hanh-trinh-chien-thang-bao-cat-cua-chim-nhan-1701164628.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2VT9dpuuTDFN4S6zJrzGNA
Hành trình chiến thắng bão cát của chim nhạn

Chim nhạn bụng trắng vượt bão cát sa mạc. Video: National Geographic

Mỗi năm, chim nhạn bụng trắng châu Âu (Hirundo rustica rustica) di cư 9.700 km từ phía bắc châu Âu tới phía nam châu Phi, sau đó bay ngược trở lại. Clip mới từ chương trình "Incredible Animal Journeys" của National Geographic cho thấy chim nhạn đơn độc trong chuyến bay nguy hiểm qua sa mạc rộng lớn.

"Chim nhạn rất nhanh và linh hoạt, vì vậy tìm thấy con chim nhỏ cỡ bàn tay trên sa mạc gần rộng bằng nước Mỹ luôn luôn là một thách thức", Sarah Gibbs, giám đốc sản xuất chương trình, chia sẻ. "Ghi hình một con chim như vậy trong bão cát với ống kính dài, bị gió mạnh quật thường xuyên, càng nâng tầm khó khăn".

Nhóm sản xuất phát hiện con chim nhạn ở Morocco tại rìa phía bắc sa mạc Sahara. Đây là điểm chim nhạn hoàn thành hành trình ngang qua sa mạc, sau khi trải qua nhiều ngày dưới nhiệt độ nóng bỏng mà không có nước. Một nhà khoa học nghiên cứu tập tính di cư mỗi năm hỗ trợ nhóm sản xuất.

Chim nhạn bụng trắng nặng 17 - 20 g và dài khoảng 15 cm. Khi bão cát ập tới, sức gió lên tới 64 km/h. Nhóm sản xuất tập trung vào con chim nhạn thực sự chật vật. Nó bị quăng quật như một chiếc thuyền giữa biển. Chỉ cần chớp mắt, họ có thể bỏ lỡ khoảnh khắc con chim tìm nơi trú ẩn trong bụi rậm, chờ cơn bão qua đi.

Chim nhạn bụng trắng châu Âu di cư về phương bắc vào mùa xuân để ghép đôi và nuôi con, sau đó quay lại phương nam khi nhiệt độ bắt đầu giảm trước mùa đông. Hành trình di cư đầy rẫy nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao mỗi năm. Sa mạc Sahara là một trong những điểm chết chóc nhất trong hành trình. Theo Gibbs, chim nhạn mất 5 ngày để vượt qua sa mạc mà không có giọt nước nào vào bụng.

Sau khi băng qua sa mạc, chim nhạn bay tới nguồn nước và uống nước lần đầu tiên sau nhiều ngày. Từ đó, nó vẫn phải bay thêm 3.200 km nữa để đoàn tụ với bạn tình, sau đó bắt đầu chu kỳ một lần nữa.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022