Đồng xu của hoàng đế Sponsian, hiện ở Bảo tàng The Hunterian, Đại học Glasgow, Anh. Ảnh: Paul N. Pearson và các cộng sự
Nhóm nghiên cứu của Paul N. Pearson, chuyên gia tại Đại học College London, Anh, phát hiện rằng những đồng xu La Mã khai quật ở Transylvania năm 1713, từng bị cho là tiền giả, là đồ thật. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS ONE hôm 23/11, cung cấp bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo khắc họa trên những đồng xu từng thực sự nắm quyền.
Trong phần lớn lịch sử La Mã cổ đại, các xưởng đúc tiền sản xuất tiền xu với hình ảnh của vị hoàng đế đang cai trị. Kho tiền xu Transylvania có những bức chân dung được ghi tên "Sponsian". Tuy nhiên, không có ghi chép lịch sử nào khác về một hoàng đế La Mã mang tên Sponsian, khiến sự tồn tại của ông trở thành điều bí ẩn.
Bên cạnh đó, các đồng tiền Transylvanian nhìn chung giống với tiền xu La Mã từ giữa thế kỷ 3, nhưng chúng khác biệt ở một số yếu tố về phong cách và phương pháp chế tạo. Điều này khiến nhiều chuyên gia coi chúng là đồ giả được tạo ra để bán cho các nhà sưu tầm.
Qua nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho rằng Sponsian thực sự là một chỉ huy quân đội ở vùng Dacia thuộc La Mã trong một cuộc xung đột vào những năm 260. Họ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để nghiên cứu đặc điểm vật lý của 4 đồng xu Transylvania và đánh giá tính hợp lệ của chúng.
Cụ thể, nhóm chuyên gia so sánh 4 đồng xu này với hai đồng vàng La Mã đã được xác thực chắc chắn. Họ sử dụng kính hiển vi ánh sáng khả kiến, kỹ thuật chụp ảnh tia cực tím, kính hiển vi điện tử quét và kỹ thuật quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier.
Nhóm nghiên cứu phát hiện các vết mòn nhỏ, sâu, thường xuất hiện trên những đồng xu đã sử dụng một thời gian dài. Phân tích về lớp cặn đất sét trên các đồng xu hé lộ, chúng từng lưu hành rộng rãi, bị chôn vùi trong thời gian dài, sau đó lại được đào lên. Tất cả những thông tin này đều chỉ ra tính xác thực của các đồng xu.
"Bằng chứng của chúng tôi cho thấy hoàng đế Sponsian từng cai trị vùng Dacia, một khu vực khai thác vàng cô lập, vào thời điểm đế quốc chìm trong nội chiến và các vùng biên giới cũng bị những kẻ xâm lược tàn phá", Paul N. Pearson nói.
"Chúng tôi hy vọng điều này sẽ khuyến khích việc bàn luận về Sponsian với tư cách là một nhân vật lịch sử, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về các đồng tiền liên quan đến ông được lưu giữ tại những bảo tàng khác trên khắp châu Âu", Jesper Ericsson, người phụ trách nghiên cứu và sưu tập tiền tệ tại Bảo tàng The Hunterian, chia sẻ.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)