Cá mập voi đực bám theo tán tỉnh con cái. Video: Christine Barry Research
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science, nhóm tác giả trình bày về sự tương tác giữa hai con cá mập voi, giúp giải mã phần nào những bí ẩn xung quanh loài cá lớn nhất thế giới này, IFL Science hôm 8/1 đưa tin. Hành vi sinh sản của chúng bí ẩn đến mức tới nay, giới khoa học mới chỉ ghi chép được một trường hợp cá mập mang thai vào năm 1994.
Hai địa điểm quanh quần đảo St Helena ở Đại Tây Dương và rạn san hô Ningaloo ở Tây Australia có một số quan sát tiềm năng về quá trình cá mập voi tán tỉnh và giao phối. Ví dụ, ngư dân từng báo cáo rằng chúng tụ tập với nhau, con đực bơi ngửa bụng bên dưới những con cái được cho là đã trưởng thành về mặt sinh dục.
"Tại rạn san hô Ningaloo và nhiều địa điểm tụ tập trên thế giới số lượng cá đực nhiều hơn cá cái với tỷ lệ 3:1. Điều này có thể giải thích tại sao cá mập voi cái tránh những địa điểm tụ tập. Đặc biệt, với con cái còn nhỏ, hao tổn năng lượng do sự chú ý không mong muốn từ con đực có thể là lý do cho thành kiến mạnh mẽ với con đực", đồng tác giả nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiến sĩ Christine Barry từ Viện Harry Butler thuộc Đại học Murdoch và Viện Khoa học Biển Australia, cho biết.
Tại rạn san hô Ningaloo, nhóm nghiên cứu tiến hành thám hiểm thực địa, bao gồm việc phát hiện cá mập voi bằng máy bay rồi đưa thuyền đến đó. Các chuyên gia sau đó lặn xuống nước để thực hiện quan sát khoa học và xác định giới tính của cá mập voi trong vùng.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã lặn với một con cá mập voi cái dài 7 m. Họ cho rằng cá mập voi cái dưới 10 m chưa trưởng thành về mặt sinh dục. Không lâu sau, một con cá mập voi đực bơi đến. Nó lao về phía vây đuôi của con cái rồi cắn đuôi. Sau một số tương tác, con cái nhanh chóng lặn xuống sâu hơn, trong khi con đực vẫn bám theo.
Dựa trên quan sát của chính mình cũng như các thủy cung và ngư dân quanh đảo St Helena, nhóm nghiên cứu cho rằng quá trình này khớp với hành vi tiền giao phối giữa hai con cá mập voi, đồng thời khớp với ghi chép từ các loài khác. "Đáng chú ý, cá thể đực của loài cá mập ngựa vằn (Stegostoma fasciatum) - họ hàng gần nhất còn sống của cá mập voi - cũng từng được bắt gặp cắn đuôi cá mập ngựa vằn cái", nhóm nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng hai con cá mập voi mà mình quan sát giao phối thành công. Dù điều đó có thể xảy ra ở vùng nước sâu ngoài tầm nhìn, họ cho rằng con cái đang chủ động kháng cự con đực và nó vẫn còn nhỏ, chưa trưởng thành về mặt sinh dục.
Thu Thảo (Theo IFL Science)