Tiến sĩ Van Schepler-Luu, Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), nói VinFuture là điểm hội tụ, thiết lập mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học. Ý kiến được nêu vào tháng 12/2022, dịp bà từ Philippines về Việt Nam tham gia tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" do Quỹ VinFuture tổ chức.
Theo bà, giải thưởng thể hiện niềm tin và mục tiêu dùng khoa học phục vụ nhân loại. Bà đánh giá hai mùa giải đầu tiên thành công khi trao giải thưởng cho những nhà khoa học xuất sắc, nghiên cứu có tầm ảnh hưởng.
Tiến sĩ Van Schepler-Luu (ngoài cùng bên trái) tại tọa đàm Khoa học vì cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ Nhật Bản, Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo nói ấn tượng khi quy mô chương trình không ngừng mở rộng. Mùa ba, số lượng đề cử tăng lên, công trình tham gia gấp bốn lần năm đầu tiên.
Giáo sư đánh giá mùa ba tạo nhiều chú ý trong cộng đồng khoa học quốc tế, cho thấy năng lực phát hiện những nhà khoa học ưu tú, công trình cải thiện cuộc sống con người. Tiêu chí này trùng hợp nhiều giải thưởng khoa học trên thế giới. Ví dụ, Giải Nobel Y sinh năm nay và Giải thưởng Chính VinFuture năm 2021 cùng tôn vinh hai giáo sư phát triển vaccine mRNA ngừa Covid-19.
Giáo sư Trần Văn Thọ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nói về ảnh hưởng của chương trình, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Oanh, Viện Công nghệ châu Á (AIT, Thái Lan) cho rằng giải thưởng đạt quy mô quốc tế, có tiêu chí cụ thể. Theo bà, mục tiêu: "Khoa học phụng sự nhân loại" phù hợp xu hướng hiện nay.
Cũng theo Giáo sư Kim Oanh, tại Viện Công nghệ châu Á, các nhà nghiên cứu biết đến VinFuture ngày càng nhiều, đặc biệt là qua các hội thảo quỹ tổ chức thời gian qua. Chuỗi hoạt động học thuật góp phần kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Thông qua các nội dung thảo luận, chương trình khuyến khích sự đóng góp, thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học Việt Nam trong chuỗi sáng tạo toàn cầu.
Với Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Nghiên cứu viên, Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Australia, VinFuture góp phần tạo thêm cầu nối, đưa cộng đồng nghiên cứu trong nước và quốc tế xích lại gần nhau. Giải thưởng mang đến nguồn cảm hứng cho người yêu khoa học, khích lệ họ học hỏi và nghiên cứu sâu hơn.
"VinFuture cùng các hoạt động khác trong nước góp phần nâng cao uy tín của nền khoa học và công nghệ của Việt Nam. Điều này có thể thu hút sự chú ý của quốc tế, bao gồm nguồn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong nước", Tiến sĩ Trọng Hiếu phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhận định này có sự đồng tình từ Tiến sĩ Van Schepler-Luu và Giáo sư Trần Văn Thọ nhìn nhận. Theo bà Van Schepler-Luu, giải thưởng tăng tính kết nối với các nhà khoa học quốc tế, giúp thế giới có cái nhìn tổng quát hơn về nền năng lực nghiên cứu, phát triển của Việt Nam. Sự giao lưu này có ý nghĩa thúc đẩy cơ hội hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của khoa học trong nước.
"Việt Nam tăng thêm vai trò: đối tác trong nghiên cứu và phát triển; nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo, đổi mới", Tiến sĩ Van Schepler-Luu nêu.
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hôm 27/9 cho thấy Việt Nam tăng hai bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. WIPO đánh giá Việt Nam là một trong ba quốc gia có thành tích vượt trội so với mức phát triển.
Theo các chuyên gia, việc tăng hai bậc trong xu thế khó khăn sau đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam có những sự đầu tư đúng hướng về chính sách, cơ chế cho các nhà khoa học. Về phía VinFuture, đại diện ban tổ chức nhận định, sự thay đổi thứ hạng này có sự đóng góp của giải thưởng.
Lễ trao giải VinFuture 2022 diễn ra tối 20/12/2022 tại Hà Nội. Ảnh: VinFuture
Minh Huy