Sau hành trình rời xa thành phố nhộn nhịp để đến với căn nhà tọa lạc trên đỉnh núi Đà Lạt của NTK Adrian Anh Tuấn và blogger Sơn Đoàn, Là Nhà tập 9 quay lại với một căn nhà trong khu tập thể cũ ở Hà Nội. Nhân vật trong tập này là bác Trúc Lâm (70 tuổi) cùng chủ đề “Bảo tàng yêu thương".
Tập này có sự tư vấn đến từ Me+ - KTS Nghiêm Đình Toàn. Theo format của Là Nhà, kiến trúc sư không chỉ giải bài toán của chủ nhà mà sẽ lắng nghe câu chuyện và nguyện vọng rồi từ đó cùng lên ý tưởng về căn nhà trong mơ, căn nhà đúng nghĩa là nhà. Ngoài ra là sự xuất hiện của người đồng hành Dino Vũ, ban bình luận gồm Lê Tuấn, Chuyên gia Văn Phú - Invest, Phó giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm; Trần Huy - Giám đốc Chi nhánh Flexfit Hồ Chí Minh; diễn viên Thanh Thuỷ.
Bác Trúc Lâm (bên phải) cùng chồng
Sau 3 lần sửa, căn nhà vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các thành viên
Bác Trúc Lâm đang ở trong căn nhà nằm ở tầng 2 và tầng 3 của khu tập thể ở Hà Nội. Đây là căn nhà có tuổi đời khoảng 30 năm, từ những năm 90 gia đình bác Trúc Lâm đã được phân về đây. Do thời gian đã lâu, căn nhà xuống cấp khá nhiều. Ngôi nhà đã sửa 3 lần, đều là những lần cải tạo “tiểu phẫu" chứ không phải “đại phẫu”. Bác Trúc Lâm chia sẻ rằng những lúc sửa chữa thường sẽ có tiền đến đâu làm đến đó, 2 vợ chồng thay nhau quán xuyến để sửa nhà rộng rãi và thoáng hơn.
“Sàn nhà đã bị vỡ khá nhiều. Ở khu vực bếp, bồn nước vừa thấp vừa nhỏ, thường phải cúi nhiều nên rửa bát sẽ bị đau hết lưng. Đồ đạc từ năm 90 đến giờ nên đã rất cũ kỹ. Hai ông bà tuổi cũng cao, đầu gối khá đau mà giường thì thấp, ngồi xuống phải chống, đến bây giờ đã bất tiện”, bác Trúc Lâm chia sẻ về những bất tiện trong căn nhà.
Bên cạnh đó, gia đình bác Trúc Lâm hiện tại có 3 thế hệ, gồm 6 thành viên sống trong căn nhà nên sẽ có nhiều điều phức tạp hơn. Các cháu ngủ ở trên gác sẽ phải qua phòng ông bà, có bạn bè muốn đến chơi nhưng lên phòng chơi cũng sẽ bất tiện. Bác Trúc Lâm cũng mong muốn cháu có không gian được trang trí phù hợp với lứa tuổi.
Khu vực phòng khách trước cải tạo
Khu vực ăn uống cũng như nơi đựng đồ dùng nhà bếp. Phần bồn rửa chén đã quá thấp so với với bác Trúc Lâm
Giường quá thấp gây bất tiện trong di chuyển
Thiết kế phòng của cháu chưa đúng với lứa tuổi
Do vậy, bác Trúc Lâm đã đưa đến Là Nhà bài toán cải tạo với ngân sách 500 triệu (đã bao gồm 200 triệu đồng do chương trình Là Nhà hỗ trợ). Có 2 ý chính trong mong muốn của bác Trúc Lâm với căn nhà. Đầu tiên đó là làm mới toàn bộ. Thứ 2 là đảm bảo không gian chung và riêng cho 3 thế hệ bao gồm 6 người. Đồng thời, tối đa công năng bởi vì căn nhà đã khá xuống cấp, chẳng hạn các bức tường bị mưa ngấm vào đã đen đi một phần.
