nghệ, đo lường được tác động của khoa học công nghệ tới tăng trưởng kinh tế, tới năng lực cạnh tranh quốc gia, tới chất lượng cuộc sống người dân. Nếu đo được kết quả đầu ra thì không ngại khoán chi, không ngại chi đầu vào tăng lên.

Cân bằng Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Khoa học xã hội đóng góp cho sự phát triển của đất nước không kém gì Khoa học tự nhiên. Như những nghiên cứu về đổi mới quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số, trong mô hình 2 cấp; nghiên cứu về chiến lược phát triển đất nước dựa trên văn hoá; nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên mới; nghiên cứu về thực thi hiệu quả các nghị quyết của Đảng; nghiên cứu về việc thu hút người tài, tạo ra người tài tham gia điều hành, phát triển đất nước...

Một đồng nhà nước chi cho khoa học công nghệ phải mồi, kéo được 3-4 đồng nghiên cứu của doanh nghiệp. 70-80% ngân sách nghiên cứu khoa học công nghệ là tài trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, chứ không như trước đây, hầu như không tài trợ cho doanh nghiệp. Tài trợ doanh nghiệp thì theo công thức đồng tài trợ: nhà nước chi 25%, doanh nghiệp chi 75%. Chi cho viện trường thì cơ bản nhà nước phải bỏ ra 100%.

Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đổi mới công nghệ. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn trong nghiên cứu phát triển, nhất là phát triển các công nghệ chiến lược. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia các dự án khoa học công nghệ quan trọng của quốc gia. Dẫn dắt doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với các viện trường, cùng nhau giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong ngành, phối hợp tiến hành các nghiên cứu, tạo ra nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Chuyển cơ bản toàn bộ nghiên cứu cơ bản về đại học. Nơi đây có nhân lực tốt nhất và dồi dào nhất, đó là giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên. Lực lượng nghiên cứu phát triển ở các đại học thì cơ bản là mãi mãi trẻ.

Nghiên cứu cơ bản cũng hướng tới địa chỉ ứng dụng. Thiết lập cơ chế đánh giá nhiệm vụ khoa học theo 3 nhóm: 1- Phục vụ chính sách công. 2- Ứng dụng doanh nghiệp. 3- Nâng cao tri thức nền. Mỗi nhóm có tiêu chí khác nhau. Vụ khoa học phải ban hành các tiêu chí đánh giá này. Chú ý, bài báo là cần thiết để khẳng định trình độ học thuật, nhưng không nên là tiêu chí duy nhất để đánh giá nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khi ngân sách công đang cần hướng tới giải quyết các bài toán của quốc gia, ngành và địa phương, góp phần phát triển KT-XH.

Cơ cấu lại các chương trình khoa học công nghệ. Bỏ hình thức, bỏ dàn trải, tập trung theo hướng ít mà trúng. Hiện chúng ta đang tài trợ quá nhiều (trên 40 chương trình) nhưng hiệu quả không rõ ràng. Phải tái cơ cấu lại chỉ còn dưới 10 chương trình. Bám sát vào các công nghệ chiến lược, các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam có nhu cần và năng lực, để cơ cấu lại. Tài trợ thì lớn hơn (không chỉ vài tỷ, mà còn là vài chục tỷ, vài trăm tỷ và lớn hơn). Quản lý đầu ra cho thật rõ, nhưng kiểm toán đầu vào nhẹ hơn.

Nhà khoa học không chỉ là người có bài báo, có chức danh khoa học, có bằng cấp hay có giải thưởng mà phải là người có bằng sáng chế được ứng dụng trong thực tế tạo ra giá trị cao cho tăng trưởng kinh tế, hoặc nâng cao tri thức nền. Các tri thức mới, giải pháp mới được tìm ra (lý thuyết, mô hình, thuật toán, công nghệ, hoặc chính sách) có tác động thực tế thông qua việc kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản phẩm, công nghệ, chính sách hoặc giải pháp xã hội.

Người nghiên cứu được khoán chi phí, được sở hữu kết quả nghiên cứu để mang đi thương mại hoá, được hưởng lợi từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Nhà Khoa học công nghệ thương mại hoá được kết quả nghiên cứu thì thu nhập đó được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân.

Cần xây dựng một chương trình quốc gia qui mô lớn về nâng cấp công nghệ cho các doanh nghiệp theo từng chuỗi. Chọn ra 1% (10.000) những doanh nghiệp quan trọng nhất của các chuỗi (ví dụ dệt may, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng...) để nâng cấp công nghệ.

Chuyển đổi số toàn diện hoạt động khoa học công nghệ, công tác quản lý khoa học công nghệ. Xây dựng nền tảng số quản lý toàn bộ vòng đời nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các cơ sở nghiên cứu phải dùng nền tảng này để quản lý đề tài nghiên cứu dùng ngân sách nhà nước.

Về hợp tác quốc tế

Khoa học công nghệ có tính toàn cầu và thời đại. Hợp tác để phát triển khoa học công nghệ nước nhà và đóng góp vào khoa học công nghệ thế giới. Hợp tác khoa học công nghệ bao giờ cũng là 2 bên cùng có lợi, dựa trên lợi thế các bên để hợp tác. Khoa học công nghệ Việt Nam tham gia giải bài toán toàn cầu, đa số các bài toán lớn của Việt Nam đều là bài toán toàn cầu, giải được bài toán Việt Nam là giải được bài toán toàn cầu. Việt Nam không đi xin nữa, phải có cái Việt Nam mang ra, có cái Việt Nam mang về. Khoa học công nghệ là mạng lưới toàn cầu. Càng mạng lưới thì khoa học công nghệ càng phát triển. Các đơn vị trong khối phải xây dựng mạng lưới khoa học công nghệ toàn quốc và toàn cầu.

Cơ cấu chi Khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo/Chuyển đổi số từ ngân sách nhà nước

Cơ cấu chi cho bộ 3 Khoa học công nghệ/Đổi mới sáng tạo/chuyển đổi số là tương đương nhau.

Cơ cấu chi khoa học công nghệ theo 3 cấu thành chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi nhiệm vụ là:10/20/70. Dành phần lớn tiền chi cho các nhiệm vụ Khoa học công nghệ. Liên tục đầu tư hàng năm, mỗi năm 5.000 tỷ đồng, để phát triển cơ sở vật chất, nhất là các phòng thí nghiệm trọng điểm, hình thành hạ tầng khoa học công nghệ.

Cơ cấu chi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ phát triển công nghệ là: 15/85. Dành 85% chi khoa học công nghệ cho phát triển công nghệ. Các nước đang phát triển thì đều ưu tiên chi phát triển công nghệ. Chi nghiên cứu khoa học chiếm 15% nhưng về số tuyệt đối là gấp 4-5 lần so với năm 2024.

Cơ cấu chi nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa viện trường và doanh nghiệp: 20/80. Dịch chuyển mạnh mẽ phát triển công nghệ về doanh nghiệp.

Muốn đi một chặng đường dài về khoa học công nghệ thì phải tầm nhìn xa, trông rộng, hoạch định toàn cục, nhưng có tập trung vào cốt lõi. Vụ khoa học và Vụ Công nghệ phải hoạch định tầm nhìn này, có thể là một bản chiến lược, hoặc tốt nhất là một guideline để giúp Bộ luôn đi đúng hướng.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022