Vợ chồng anh Vũ Minh Trà (sinh năm 1986) và chị Trần Hải Yến (sinh năm 1987) sống tại Hà Nội, nổi tiếng trong cộng đồng du lịch bởi những chuyến roadtrip lái xe khắp "năm châu bốn bể" cùng hai con nhỏ. Năm 2018, ngay khi các con cứng cáp, bé nhỏ nhất 20 tháng tuổi, bé lớn 4,5 tuổi, cả gia đình đã cùng thực hiện chuyến roadtrip đầu tiên là vòng quanh 9 nước châu Âu trong 21 ngày. Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm đẹp và ấn tượng. Và cứ thế, anh Trà chị Yến lên kế hoạch mỗi năm đều đến địa điểm mới.
Năm 2019, gia đình chọn đi roadtrip bờ Tây nước Mỹ trong 35 ngày, năm 2020, đi Australia 18 ngày quanh đảo Tasmania. Năm 2021, do Covid 19 nên anh chị thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Năm 2022, cả nhà quay lại Mỹ và chọn bờ Đông để roadtrip 20 ngày. Năm ngoái, gia đình đặt chân đến châu lục thứ 5 với chuyến đi Nam Phi. Đến nay, bé Hope 10 tuổi đã đặt chân đến 22 quốc gia (tính cả các nước transit qua) và bé Hip 7 tuổi đã đi được 20 quốc gia.
Chi phí cho những chuyến đi tự lái xe không hề nhỏ. Sau nhiều chuyến đi, vợ chồng chị Yến đã tốn khoảng hơn một tỷ đồng. Chuyến đi châu Âu tiêu khoảng 180 triệu đồng, chuyến đi bờ Tây nước Mỹ tốn 230 triệu đồng. Chi phí chuyến đi Australia là 170 triệu đồng, chuyến bờ Đông nước Mỹ là 200 triệu đồng còn chuyến đi Nam Phi 21 ngày là 240 triệu đồng.
Với anh Trà chị Yến, trải nghiệm du lịch dài ngày cũng là đầu tư và tiết kiệm về thời gian và tiền bạc bởi nếu lấy số tiền tổng chia ra cho số ngày cũng không quá cao so với đi du lịch trong nước, đổi lại trải nghiệm nhận được vô cùng lớn, thậm chí là vô giá.
Chị Yến và anh Trà đã chi hơn một tỷ đồng cho những chuyến đi ở năm châu lục.
"Chồng tôi từng du học ở Mỹ và có trải nghiệm đi du lịch ở châu Âu từ hồi còn đi học nên rất ấn tượng với phong cảnh và con người nơi đây. Từ đó, anh mong muốn sau này cũng có thể dẫn cả gia đình cùng đi trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên ở những vùng đất đó. Gia đình tôi có cùng đam mê đi du lịch và coi trọng hiện tại, mong muốn đem lại cho các con thật nhiều trải nghiệm để sau này các con tự nhận thức, tự tìm cơ hội, phát triển bản thân và rèn tính tự lập, xử lý các tình huống, chứ không chỉ chăm chăm tiết kiệm, cho các con tiền khi lớn lên. Ngoài ra, cuộc sống giờ trôi đi rất nhanh, vì thế mỗi năm nhà mình dành ra một khoảng thời gian đủ dài để các thành viên ở bên nhau, hiểu nhau hơn và tình cảm gia đình thêm gắn kết", chị Yến nói.
Sau mỗi chuyến đi, các bé nhà chị Yến đều trưởng thành hơn về cả thể chất và nhận thức. Có cơ hội tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, các con trở nên bạo dạn và tự tin hơn trong giao tiếp. Về kiến thức xã hội, tại mỗi địa điểm, hai chị em Hope và Hip sẽ được tìm hiểu về lịch sử, câu chuyện thú vị. Các bé cũng rất yêu thiên nhiên và động vật nên cũng có cơ hội tìm hiểu các loài động vật hoang dã và cách các nước bảo tồn môi trường thiên nhiên. Mỗi khi trở về, các bé có nhiều câu chuyện để chia sẻ với bạn bè, thầy cô.