Bác Trúc Lâm thích không gian sống ở nơi đây do vậy vẫn mong muốn sửa chữa thay vì mua căn nhà mới. “Hai ba lần định bán nhà đi, lấy tiền đặt cọc của người ta, song cuối cùng không bán phải đền người ta. Bác cũng tiếc nuối tình làng nghĩa xóm”. Bác Trúc Lâm đã quyết định giấu chồng trong lần cải tạo này.
Một vài góc khác trong căn nhà trước cải tạo
Phương án thông tầng giúp không gian nhà thoáng đãng hơn
Sau một thời gian làm việc, team Me+ đã đưa ra 2 phương án cải tạo nhà cửa. Một phương án phát triển theo chiều ngang, phương án khác theo chiều dọc. Cả 2 phương án đều có lỗ thông tầng phát triển lên phía trên nhằm kết nối không gian bên trên và bên dưới cũng như mở rộng không gian.
KTS Nghiêm Đình Toàn
Trong đó, phương án đầu tiên, KTS Nghiêm Đình Toàn cùng team Me+ chọn thông tầng gần phía lối vào. Phòng khách, phòng ăn và bếp vẫn giữ ở không gian cũ. Cầu thang tròn sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho toàn bộ không gian ngôi nhà. Team Me+ giữ lại những chi tiết cảm thấy là dấu ấn của ngôi nhà trước đây, đồng thời tạo lỗ thông tầng nhỏ nhằm kéo ánh sáng xuống. Có hàng sofa thấp để liên kết 2 không gian. Bếp vẫn giữ vị trí cũ, đóng cửa kính lùa để ngăn cách không gian bên trong và bên ngoài, lúc nấu nướng không bị ảnh hưởng giữa không gian chung của căn nhà.
“Mình cùng team muốn xử lý thông tầng vì cảm giác bước căn nhà là thấp và nặng, đi đến nơi nào đó thì cũng phải đi qua ngách. Mình mong muốn dù ngồi ở đâu thì cũng sẽ có thể nhìn thấy bên ngoài”, KTS Nghiêm Đình Toàn chia sẻ.
Bản phác thảo phương án 1
Điểm nhấn cầu thang tròn
Khu vực phòng bếp với cánh cửa ngăn cách không gian
Khu vực phòng khách và bàn ăn liên thông
Không gian bên trên cho phòng của con và của cháu sẽ có sảnh đệm để không ảnh hưởng đến ông bà. Không gian phòng khách và phòng ăn sẽ liên thông để khi có đông người hơn dịp Lễ Tết. Gia đinh bác Trúc Lâm thường sẽ có nhiều người thân cũng như bạn bè sang chơi những ngày Lễ, không gian nhà trước đó không phù hợp cho tất cả mọi người.
Không gian bên trên giúp đón ánh sáng
Mặt khác, ở phương án thứ 2, team Me+ đổi thông tầng sang phía khác, tạo trục trống toàn bộ ở phía bên dưới tầng trệt. Ở khu bếp cũ sẽ đổi thành sân vườn. Không gian này cho ông bà trồng cây, ngắm cảnh. Toàn bộ không gian thông tầng được bọc lại bằng khối gỗ tạo ra điểm nhấn của toàn bộ không gian nhà.
Bếp sẽ hoàn toàn đóng lại, khi khách tới mọi người sẽ không thể nhìn xuyên qua nó. Phòng ăn và khách sẽ nhìn toàn bộ ra bên ngoài, rất thoáng đãng. Không gian nhìn từ vườn, nhìn ngược vào trong ngôi nhà vẫn có điểm chốt là bàn thờ, tuy nhiên có thể đóng lại thành tủ trang trí. Khi mọi người lên trên sảnh đệm ở phần phía trên, khác với phương án trước, thông tầng sẽ lớn hơn, tạo ra nhiều ánh sáng chan hoà.
