Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân đến Việt Nam, nhiều báo và trang tin nổi tiếng của Trung Quốc đồng loạt đưa tin, đồng thời giới thiệu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và ẩm thực tại Việt Nam. Trước chuyến thăm, tài khoản chính thức của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đăng hình ảnh đời thường ở thủ đô Hà Nội: 'Thủ đô của Việt Nam nằm trên đồng bằng sông Hồng, là thành phố cổ có lịch sử hơn một nghìn năm. Với khung cảnh thiên nhiên và quang cảnh thành phố cận nhiệt đới, nơi đây thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước'.
Bức ảnh một người dân đứng trước đầm sen Hồ Tây ở Hà Nội do phóng viên Tân Hoa xã Wang Di chụp ngày 15/7/2020 được đăng trên tài khoản Instagram của Xinhua News.
Kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN giới thiệu cảnh đẹp ở con thác nằm trên biên giới Việt - Trung. 'Thác Detian - Bản Giốc là khu du lịch xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc, đang vận hành thử nghiệm từ ngày 15/9/2023 đến ngày 14/9/2024. Du khách được phép tham quan khu hợp tác du lịch hai bên Trung Quốc và Việt Nam thời gian này. Thác nổi tiếng với khung cảnh ngoạn mục, nằm giữa biên giới Trung Quốc và Việt Nam, được đặt tên là thác Detian ở phía Trung Quốc của sông Guichun thuộc thành phố Chongzuo, khu tự trị Choang Quảng Tây, trong khi nơi này được gọi là thác Bản Giốc ở phía Việt Nam', trang này giới thiệu.
CGTN đăng hình ảnh thu hoạch hoa súng ở vùng Nam bộ Việt Nam: "Mùa thu hoạch hoa súng êm dịu và lãng mạn này ở Việt Nam từ lâu được ca ngợi là cảnh tượng không thể bỏ qua, thu hút các nhiếp ảnh gia và du khách từ khắp nơi trên thế giới để hòa mình vào khung cảnh hài hòa được tạo ra bởi loài thực vật thủy sinh tuyệt đẹp - một biểu tượng đặc trưng của sông Mê Kông". Ảnh: Khánh Phan
Bức ảnh được chụp trên sông Như Ý ở Huế, ghi lại hình ảnh những người phụ nữ đội mũ nón và mặc áo dài truyền thống của Việt Nam thả hoa đăng từ hai chiếc thuyền gỗ đăng trên mục Du lịch của tờ CGTN. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Tuân cho biết khoảng 4.000 chiếc đèn hoa đăng được thả nổi trên sông nhằm cầu nguyện sức khỏe, may mắn cho mọi người và cầu chúc người thân một tương lai may mắn, bình an.
Những năm qua, hình ảnh các làng nghề du lịch Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trên các trang báo thế giới, trong đó có các đơn vị đến từ Trung Quốc như SCMP hay CCTV. Bức ảnh chụp những người dân đang bó và phơi hương ở làng nghề Quảng Phú Cầu, một trong những làng nghề làm hương nổi tiếng nhất ở ngoại thành Hà Nội. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Sabina Akter đến từ Bangladesh. Sabina đã được giải thích cho quy trình làm hương, sau nhúng vào dung dịch nhang và phơi phố, chúng được gửi đến các vùng khác nhau của Việt Nam để bán.
Bức ảnh người dân đan đó được chụp ở làng Thủ Sĩ, Hưng Yên. Ngày nay, những chiếc đó được đan bằng tre hiếm khi được sử dụng trong đánh bắt cá công nghiệp nhưng nghề đan truyền thống vẫn được bảo tồn như một loại hình nghệ thuật địa phương. Những người thợ thủ công địa phương trước tiên phải chẻ và gọt tre thành những thanh mỏng, đều nhau với các kích cỡ khác nhau, sau đó đan chúng bằng tay. Các sản phẩm hoàn thiện sau đó được xếp chồng lên kệ và hun khói để tăng độ bền.
Các kênh truyền thông Trung Quốc còn tích cực quảng bá các đặc sản, ẩm thực nổi tiếng ở Việt Nam. CGTN viết: 'Một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam là phở, có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn bình dân trên đường phố đến những quán ăn sang trọng. Đó là một món nước của người Việt bao gồm nước dùng, sợi phở, rau thơm và thịt (thường là thịt bò, đôi khi là thịt gà). Với khách du lịch nước ngoài, đây là món ngon nhất định phải thử, gắn liền lịch sử xa hoa và giàu giá trị. Với người bản xứ, nó không chỉ là đồ ăn, còn là món ăn của niềm hạnh phúc và nỗi nhớ'.
Phóng viên kênh truyền thông Trung Quốc giới thiệu về làng tương Cự Đà, ngoại thành Hà Nội: 'Ở một số vùng của Việt Nam, người ta vẫn quen làm nước tương theo cách truyền thống. Người dân địa phương ngâm và luộc gạo trước khi để trong hai ngày để gạo chuyển sang màu vàng, sau đó trộn với đậu nành, muối và nước. Sau đó, các bình được đổ đầy hỗn hợp và đậy kín, để yên trong 2-3 tháng đến khi quá trình lên men hoàn tất'.
Nhắc tới ẩm thực Việt Nam, không thể bỏ qua cà phê. Cà phê Việt Nam có nhiều phiên bản như nguyên chất, pha cùng sữa hay cà phê trứng. Trong ảnh là món cà phê trứng được tạo hình các danh thắng ở Hà Nội như Tháp Rùa Hồ Gươm hay cầu Thê Húc được kênh CCTV của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đăng tải.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. 'Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc cũng có mối quan hệ chặt chẽ trong ngành cà phê. Các thương hiệu cà phê Việt Nam cũng được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 và Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 trong năm nay', trang này viết. Ngoài ra, cà phê Việt Nam cũng xuất hiện ở các siêu thị Trung Quốc dưới dạng đóng gói hay quán cà phê Trung Nguyên nằm tại đại lộ lớn ở thành phố Thượng Hải.
'Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là nơi lý tưởng để trồng nhiều loại trái cây lạ và ngon. Trái cây Việt Nam từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu có lãi cũng như là nét đặc trưng hữu hiệu để thu hút đông đảo du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam. Bạn đã thử những loại trái cây Việt Nam nào?', CGTN giới thiệu.
Phóng viên CGTN trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long
Nguyên Chi