Hai chị em cũng học được nhiều kỹ năng sống bổ ích. Chị Yến kể: "Khi sang Australia, bé nhà tôi bị lạc trong công viên Royal Botanic Gardens nhưng bé biết chủ động chạy ra visit center, nhờ các chú các cô ở lễ tân và an ninh gọi loa cho bố mẹ và chỉ địa điểm con bị lạc. Tôi rất bất ngờ và cho rằng kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống của bé đã được phát huy".
Khi trở về lớp, trong các bài học nói về các địa điểm trên thế giới, bé Hope và Hip có thể tham gia hào hứng sôi nổi và trả lời đúng các câu hỏi của thầy giáo. Khi đi du lịch tự túc, phải đi bộ rất nhiều, chị Yến rất vui vì hai con còn nhỏ nhưng có thể đi bộ hàng chục km, tham gia trekking với bố mẹ ở các vườn quốc gia ở Mỹ và Australia. "Khi tới gia đình người bản địa ở Nam Phi trên núi Zuli, con tôi đã rất chủ động chơi với các bạn như đá bóng, chơi trốn tìm, xích đu. Lúc đó, tôi rất xúc động vì thấy con đã lớn, có thể tự tin giao tiếp và hòa đồng với các bạn xa lạ", người mẹ kể.
Kỷ niệm ấn tượng nhất của gia đình anh Trà chị Yến sau hành trình khám phá 5 châu là chuyến đi Nam Phi năm 2023 vừa qua với trải nghiệm đi vào khu bảo tồn quốc gia từ 5h sáng để ngắm bình minh, ăn sáng trong rừng và quan sát các loài vật đi săn buổi sáng sớm. "Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì lần đầu đi vào rừng trên một chiếc xe không kính chuyên dụng (game drive car) và nhiều khả năng sẽ gặp các con vật to lớn như hổ, báo, tê giác. Nhưng thực ra, vào rừng xong mới biết để gặp các con vật đó không hề dễ, mình còn phải đi săn tìm và phải rất may mắn mới có thể gặp được chúng nên háo hức vô cùng, không còn sợ chút nào nữa", chị nói.
Gia đình bốn thành viên ở trong một căn nhà của người dân địa phương ở Nam Phi.
Để có chuyến đi dài ngày, gia đình đã lên kế hoạch trước khá lâu để bố mẹ có thể xin nghỉ phép ở công ty và các con xin nghỉ học. Chị Yến và anh Trà luôn tận dụng những khoảng thời gian như tháng 4-5 hoặc tháng 8-9 khi có những ngày lễ lớn. Ngoài ra, một năm, hai người có khoảng 12-14 ngày phép nên tận dụng hết trong một chuyến đi, còn lại thu xếp làm việc online.
Khi các con học mẫu giáo có thể xin nghỉ thoải mái nhưng lúc đã bắt đầu đi học, anh chị ưu tiên đi vào khoảng thời gian hè hoặc đầu năm để ít ảnh hưởng đến việc học tập của các bé. Chuyến đi dài nhất của gia đình đến nay là chuyến đi bờ Tây nước Mỹ trong 35 ngày. "Tôi rất may mắn và biết ơn khi có những người lãnh đạo và đồng nghiệp tuyệt vời tại cơ quan, luôn hỗ trợ trong công việc và cuộc sống để tôi có thể thực hiện các chuyến đi này với gia đình", chị Yến cho biết.
