Được thành lập vào năm 2021, công ty khởi nghiệp Pengxinwei IC Manufacturing (viết tắt PXW), vẫn là một công ty sản xuất chip ít tên tuổi và hầu như ít ai biết đến. Tuy nhiên, công ty non trẻ này lại đóng vai trò rất quan trọng đối với Huawei, một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay.
Theo hãng tin Bloomberg, PXW được thành lập bởi một cựu giám đốc cao cấp Huawei và có văn phòng nằm gần trụ sở chính của Huawei ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Công ty này hiện đang đặt hàng các thiết bị sản xuất chip, bao gồm từ các nhà cung cấp nước ngoài và cả tại Mỹ, để xây dựng một nhà máy sản xuất bán dẫn. Trong số đó có những đối tác và linh kiện mà Huawei không được phép tiếp cận.
Ảnh chụp vệ tinh vào tháng 3/2022 cho thấy nhà máy của PXW đang được xây dựng. Vị trí của nhà máy gần với trụ sở chính của Huawei (Ảnh: Maxar Technologies).
Các nguồn tin thân cận cho biết Huawei là hãng đứng sau để hậu thuẫn về tài chính cho PXW và sẽ mua lại hầu hết chip do công ty này sản xuất. Nguồn tin cũng khẳng định PXW sẽ giao những sản phẩm đầu tiên cho Huawei vào đầu năm 2023.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, PXW có thể giúp Huawei "lách" lệnh cấm của chính phủ Mỹ để có được một nguồn cung cấp chip sử dụng cho các sản phẩm của hãng.
Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch của PXW có vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào Huawei hay không, nhưng Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ thương mại Mỹ đã chú ý đến mối quan hệ giữa công ty khởi nghiệp non trẻ này và Huawei.
"BIS liên tục theo dõi các nỗ lực nhằm trốn tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Khi thích hợp, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự để giải quyết các vi phạm", đại diện của BIS cho biết trong một thông cáo đưa ra.
Huawei chưa đưa ra bình luận gì về thông tin do Bloomberg đăng tải.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen", cấm mọi giao dịch với các công ty của Mỹ khi chưa được chính phủ Mỹ cấp phép. Đến tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ gia hạn lệnh cấm đối với Huawei, bổ sung thêm điều khoản cấm Huawei mua chip từ các công ty Mỹ cũng như các công ty sản xuất chip đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ.
Cuối năm 2020, chính phủ Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm với Huawei, cho phép hãng công nghệ Trung Quốc mua chip từ các công ty Mỹ nhưng cấm sử dụng chip đó cho các thiết bị 5G của Huawei, kể cả smartphone. Điều này khiến cho những mẫu smartphone cao cấp ra mắt những năm gần đây của Huawei đều không có kết nối 5G và không được trang bị nền tảng Android.
Kể từ thời điểm đó, Huawei đã tìm nhiều cách khác nhau để "lách" lệnh cấm, bao gồm tách rời thương hiệu smartphone Honor hoặc tài trợ cho các công ty khởi nghiệp để ra mắt những mẫu smartphone giống hệt sản phẩm của Huawei, nhưng được trang bị đầy đủ chip 5G từ Mỹ.
Theo DTrends/Bloomberg