GS Vũ Hà Văn cho biết, để phát triển các giải pháp, dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) cần được làm sạch, lưu trữ, chia sẻ và trao đổi.Việc chia sẻ dữ liệu sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tốt hơn.
Theo ông Văn, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới với tiềm năng và trữ lượng không giới hạn. Ai nắm được dữ liệu sẽ có nhiều ứng dụng trong tương lai. Dữ liệu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng AI trong thực tế. Dữ liệu tốt phải có các tính chất: đủ lớn, được gắn nhãn, có tính đại diện, tiếp cận được, đáng tin cậy, và sạch.
GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong phát triển giải pháp ứng dụng AI. Ảnh: BTC.
Ông cho biết, hiện VinBigdata đã tạo ra một Hub để kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh chẩn đoán phổi và ung thư vú, tiếng nói... đến cộng đồng. "Nếu đủ tài năng, tiếp thu được các dữ liệu sạch thì sản phẩm chúng ta làm ra không thua kém gì thế giới. Đó cũng là cách người Việt Nam có thể làm được cho nhau", ông Văn nói.
Từ những thành công bước đầu trên, theo GS Văn, có thể mở rộng việc lưu giữ các dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đăng ký mã vạch cho các giống cây trồng và đăng ký bản quyền.
Đồng tình với vai trò của việc chuẩn bị dữ liệu cho việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng dụng AI, PGS. TS Trần Minh Triết, ĐHQG TP HCM nói rằng việc này có khả năng diễn ra một cách tường minh hoặc ngầm, thông qua các hệ thống, thiết bị giám sát, những ứng dụng có khả năng được đeo trên cơ thể con người để ngầm ghi nhận các thông tin trong cuộc sống hàng ngày cũng như thông qua những tiện ích mà chúng ta sử dụng cơ sở hạ tầng...
PGS Trần Minh Triết cho rằng cần phải thu thập và lưu trữ dữ liệu. Ảnh: BTC.
Theo PGS Triết, nguồn dữ liệu đó sẽ được thu thập, lưu trữ và cần phải được xử lý để đưa ra tri thức mới. "Chúng ta có khả năng thấy việc sử dụng những nền tảng hỗ trợ cho giáo dục trực tuyến đã được sử dụng rất hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng mà không thu thập lại những tương tác, cảm xúc cũng như kết quả đạt được của người học là đang bỏ phí một nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng, từ đó có thể tối ưu hoá quá trình đào tạo và cá thể hoá nội dung đào tạo với từng người học", ông nói.
TS Triết cho rằng, nếu chúng ta biết tận dụng được những thông tin, tri thức cần thiết trong nền kinh tế số có thể tạo ra những giá trị rất lớn. Các quốc gia đều hình thành chiến lược phù hợp để phát triển một cách hiệu quả về việc ứng dụng AI, phục vụ các lĩnh vực khác nhau, không chỉ dừng lại ở an ninh quốc phòng mà còn phục vụ các vấn đề về xã hội.
Thực tế AI đang được ứng dụng nhiều trong cuộc sống, từ hỗ trợ chẩn đoán bệnh, thay thế con người thực hiện những công việc nặng nhọc, giao dịch, tính toán... cho kết quả chính xác.
Thậm chí đã giúp các gia đình ở Hàn Quốc tìm kiếm những đứa con bị mất tích 15-20 năm hoặc các gia đình ở Hàn Quốc tìm kiếm người thân ở Triều Tiên, TS Dongwha Kum, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc (VKIST) dẫn ví dụ. Doanh nghiệp ở Hàn Quốc đã ứng dụng AI để sản xuất ra những bộ kit thử rất nhanh. Chỉ trong 2 tuần họ có thể sản xuất ra bộ kit thử Covid-19. Vì vậy ông cho rằng "Phải luôn tìm kiếm những phát minh mới. Nếu không đổi mới sáng tạo chúng ta sẽ bị tụt hậu và công nghệ AI sẽ giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động. Thay vì tìm kiếm ra những công nghệ mới, chúng ta phải học cách để sử dụng trí thông minh nhân tạo", TS Kum nói.
Chương trình AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức.
Bảo Chi