Bản thiết kế phương án 2
Toàn bộ không gian thông tầng
Khu vực nhìn từ bếp vào, đủ không gian tiếp đón 10-20 người
Khu sân vườn
Khu vực từ sân vườn nhìn vào
Khu vực thông tầng rộng rãi
Cả 2 phương án đều giống nhau ở việc giành hết phần diện tích cho phòng này. KTS không muốn dùng đèn trần vì cho rằng khi vào phòng ngủ thì muốn có cảm giác ấm lại phù hợp với sinh hoạt của mình. Toàn bộ không gian phòng ngủ đều muốn hướng ra mặt sân vườn phía sau.
Không gian ngủ
Bác Trúc Lâm chia sẻ rằng bản thân thích cả 2 phương án nhưng đặc biệt thích phương án 2 vì không gian nhà sẽ trở nên rộng hơn. Đồng thời, bác Trúc Lâm cũng muốn về bàn bạc với các thành viên trong gia đình để đưa ra quyết định cuối cùng.
“Mặc dù bác là người lớn tuổi, bác vẫn thích sự đột phá, không chọn theo cách cũ. Không phải người lớn tuổi họ bảo thủ mà chẳng qua mình chưa tìm ra cho họ cái điều họ thích hay không”, KTS Nghiêm Đình Toàn chia sẻ.
Khó khăn nối tiếp khi sửa nhà ở khu tập thể cũ
Sau khi khảo sát và cân nhắc, bác Trúc Lâm cho rằng nếu đặt vị trí bếp như đã tính toán từ trước, đội thi công sẽ phải sửa lại toàn bộ đường nước thải, và hút mùi. Bên cạnh đó, team thi công cũng thông báo rằng khu vực cầu thang, khi dỡ sàn có thể ảnh hưởng đến nhà hàng xóm, là bức tường chịu lực, đập đi có thể bị sập. Do vậy team thiết kế đã quyết định thay đổi cấu trúc của căn nhà, để phần cầu thang sang một bên.
Toàn cảnh khu vực tầng dưới
Không gian mở giữa khu vực phòng khách và bàn ăn dài
Lê Toàn - trưởng phòng thi công Flexit thông báo với KTS Nghiêm Đình Toàn: “Ngày trước không khảo sát được chiều dày của sàn tầng 2 là 4 lớp sàn, dày quá nên đã dẫn đến tình huống trần của phòng ăn nứt”. May mắn dù làm việc từ xa, team Me+ cũng đã có những phương án phù hợp để khắc phục.
“Đó là tính chất cố hữu của thi công. Thậm chí, mình có làm công trình hoàn toàn mới, những biến cố bất ngờ luôn luôn xuất hiện. Việc mình thích ứng như thế nào thể hiện ở thái độ và cách mình đáp ứng nó", KTS Nghiêm Đình Toàn chia sẻ về câu chuyện cải tạo nhà trên phương diện KTS.
Khu vực thông tầng
Khu vực phòng bếp
Không gian ngủ
12 tiếng trước bàn giao, đội thi công mới bắt đầu đưa các đồ vào, mọi người đã dành một tối không ngủ để hoàn thiện căn nhà. Tuy nhiên, đến buổi sáng, trước 30 phút bàn giao căn nhà cho hai vợ chồng bác Trúc Lâm, căn nhà vẫn chưa được hoàn thiện. Để "cứu cánh" cho team, Dino Vũ đã đưa 2 bác đi chụp ảnh cưới vì những bức ảnh chụp thời trước đã bị cháy. May mắn thay, căn nhà đã kịp hoàn thiện khi 2 bác trở về. Lúc bước vào nhà, hai vợ chồng bác Trúc Lâm cảm thấy ngoài sức tưởng tượng, rất hài lòng với không gian rất rộng lớn, liên tục khen ngợi.
Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.
Là Nhà sẽ phát vào 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3 và 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp.
Chương trình được sản xuất bởi WOWMedia cùng Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI); Nhà tài trợ Kim Cương Panasonic; Đơn vị truyền thông và phát hành VCCorp - Admicro và VTV; Đơn vị hợp tác thương mại VCCorp - Adsponsor; đồng thời đưa tin trên ELLE Decoration , Group Nghiện Nhà và Happynest.