Roadtrip cần lưu ý những gì
Hình thức roadtrip vẫn khá xa lạ với các gia đình có con nhỏ. Anh Trà cho biết lý do đầu tiên là được tự do lựa chọn hành trình cho riêng mình. "Chuyến đi tuyệt vời của cả gia đình nằm ở những nơi mà không ai ngờ tới nhất. Đó là những căn Airbnb đặc biệt như căn nhà trên núi ở Annecy, ở ngôi làng trên cao nguyên Zulu Nam Phi cùng gia đình người bản xứ hay tự lái xe vào khu bảo tồn thiên nhiên để ngắm các loài vật hoang dã.Điều mà bạn sẽ không thể thực hiện nếu đi theo tour. Một điều tuyệt vời khác của roadtrip đó là ngày nào cũng sẽ trở nên khác biệt. Ngày mai sẽ mang cả nhà sẽ đến những vùng đất mới, những điểm thăm quan mới và cả những căn phòng khách sạn mới nữa. Đây cũng sẽ là một trải nghiệm hay ho cho bọn trẻ vì mỗi ngày sẽ là một chuyến phiêu lưu mới hoàn toàn. Nhà tôi hoàn toàn có thể chủ động, thậm chí thay đổi lịch trình nếu phát hiện ra nhiều chỗ thú vị hơn", anh nói.
Nguyên nhân thứ hai là có thể chủ động thời gian nghỉ ngơi và du lịch. Roadtrip không bị gò ép thời gian vào khung giờ cố định như đi đường bộ hay hàng không. Gia đình có thể thay đổi lịch trình ngay lập tức. Khi đến vịnh Pleterberg ở Nam Phi, thấy khung cảnh đẹp, anh chị đã quyết định ở thêm một ngày để khám phá tiếp nơi đây. Với trẻ con, các bé cũng cần nghỉ ngơi, đứng dậy khỏi ghế, đi lại khởi động chân tay và hít thở không khí trong lành. Với roadtrip, các thành viên có thể chủ động dừng nghỉ khi có nhu cầu và ngắm phong cảnh trên đường đi.
Tự lái xe còn khá tiết kiệm so với đi máy bay, nhất là đường bay quốc tế. Thuê xe tự lái có thể tạo điều kiện để chọn những khách sạn ở xa trung tâm, tiết kiệm một khoản đáng kể chi phí chỗ ở và đỗ xe, nhất là ở những nơi đắt đỏ như châu Âu và Mỹ. Hành lý khi đi du lịch cùng con nhỏ khá lỉnh kỉnh. Khi có xe, các bố mẹ cũng có thể mang theo nhiều đồ đạc, đồ ăn nên giúp giảm chi phí như mang theo nồi nấu ăn đa năng mini, sau đó vào siêu thị mua nguyên liệu chế biến đồ hợp khẩu vị cả nhà.
Roadtrip cũng giúp gia đình anh chị có những khoảng thời gian chất lượng bên nhau. Trên xe, cả nhà đã cùng nhau hát theo những bài hát trên radio, chơi game và trò chuyện. Hai vợ chồng chị Yến anh Trà lắng nghe những câu chuyện dễ thương của hai con và hiểu được cách mà các con nhìn thế giới.
Gia đình từng hai lần du lịch ở Mỹ, một lần đi bờ Đông, một lần khu bờ Tây.
Dù vậy, theo anh chị, hình thức này cũng có một số khó khăn. Đầu tiên là phải tự lên lịch trình chi tiết đi đâu, ăn đâu, nghỉ đâu, trải nghiệm gì. Việc lên lịch trình là rất quan trọng và mất nhiều thời gian. Bạn càng chuẩn bị kỹ thì chuyến đi càng dễ dàng và không có gì phải lo lắng.
"Tôi may mắn khi có người chồng chu đáo, rất chịu khó tìm hiểu thông tin về các địa điểm trải nghiệm. Anh là người lên lịch trình cho hầu hết các chuyến đi của gia đình. Dù cũng rất bận bịu với công việc, chồng tôi vẫn lên được lịch trình chi tiết cho chuyến đi. Nhiều khi, ba mẹ con chỉ việc lên máy bay và háo hức không biết sẽ được đến những đâu", chị kể.
