Món thịt kho măng ngày Tết
Ngày ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ và bảy anh chị em tôi sống cùng ông bà ngoại và các dì. Đó là một ngôi nhà nhỏ, đông đúc và là nơi trú ngụ của một đại gia đình.
Khi xuân về, từ ngày 25 tháng chạp trở đi, hầu hết mọi thành viên ở khắp nơi đều tụ hợp về nhà ông bà ngoại. Ngôi nhà ngoại thật ồn ào, náo nhiệt với tiếng người cười đùa và bài hát xuân vang vang. Tôi thích chí tận hưởng mùi Tết lan tỏa khắp nơi.
Để phục vụ cho sức ăn của đại gia đình vào ngày Tết, trước đó khoảng một tháng, những người phụ nữ nhà tôi (ngoại, mẹ, các dì, mợ) đã đặt mua rất nhiều thực phẩm: hai ký măng khô, mười mấy ký thịt ba rọi, hơn trăm trứng vịt, tôm khô, lạp xưởng, củ kiệu, cải xanh...
Quá trình nấu nồi thịt kho măng khổng lồ thật không đơn giản như mọi người nghĩ, mà phải trải qua nhiều công đoạn và cần sự hợp sức của nhiều người.
Ngày 26 tháng chạp, bắt đầu với măng. Măng khô loại một - làm từ đọt măng mềm, được ngâm và xả nước nhiều lần trong vài ngày đến khi nước ngâm từ màu vàng đậm đã trở thành màu vàng nhạt.
Ngày 29 tháng chạp, măng được xắt thành miếng dài, nhỏ vừa ăn, luộc nhiều lần đến khi thử măng không còn vị đắng, nhưng không được luộc măng quá mềm sẽ không ngon. Tiếp theo, từng miếng thịt heo ba rọi lớn, nặng 4-5 ký được xẻ nhỏ thành từng cục thịt vuông to cỡ nắm tay mẹ.
Mỗi cục thịt sẽ được dùng dây lát hoặc chỉ trắng bó chặt xung quanh để khi hầm thịt không bị vỡ. Thịt được ướp với tỏi, hành tím băm nhuyễn, tiêu, muối, đường, bột ngọt, nước màu để 4 tiếng cho ngấm gia vị và có màu vàng nâu đẹp mắt; rồi chiên vàng đều mặt ngoài trong một cái chảo rất to.
Nồi thịt kho khổng lồ của nhà tôi
Mỡ heo dùng để chiên thịt nhằm tăng mùi thơm và béo. Sau khi vớt thịt chiên vàng ra, số mỡ chiên thịt còn lại trong chảo được tận dụng để xào măng. Khi xào, mẹ nêm vào măng một chút muối, đường, bột ngọt cho thấm gia vị.
Trăm quả trứng vịt trắng nõn, to như trái cóc được luộc chín và đổ ra cái thau như một ổ trứng khổng lồ. Mấy đứa nhóc chúng tôi vội bu quanh để đua nhau bóc vỏ trứng.
Những quả trứng có lòng trắng bị phạm lỗi nhiều hoặc bị nứt sẽ bị loại ra, để tránh trứng có thể vỡ ra làm đục nước thịt kho. Chúng tôi sung sướng cầm những cái trứng bể còn âm ấm, chấm với muối tiêu ăn ngon lành - đó chính là món quà chúng tôi được thưởng khi nhiệt tình phụ việc.
Sau khi tất cả nguyên liệu đã được sơ chế xong, ngoại sắp một lớp măng dày dưới đáy nồi khổng lồ, xong đến một lớp thịt và trên cùng là lớp trứng. Tiếp đến, nước dừa xiêm đổ vào xâm xấp mặt trứng.
Nồi để kho thịt "khổng lồ" đến mức một đứa trẻ 7 tuổi như tôi có thể đứng vào bên trong nồi. Hai người đàn ông xúm vô mới khiêng nổi cái nồi đặt lên bếp củi. Nồi thịt được đậy nắp, đun lửa củi trong 2-3 tiếng, hơi ấm từ bếp đun làm ấm cả ngôi nhà của ngoại. Trước khi tắt lửa, mẹ sẽ nêm nếm lại một lần nữa cho vừa ăn.
Sáng 30 Tết, sau khi cúng ông bà xong, giây phút tôi chờ đợi nhất đã đến, cả nhà sum vầy thành vòng tròn lớn, cùng nhau ăn bữa cơm gia đình thịnh soạn.
Từng cục thịt to và trứng được xắt thành những miếng vừa ăn bày lên đĩa với măng. Mọi người sẽ ăn thịt, trứng, măng với cơm hoặc cuốn với bánh tráng dẻo. Miếng thịt thơm lừng mùi tỏi hành; vị thịt ngọt ngào như nước dừa xiêm và mềm mại không khô xác; mỡ của cục thịt béo, mềm rụi như tan trong miệng.
Miếng măng mềm vừa phải, vàng rượi, vị mặn ngọt, béo hòa quyện đúng mức. Lòng trắng trứng chuyển thành màu nâu nhạt, dai dai; lòng đỏ trứng vàng ươm, béo ngậy. Ăn kèm thịt kho măng là dưa chua, củ kiệu để giúp món ăn dễ tiêu, không bị ngán.
Mọi người vừa ăn vừa râm ran trò chuyện, cười đùa và cũng không ai quên khen những người phụ nữ nhà tôi nấu ăn ngon quá. Tôi mãi thèm cái hương vị "nồi thịt kho măng" và không khí xuân ngày ấy biết bao!