Xoáy nước là dòng nước xoay tròn hình thành khi hai dòng hải lưu ngược chiều gặp nhau. Xoáy mạnh thường được gọi là vũng nước xoáy (maelstrom), chủ yếu nằm ở biển và đại dương. Xoáy nhỏ hơn phổ biến ở chân thác nước và có thể quan sát ở nhiều công trình nhân tạo như đập nước. Ở đại dương, chúng chủ yếu do thủy triều gây ra và có thể nhấn chìm tàu lớn, theo World Atlas.
Corryvreckan
Vịnh Corryvreckan là eo biển nằm giữa hai đảo Jura và Scarba, Scotland. Địa hình dưới nước của khu vực kết hợp với dòng hải lưu Đại Tây Dương mạnh tạo ra thủy triều dữ dội. Khi thủy triều tràn vào eo biển, nó tăng tốc và gặp nhiều đặc điểm đa dạng ở đáy biển như hố sâu, cột đá nhô cao. Tất cả góp phần tạo ra Corryvreckan, xoáy nước lớn thứ ba trên thế giới, nằm ở phần phía bắc của vịnh, bao quanh bởi nhiều cột đá hình kim tự tháp. Các thợ lặn thám hiểm khu vực coi đây là một trong những chuyến lặn nguy hiểm nhất ở Anh.
Naruto

Xoáy nước ở eo biển Naruto. Ảnh: World Atlas
Eo biển Naruto nằm giữa thành phố Naruto ở Tokushima và đảo Awaji ở Hyogo, Nhật Bản. Eo biển rộng 1,3 km và nối biển nội địa với Thái Bình Dương. Thủy triều khiến một lượng nước lớn bị đẩy ra biển nội địa hai lần một ngày. Thủy triều dâng cao tới 1,7 mét tạo ra chênh lệch về mực nước khoảng 1,2 mét giữa biển nội địa và Thái Bình Dương. Do eo biển Naruto rất hẹp, nước tràn vào ở tốc độ gần 13 km/h, 4 lần/ngày và 19 km/h vào mùa xuân, tạo ra xoáy nước có đường kính 20 m. Dòng hải lưu ở eo biển Naruto thuộc hàng nhanh nhất Nhật Bản và nhanh thứ tư trên thế giới.
Old Sow
Old Sow là một trong những xoáy nước lớn nhất ở Tây Bán cầu, nằm ở ngoài khơi đảo Deer tại New Brunswick. Tên gọi Old Sow xuất phát từ tiếng ồn giống tiếng lợn kêu mà xoáy nước phát ra. Nó hình thành bởi dòng thủy triều cực mạnh do sự trao đổi nước giữa vịnh Fundy và vịnh Passamaquoddy, được thúc đẩy bởi địa hình đáy biển khác thường trong khu vực. Xoáy nước hình thành trong vùng có đường kính khoảng 76 m. Hoạt động của Old Sow chịu ảnh hưởng của nhiều dòng hải lưu, nước dâng do thủy triều, bão và gió mạnh.
Skookumchuck Narrows

Xoáy nước ở eo biển Skookumchuck Narrows. Ảnh: Flickr
Eo biển Skookumchuck Narrows hình thành lối vào vịnh Sechelt ở vùng Sunshine Coast, British Columbia, Canada. Dòng thủy triều trong khu vực chảy qua đây trước khi đổ vào vịnh Sechelt. Xoáy nước hình thành ở Skookumchuck Narrows trong suốt lưu lượng đỉnh. Mỗi ngày, lượng nước biển lớn bị thủy triều đẩy qua Skookumchuck Narrows. Chênh lệch mực nước ở hai đầu eo biển có thể vượt mức hai mét trong khi tốc độ dòng hải lưu lên tới trên 30 km/h. Ϲác ghềnh thủy triều ở đây đôi khi được coi là nhɑnh nhất trên thế giới. Hình thái thủy triều khiến nước di chuyển hầu như mọi lúc trong khu vực.
Moskstraumen
Moskstraumen là một hệ thống xoáy nước thủy triều hình thành trên biển Na Uy, giữa mũi Lofoten ở Moskenes và Vaeroy trên đảo Mosken. Nó hình thành khi dòng thủy triều mạnh chảy giữa các đảo, Đại Tây Dương và vịnh Vestfjorden. Xoáy nước lớn nhất có đường kính 40-49 m và tạo gơn nước bề mặt gần một mét. Tốc độ của dòng nước lên đến 32 km/h. Moskstraumen là kết quả của những yếu tố như thủy triều, gió mạnh, vị trí và địa hình dưới nước. Trong khi phần lớn xoáy nước xảy ra ở eo biển hẹp và sông ngòi, Moskstraumen ngoại lệ do nằm ngoài biển khơi. Thủy triều ở Lofoten dâng lên hai lần một ngày là nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời của xoáy nước.
Saltstraumen

Xoáy nước ở eo biển Saltstraumen tại Na Uy. Ảnh: World Atlas
Saltstraumen là eo biển nhỏ có dòng thủy triều mạnh, nằm ở khu Bodo thuộc hạt Nordland, Na Uy, cách thị trấn Bobo khoảng 10 km về phía đông nam. Nó dài 3 km và rộng 149 m. Cách 6 giờ, khoảng 400 triệu m3 nước chảy qua Saltstraumen. Những xoáy nước có đường kính 10 m và sâu 4,9 m thường hình thành trong vùng khi dòng chảy mạnh nhất, tốc độ có thể lên đến 40 km/h.
An Khang (Theo World Atlas)