Lễ đón tàu diễn ra tại Viện Hải dương học ở Nha Trang chiều 1/5. Đây là chuyến khảo sát biển chung lần thứ 9 giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Phân viện Viễn Đông – FEBRAS)

Chuyến khảo sát được thực hiện từ ngày 1 đến 25/5, với sự tham gia của 30 nhà khoa học, trong đó có 20 người Việt Nam. Trong gần một tháng, đoàn sẽ thu mẫu tại các vị trí ven bờ và biển sâu tại vùng biển phía Nam Việt Nam. Các trạm vị, điểm nghiên cứu đã được thống nhất trước đó.

oparin-2-1746095633-1746095663-4461-1746096039.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CGRtfmS4NrIkKV2r5ftwNA

Các nhà khoa học Việt Nam và Nga trên tàu Viện sĩ Oparin. Ảnh: Hà Anh

Ngoài ra, mục tiêu chuyến đi là cập nhật, bổ sung dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng môi trường và nguồn lợi sinh vật biển; thu thập mẫu sinh vật biển và môi trường phục vụ nghiên cứu hóa sinh, vi sinh; đánh giá tiềm năng các hợp chất sinh học từ biển.

Đợt này, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung phân tích các yếu tố liên quan đến ô nhiễm biển, sự hiện diện và tích lũy vi nhựa, các hợp chất hữu cơ khó phân hủy và phát triển dữ liệu viễn thám phục vụ quan trắc môi trường và nuôi trồng thủy sản. Kết quả của chuyến khảo sát sẽ được công bố tại hội thảo khoa học dự kiến tổ chức ngày 27/5 tại Viện Hải dương học ở Nha Trang (Khánh Hòa)

PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Hải dương học, cho biết từ năm 2005 đến nay, Viện đã 5 lần đón tàu Viện sĩ Oparin đến Nha Trang và chủ trì phía Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo sát.

Bà đánh giá đây là nhiệm vụ khảo sát quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển của Viện Hải dương học nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nói chung, đặc biệt là "nhiều lãnh đạo của Viện những năm gần đây đều trưởng thành từ chuyến khảo sát chung trên tàu này".

"Chúng tôi tin các nhà khoa học hai nước Việt – Nga sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt những kết quả khoa học có giá trị, góp phần thắt chặt quan hệ khoa học lâu dài, hiệu quả và tin cậy giữa các nhà khoa học", PSG.TS Hà nói.

oparin-5-1746095781-1746095823-5010-1746096039.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nRUzBevt6Dv-dqoG0_jm8Q

Tàu Viện sĩ Oparin neo đậu tại vịnh Nha Trang, ngày 1/5. Ảnh: Bùi Toàn

Tàu Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học hai nước trước đó đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát tại vùng biển Việt Nam. Trong đó, các nhà khoa học tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển... khai thác ở độ sâu hàng trăm mét trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau; thu thập hàng trăm mẫu vật trên biển Đông.

Tàu Viện sĩ Oparin là tàu nghiên cứu chuyên dụng về hóa sinh học và đa dạng sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tàu dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn, có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn và thu mẫu ở vùng biển sâu.

Bùi Toàn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022