screenshot_2.jpgPitohui chứa nhiều chất độc BTX trong lông và da của nó. (Nguồn: Oddity Central)

Người Melanesia ở Papua New Guinea từ lâu đã biết rằng pitohui là một loài chim có độc và luôn tránh xa chúng. Nhưng những người phương Tây chỉ phát hiện điều này một cách tình cờ cách nay hơn 3 thập kỷ.

Cụ thể, vào năm 1990, nhà điểu học người Mỹ Jack Dumbacher đã tới Papua New Guinea để tìm kiếm một số con chim thiên đường. Anh ta đã giăng những tấm lưới bẫy chim ở giữa những cái cây để bắt chúng. Nhưng thay vì tóm được chim thiên đường, vài con chim pitohui lại sa lưới.

Khi Jack tìm cách lấy những con chim pitahui ra khỏi bẫy, chúng liền dùng móng vuốt cào và dùng mỏ mổ vào ngón tay anh. Theo bảo năng Jack đưa tay lên ngậm trong miệng để xoa dịu cơn đau.

Gần như ngay lập tức, anh cảm thấy môi và lưỡi của mình trở nên tê dại. Sau đó, các bộ phận đó gây cảm giác nóng ran như lửa thiêu và tình trạng này diễn ra suốt nhiều giờ đồng hồ.

Nghi ngờ rằng mình bị các triệu chứng kỳ lạ do tiếp xúc với chim pitohui, Jack quyết định làm một thí nghiệm. Anh lấy một chiếc lông chim pitohui và thử đưa nó vào miệng. Cảm giác tê dại và đau buốt lập tức trở lại. Chính từ lúc đó, Jack phát hiện ra loài chim có độc đầu tiên trên thế giới.

Theo trang Wikipedia, cùng năm Jack Dumbacher phát hiện ra việc chim pitohui có độc, một số nhà khoa học xử lý xác vài con chim này để trưng bày trong bảo tàng cũng bị tê buốt tay. Tuy nhiên cộng đồng khoa học vẫn cho rằng Jack mới là người đầu tiên đưa ra nhận định khoa học về việc chim pitohui có độc.

Anh đã đi hỏi những người bản địa ở New Guinea về loài pitohui và họ dường như đều biết về độc tính của nó. Họ gọi nó là “chim rác”, vì nó có mùi khá hôi khi nấu chín. Người dân bản địa cũng chỉ ăn pitohui khi họ không còn nguồn thức ăn nào khác mà thôi.

Vì muốn tìm hiểu thêm về pitohui và chất độc của chúng, Jack Dumbacher đã gửi một số mẫu lông của loài này cho chuyên gia John W. Daly tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) - một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về chất độc trong tự nhiên.

Những năm 1960, John là người đã xác định được loại chất độc batrachotoxin trong loài ếch phi tiêu ở Colombia. Điều thú vị, và may mắn, là ông cũng thấy cùng một loại chất độc trong lông của những con chim pitohui.

Batrachotoxin (BTX) là một loạt chất gây độc hệ thần kinh, thông qua việc làm gián đoạn dòng chảy của các ion natri trong nhiều kênh dẫn của hệ thần kinh và mô mềm. BTX gây cảm giác tê và bỏng với các trường hợp bị nhiễm độc nhẹ. Với các trường hợp nhiễm độc nặng, BTX sẽ gây liệt, ngưng tim và khiến nạn nhân tử vong. BTX được xem là loại độc nguy hiểm nhất tính theo khối lượng trong tự nhiên ( có độc tính cao hơn 250 lần so với chất strychnine).

screenshot_3.jpgChất độc của pitohui có thể gây liệt, ngưng tim và tử vong cho những nạn nhân bị trúng độc nặng. (Nguồn: Oddity Central)

Các nghiên cứu sau đó cho thấy rằng những con pitohui còn mang độc ở cả trong da , xương và các cơ quan nội tạng của chúng, mặc dù nồng độ độc tố không cao như ở lông. Thực tế là chất độc được tìm thấy trong nội tạng của pitohui cho thấy chúng không chịu ảnh hưởng gì từ chất này. Điều thú vị ở đây là nồng độ BTX thay đổi theo từng con chim pitohui, cũng như khu vực chúng sinh sống.

Nguồn gốc của độc tố trong loài pitohui từ lâu đã là chủ đề tranh luận lớn giữa các nhà khoa học. Tất cả đều đồng thuận rằng chúng không sinh ra với chất độc có sẵn trong cơ thể, mà chỉ tích độc qua chế độ ăn uống. Loài pitohui khá thích ăn những con bọ cánh cứng Choresine, vốn là một loài mang độc.

Nhưng lý do tại sao loài chim này có độc vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Một số nhà khoa học tin rằng đây là biện pháp răn đe của pitohui với những sinh vật săn mồi, nhưng có rất ít bằng chứng hỗ trợ giả thuyết này.

Lời giải thích hợp lý hơn là chúng mang độc trên da và lông để các loài kí sinh không bám vào. Một số thí nghiệm đã chỉ ra rằng những con bọ như chấy có xu hướng tránh lông độc của loài pitohui. Những con bọ bám lên lông của pitohui cũng có tuổi thọ ngắn hơn so với đồng loại. Tuy nhiên có điều khá lạ là chất độc batrachotoxin dường như lại không ảnh hưởng đến ký sinh trùng sống bên trong cơ thể của pitohui./.

(Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022