Làm trong ngành ngân hàng với đặc thù bận rộn dịp cuối năm, chị Vũ Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) lựa chọn dịch vụ đặt mâm cỗ trọn gói qua mạng. Chị được cửa hàng gửi thực đơn cho lựa chọn từng set phù hợp với nhu cầu gia đình và chọn ngày dự định cúng kiếng. Đúng giờ, nhân viên vận chuyển mang tới tận nhà, chị chỉ việc làm nóng các món ăn, bày biện lên bàn thờ gia tiên.
"Tôi sử dụng dịch vụ này đã vài năm nay. Các đồng nghiệp của tôi cũng vậy vì đều không có thời gian đi chợ, vào bếp. Mọi người tham khảo các địa chỉ rồi mách cho nhau xem bên nào giá ổn, chất lượng ngon. Mâm cỗ đầy đủ các món như nem rán, canh măng hoặc canh bóng, thịt gà, giò xào hoặc một số món hiện đại để hợp khẩu vị. Khi giao tới nơi, tôi chỉ mất khoảng 30 phút để quay nóng hoặc đun lại là được. Với tôi, điều quan trọng nhất của cỗ online là phải đúng hẹn bởi phần lớn mọi người mua để cúng nên cần chuẩn giờ", chị Linh cho biết.
Các set cỗ cấp đông có giá gần hai triệu đồng.
Tương tự chị Linh, chị Thanh Thủy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã đặt cỗ "full combo" từ năm ngoái. Sống trong khu phố cổ chật chội, không có nhiều không gian nấu nướng, công việc dịp cuối năm cũng rất bận rộn nên chị Thủy chọn một nhà hàng làm cỗ khi tình cờ lướt thấy trên Instagram. Nhà hàng này cung cấp đủ thực đơn chay và mặn, tùy theo nhu cầu từng gia đình.
"Nhà tôi lựa chọn gói thực đơn có giá 1,7 triệu đồng với 12 món như súp bí đỏ hạt sen, canh bông cải sen nấm, nem nấm củ sen, nem thính lá chanh, đậu non Tứ Xuyên xốt sa tế, phù trúc sợi giòn, cà tím đậu bắp nhồi mọc, cải chíp xào nấm đông cô, nộm hoa chuối, xôi dừa, chè hoa cau xôi vò và nấm bào ngư chiên giòn. Năm ngoái, tôi đã đặt ở nhà hàng này nên khá an tâm với chất lượng và độ chỉn chu. Đồ ăn ship tới đúng giờ yêu cầu nên việc chuẩn bị mâm cúng đơn giản hơn trước đây nhiều", chị Thủy nói.
Xu hướng đặt cỗ Tết qua mạng ngày càng trở nên thịnh hành những năm gần đây với đối tượng chính của dịch vụ này là dân văn phòng, thường phải làm việc tới chiều 27-28 Tết mới được nghỉ. Với các nhà hàng, lượng đơn lớn nhất cũng thường là ngày 23 tháng Chạp - ngày cúng ông Công ông Táo, một trong những dịp quan trọng nhất trong năm theo quan niệm dân gian.
Hầu hết các nhà hàng đều chuẩn bị sẵn menu gợi ý, khách hàng cũng có thể mix món giữa các thực đơn để phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, những đơn vị này đều bán bánh chưng tự gói với nguyên liệu đầu vào tuyển chọn. Mức giá của các mâm cỗ Tết hoàn chỉnh (chưa có gà cúng) được rao bán online từ 1,6 triệu đồng tới 2 triệu đồng và luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Chị Đỗ Hồng Mi cho biết lượng đơn cỗ cấp đông đã tăng gấp 2,5 lần năm ngoái.
