Cơ quan Giáo dục Đài Loan MOE triển khai học bổng INTENSE nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc trong các lĩnh vực STEM, tài chính và bán dẫn. Bắt đầu từ 2024, chương trình INTENSE ưu tiên tuyển sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines, thể hiện cam kết tăng cường hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực khu vực.

Tại hội thảo nhân lực thiết kế vi mạch chiều 21/7, ông Võ Đức Thắng, đại diện chương trình, cho biết học viên tham gia không chỉ tiếp thu kiến thức hàn lâm mà còn tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp để phát triển năng lực thực tiễn, sẵn sàng gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Học bổng này hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên thực tập và làm việc tại các tập đoàn bán dẫn hàng đầu như TSMC, UMC, MediaTek, ASE. Ứng viên trúng tuyển sẽ theo học các chương trình chuyên sâu về thiết kế chip analog, digital, SoC, IC layout, packaging, MEMS và công nghệ vi điện tử tiên tiến. Sinh viên được học trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, nhận hướng dẫn từ giáo sư và chuyên gia kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) cùng các doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn Đài Loan.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nhận định chương trình học bổng này là cơ hội tốt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực ngành bán dẫn.

IMG-20250723-160821-6259-1753263242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mKH6LV7YYcrweTWWea3ZWw

Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Võ Xuân Hoài. Ảnh: Trọng Đạt

Ông cho biết, Việt Nam hiện có hơn 60 doanh nghiệp thiết kế chip và khoảng 20 doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn như thiết bị, vật liệu, đóng gói kiểm thử. Chính phủ cũng giao Viettel xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Việt Nam.

"Trong thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn tăng đáng kể, trong đó có cả doanh nghiệp hoạt động ở mảng đóng gói kiểm thử. Điều này cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển ngành bán dẫn trong nước", ông Hoài nói.

Theo chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn, gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói. Thống kê cho thấy, năm 2024 Việt Nam mới có hơn 5.000 kỹ sư ở tất cả khâu trong mảng thiết kế chip.

Trọng Đạt

  • Tìm chuyên gia đánh giá đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ chiến lược
  • Bộ KH&CN tài trợ đề tài tiềm năng theo định hướng sản phẩm công nghệ chiến lược
  • 'Có khát vọng làm giàu mới đủ động lực làm AI, bán dẫn'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022