chim.pngMột chú chim Dusky Tetraka. (Nguồn: Bird Life)

Ngày 1/3, các nhà bảo tồn thiên nhiên đã rất phấn khích khi thông báo về sự trở lại tự nhiên của loài chim Dusky Tetraka hay còn gọi là Crossleyia tenebrosa - loài chim biết hót cổ vàng có nguồn gốc từ Madagascar - trong tự nhiên sau 24 năm biến mất.

Loài chim này được nhìn thấy lần gần nhất là từ năm 1999 trong khu rừng nhiệt đới ở phía Đông Bắc Madagascar vốn được coi là một trong những điểm hội tụ đa dạng sinh học với hàng trăm loài động vật có xương sống độc đáo.

Các nhà khoa học xác nhận nhìn thấy loài chim này 2 lần gần đây trong chuyến thám hiểm đến vùng đất xa xôi của đảo quốc này.

Tháng 12/2022, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, do Quỹ Peregrine có trụ sở tại Mỹ dẫn đầu, vượt quãng đường dài trong nhiều giờ đến địa điểm cuối cùng loài chim này được nhìn thấy.

Mặc dù được bảo vệ chính thức, phần lớn khu rừng đã bị phá để lấy mặt bằng xây trang trại sản xuất vani.

Sau hơn 1 tuần, một thành viên của nhóm nghiên cứu bắt gặp và nhanh tay ghi lại khoảnh khắc một con Dusky Tetraka nhảy qua đám bụi rậm gần bờ đá bên dòng sông.

Đội nghiên cứu thứ 2 cũng ghi nhận một con Dusky Tetraka di chuyển quanh những bụi cây rậm rạp, ẩm thấp gần bờ sông để ăn côn trùng và những sinh vật khác.

Tập quán sinh sống thích những khu vực gần sông của chim Dusky Tetraka cũng được các nhà khoa học nghiên cứu giúp lý giải nguyên nhân chúng biến mất trong thời gian dài.

[Phát hiện loài rùa núi viền có nguy cơ tuyệt chủng tại Khánh Hòa]

Dusky Tetraka nằm trong danh sách 10 loài chim biến mất được tìm kiếm nhiều nhất.

Hơn một nửa số chim ở Madagascar (khoảng 115 loài) là loài đặc hữu, tức là chúng không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Hơn 40 loài chim trên đảo được liệt vào mức có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Dusky Tetraka chưa được đưa vào Sách Đỏ do thiếu thông tin dữ liệu.

Các nguyên nhân chính làm mất đi đa dạng sinh học ở Madagascar là phá rừng làm nông nghiệp, suy thoái môi trường sống, các loài du nhập, biến đổi khí hậu và nạn săn bắn.

Theo nghiên cứu trước đó, khoảng 40% diện tích rừng nguyên thủy của đảo đã biến mất từ những năm 1950 đến 2000.

Bà Lily-Arison Rene de Roland, Giám đốc Chương trình Madagascar của Quỹ Peregrine cho biết việc tìm thấy và hiểu rõ hơn về môi trường sống của loài này sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm ở các vùng khác của Madagascar./.

Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022