Chị Đỗ Hồng Mi, đại diện bếp online Kí Lô Deli cho biết, năm nay đơn vị của chị nhận lượng đơn tăng 2,5 lần so với năm ngoái. Riêng với sản phẩm bánh chưng phiên bản mới hiện đã bán được 5.000 chiếc và ước tính sẽ kết thúc mùa Tết với 10.000 chiếc. Theo chị Mi, năm nay dịch vụ giao vận bằng máy bay có nhiều cải tiến nên khách hàng ở miền Nam cũng có thể nhận được cỗ Tết chỉ sau tối đa 12 giờ. Nếu nhà hàng hoàn thành đơn vào lúc 16h chiều hôm trước, khách ở TP HCM có thể nhận được lúc 9h sáng hôm sau, đôi khi còn nhanh hơn đơn hàng nội thành.
Bếp online này năm nay sử dụng công nghệ cấp đông nhanh kiểu Nhật Bản, có thể cấp đông đồ ăn chỉ trong hai giờ, thay vì phải chờ 12h như thông thường. Theo người đại diện, chất lượng đồ ăn khi nấu vẫn giữ được hương vị cơ bản, có thể đạt được 85-90% yêu cầu.
Thực đơn Tết năm nay của bếp có ba nhóm cỗ Tết, chia làm 8 menu đề xuất cho khách, bao gồm bánh chưng, canh măng, nem cua bể, chim câu quay, chả nướng... với mức giá từ 300.000 đồng một món lẻ tới 1,6 triệu đồng một set. Nắm bắt được nhu cầu tặng quà mùa Tết, đơn vị này năm nay cải tiến mẫu mã bao bì với hộp đẹp, đóng gói chỉn chu, phù hợp để biếu tặng gia đình, đồng nghiệp, đối tác. Với nhu cầu tiêu dùng, không cần hộp đẹp, mức giá "mềm hơn", khoảng 1,2 triệu đồng tới 1,4 triệu đồng.
Khi mua về, khách hàng chỉ mất khoảng 30 phút để đun nóng và bày biện mâm cỗ. Ảnh: Nguyen Ha Linh
Với các món nước, bếp online này chọn ra mắt canh măng mọc giòn. "Là người nội trợ của gia đình, tôi hiểu đôi khi nấu các món mặn không ngại bằng nấu một nồi canh vì phải mất khá nhiều công đoạn và thời gian như luộc, rửa măng, ninh xương. Món canh măng của chúng tôi sử dụng nước dùng ninh từ xương gà, rau củ quả, măng ngọt xào sơ tước sợi, topping là mọc sụn giòn và mọc bao nấm hương. Sự kết hợp này được thực khách đánh giá cao bởi vẫn giữ được hương vị truyền thống của món canh măng ngày Tết nhưng lạ miệng hơn khi có mọc sụn giòn giòn", chị Mi nói.
Để hút khách so với năm ngoái, đơn vị này cho ra mắt thêm sản phẩm mới là bánh chưng gấc mật nhân thịt quay, được một số TikToker review tích cực. Món ăn được đánh giá là "sự kết hợp giữa bánh chưng và xôi gấc", kết hợp phần nhân là thịt ướp gia vị như thịt nướng, thêm mật, ăn lạ miệng. Bánh tươi, hút chân không, có thể để ngoài khoảng 5 ngày, để ngăn mát hoặc trời lạnh khoảng 10 ngày, còn tủ đông có thời gian bảo quản dài hơn. Khi ăn, với bánh để tủ mát, thực khách chỉ cần quay nóng bằng lò vi sóng cho phần mật chảy ra, bánh ấm nóng.
Đối tượng khách chủ yếu của cửa hàng là chị em văn phòng, gia đình trẻ ở độ tuổi 30-45, không có thời gian cho bếp núc. Chị Mi bộc bạch: "Tôi luôn nhớ hình ảnh mẹ tất bật nấu nướng mỗi dịp Tết đến. Sau này, khi kinh doanh nhà hàng, tôi muốn mang tới những giải pháp có ích, giúp những người nội trợ bớt vất vả".