Thứ hai là cần nắm được luật giao thông, đường xá ở các nước. Việc nắm luật giao thông ở các nước là rất quan trọng đối với đi roadtrip, thậm chí ở một số nước tay lái nghịch như Australia và Nam Phi, cần phải làm quen. Việc chấp hành nghiêm luật giao thông như đi đúng làn đường, đúng tốc độ, thắt dây an toàn, trẻ em ngồi trên carseat là rất cần thiết.
Thứ ba là cần lên kế hoạch chi tiết và dự phòng cho các tình huống trên như luôn đảm bảo đủ xăng xe, kỹ năng tìm khách sạn, nhà nghỉ ở nơi xung quanh trên đường đi. Đi roadtrip quãng đường dài và trong một khoảng thời gian nhất định, bạn có thể gặp một số tình huống phải thay đổi lịch trình do thời gian không như dự tính như sẽ phải đi quãng đường xa, hoặc đi trong trời tối sẽ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ tư là luôn để mắt đến trẻ nhỏ và đảm bảo an toàn. Đi du lịch, con cũng cần quan sát và chú ý không được rời bố mẹ mà không xin phép vì có thể bị lạc. Ở Nam Phi, nhà anh chị gặp rất nhiều người vô gia cư trên đường phố. Do vậy, cả nhà đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu, không đi ra ngoài đường sau 6h tối. Việc vào công viên xem các động vật hoang dã, các con cũng được bố mẹ dặn dò phải tuân thủ tuyệt đối các quy định để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, đi du lịch cùng trẻ nhỏ phải chuẩn bị kỹ hơn để đảm bảo sức khỏe của trẻ vì đi với trẻ nhỏ cần mang nhiều đồ và các bé thường không ngồi một chỗ lâu được. Trong chuyến đi đầu tiên, anh chị phải chuẩn bị tinh thần luyện tập cho các con trước như để bé có thói quen ngồi trên carseat. Trước đó, anh chị có những chuyến trong nước như Ninh Bình, Hạ Long để cho các con làm quen. Cả nhà cùng chạy bộ quanh hồ Thành Công (Hà Nội) để rèn kỹ năng đi bộ đường dài. "May mắn các bé nhà tôi đi bộ và hiking, leo núi cùng bố mẹ trong công việc quốc gia của Mỹ không có vấn đề gì, thậm chí còn khỏe hơn cả mẹ", chị kể.
Một trong những chiếc xe anh chị từng thuê lái ở châu Phi.
Chuẩn bị những gì khi đi?
Trong chuyến đi đầu tiên, chị Yến phải chuẩn bị đồ trước cả tháng như quần áo, thuốc, đồ ăn và ghi sẵn vào một cuốn sổ.
Về quần áo, các bé được ưu tiên mặc đồ nhiều lớp để có thể cởi được dần, thích nghi với thời tiết. Buổi sáng cần mặc áo ấm và đi tất đầy đủ. Buổi trưa, khi nắng ấm, có thể diện đồ đẹp để chụp ảnh. Quần áo mang đi cũng không cần quá nhiều. Trên đường đi đến các thành phố, có thể vào tiệm giặt là tự động (laundry services). Giá cũng phải chăng, vừa giặt vừa sấy luôn là lại có quần áo mặc, ngoài ra còn mua sắm trên đường đi.
Về thuốc, anh chị chuẩn bị thuốc tiêu chảy, thuốc tăng cường sức đề kháng, thuốc hạ sốt, băng ergo, hút mũi, máy đo nhiệt độ, uống thuốc tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, chị còn mang thêm cả kem dưỡng ẩm, kem chống nắng.
Về đồ ăn, do đi roadtrip, chị Yến chuẩn bị cả nồi cơm điện, nồi đa năng để đun nước, luộc rau kiêm nấu mì. Trên đường đi, anh chị ghé vào siêu thị mua thêm hoa quả như dâu tây, cherry, mâm xôi, chuối. Ngoài ra, chị mang thêm một số "bảo bối" như vừng đen rang sẵn, tránh tình trạng khó tiêu.
>> Xem tiếp hình ảnh đẹp trong chuyến đi ở 5 châu lục của gia đình
Ảnh: NVCC
Nguyên Chi