Lượng đơn của Madam Nhung cũng liên tục quá tải, làm không kịp bán.
Càng gần 23 tháng Chạp,căn bếp của chị Trương Thị Lê Nhung (Madam Nhung) trên đường Láng (Hà Nội) lại càng tất bật chuẩn bị các đơn hàng ship đi trong và ngoài nước. Cơ sở này có hàng chục nhân viên phụ giúp nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Với kinh nghiệm 35 năm trong nghề, cửa hàng của chị Nhung là địa chỉ tin tưởng cho những người Hà Nội sành ăn và chịu chi cho ăn uống, nhiều khách là cơ quan ngoại giao ship đồ ăn đi nước ngoài.
Chuyển sang kinh doanh cỗ online cách đây gần 10 năm, chị Nhung là một trong những người đi tiên phong của hình thức này tại Hà Nội. Mỗi năm, bếp online phục vụ hàng trăm đơn cỗ Tết cho ngày ông Công ông Táo, tất niên, riêng bánh chưng đã đạt số lượng 10.000 bánh và tiếp tục tăng.
Mùa Tết, nhà hàng có set cỗ chay và mặn với mức giá 1,4-1,5 triệu đồng cho mâm chay 8 món và 1,8-1,9 triệu đồng cho 6 món mặn, không bao gồm gà cúng và bánh chưng. Bánh chưng cốm Tú Lệ được bán riêng, với mức giá 210.000 đồng một chiếc, sau ngày 17 âm lịch mức giá tăng lên 240.000 đồng một bánh. Mặt hàng này của Madam Nhung được ưa chuộng trong vài năm gần đây, giá thành cao hơn mặt bằng chung nhưng thường ở tình trạng "chưa làm xong đã có người mua".
Món canh bóng không thể thiếu trên mâm cỗ truyền thống miền Bắc.
Tất cả món đều được hút chân không và để lạnh. "Hút chân không là cách bảo quản tốt nhất. Con gà luộc đúng độ, lấy ra vừa mềm, ngọt vừa có lớp da giòn, nếu sống quá ăn không được, chín quá mất chất ngọt, ăn xác xơ. Sở dĩ cỗ nhà tôi có thể ship đi xa, nhiều đơn mang đi Singapore, Dubai... là do có bí quyết bảo quản. Tôi xác định bán online, để khách dùng chậm nên chọn cấp đông ngay khi đun hầm món ăn đạt độ ngon nhất. Phương pháp này giữ được hương vị tốt nhất, giống như cách người Nhật cấp đông cá sống, khi rã đông, món ăn vẫn rất ngon như khi vừa chế biến", đầu bếp chia sẻ.
Theo đầu bếp, mâm cỗ cổ không bao giờ thiếu được món nem rán, nem cuốn sống, canh bóng giòn, chim câu quay, nộm đu đủ, dưa góp... Mỗi món đều được chế biến chỉn chu. Ví dụ với món nem cuốn sống, phần nhân có trứng, tôm, bún lá cắt nhỏ, lấy cọng hành hoa buộc bên ngoài, nước chấm pha vừa miệng giữa chua và ngọt. Món nem truyền thống được biến tấu thành nem cua gạch cũng rất đắt hàng.
"Cuộc sống hối hả, ai cũng bận rộn đi làm từ sáng tới tối, về tới nhà mệt mỏi, không có sức đều nấu nướng cỗ bàn. Tuy nhiên, không ai không muốn quây quần bên mâm cơm gia đình dịp Tết đến xuân về. Dịch vụ cỗ cấp đông đáp ứng được yêu cầu này. Người Hà Nội ăn uống luôn cầu kỳ. Gia đình tôi có truyền thống nhiều năm trong ngành nhà hàng, khách sạn, tự tin giữ được hương vị truyền thống nhưng đổi mới với cách phục vụ hiện đại, tiện lợi", chị Nhung cho biết.
Nguyên Chi