Ngày 2/11, chị Hoa (37 tuổi, sống tại Hà Nội) đăng tải lên trang cá nhân một số hình ảnh trong chuyến đi Hàn Quốc kéo dài 6 ngày 5 đêm. Trong bài đăng, nữ du khách thực hiện một số động tác như trồng cây chuối, chống tay vào gốc cây và xoạc chân. Chị cũng đăng hình ảnh vào nhóm "Review du lịch Hàn Quốc tự túc" trên Facebook, thu hút sự chú ý.

465605758-2338581066478569-239-4895-5432-1730740295.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T3ct7ItO222QCYbyy-PGGg

Du khách Việt tạo dáng tập yoga ở Cung Cảnh Phúc (Seoul). Ảnh: FBNV

Ngay sau khi được lan truyền, hành động của chị Hoa tạo nên cuộc bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Phần lớn người dùng bình luận những hành động này rất phản cảm, đặc biệt là ở một di tích lịch sử quan trọng của Hàn Quốc như cung Gyeongbokgung, nơi có đông du khách tham quan mỗi ngày.

Hương Giang, du khách Hà Nội từng nhiều lần du lịch Hàn Quốc, cho biết: "Tôi thấy ái ngại khi xem những hình ảnh này và biết đó là người Việt. Đây là cung điện hoàng gia, điểm tham quan mỗi năm có hàng triệu du khách ghé qua, dù có quy định cấm hay không thì cũng không nên ăn mặc và hành động như vậy". Thậm chí, nhiều người còn để lại bình luận nặng nề hơn, chỉ trích hành động này là "tập để khoe chứ không phải để khỏe" và "làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài".

Khanh Lê, 30 tuổi, đang sinh sống ở Hàn Quốc, bày tỏ: "Tôi thấy việc làm này không ảnh hưởng tới ai. Mọi người cũng có thể không nhận ra đó là người Việt và khu vực này cũng không cấm hành vi như vậy. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hành động này không đẹp vì thể hiện không đúng nơi đúng chỗ".

465735625-2338581056478570-520-9972-4411-1730740295.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9cunVghKhBetli4FcqQ4tw

Du khách cho biết chị chỉ đứng phía ngoài, không vào trong di tích.

Chị Hoa cho biết hôm đó có lịch trình đi qua một số điểm du lịch tại Seoul. Thấy bờ tường đẹp, chị dừng lại chụp vài kiểu ảnh chứ không vào trong. "Đây là nơi ở của Vua và cung tần ngày xưa, không phải nơi thờ cúng. Tôi cũng giữ ý không vào trong, chỉ tập bên ngoài, thậm chí còn chưa tới cổng", chị nói.

Người dân đi qua còn vỗ tay cổ vũ và xin chụp ảnh cùng nữ du khách Việt. Bảo vệ khu vực này nhìn thấy cũng không có hành động nhắc nhở. "Tuy nhiên, lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm, không tập yoga ở những địa điểm du lịch như vậy nữa", chị cho hay. Sau sự việc, các hình ảnh check in với tư thế yoga của chị Hoa tại một số địa điểm du lịch như Bali, Maldives, Singapore cũng được "đào lại" và nhận nhiều bình luận chỉ trích.

Tiến sĩ Phan Thế Anh, giảng viên Truyền thông Marketing tại Đại học Quốc tế Miền Đông, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, có nhiều năm sinh sống tại Hàn Quốc, nhận xét: "Việc mặc trang phục và cư xử đúng mực khi du lịch quan trọng. Cố cung là nơi nhiều người tham quan và mang vẻ trang trọng. Việc mặc đồ yoga không mang ý nghĩa trang trọng. Dù không ở bên trong nhưng ở gần khu vực đông người ra vào, trang phục không phù hợp cũng sẽ gây khó chịu cho nhiều người. Thời tiết Hàn đợt này lạnh, mặc đồ yoga lại càng không phù hợp. Có nhiều nơi và hoàn cảnh chụp hình phù hợp yoga hơn là khi đi du lịch".

nami-2-2291-1730740296.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AwRY9g4YPqvfTf0v3mXaMA

Chị Hoa tập yoga ở đảo Nami (Hàn Quốc).

Gyeongbokgung, hay Cung Cảnh Phúc, là cung điện lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số "Năm đại cung" của triều đại Joseon. Được xây dựng vào năm 1395, cung điện này là trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa của vương triều. Đây cũng là địa điểm check in nổi tiếng bậc nhất tại thủ đô Seoul.

Cung Cảnh Phúc không có quy định chính thức về trang phục dành cho du khách tham quan nhưng đa phần du khách tới đây đều ăn mặc kín đáo, tránh đi dép tông, mặc quần short và váy ngắn vì chúng không được coi là trang phục phù hợp ở Hàn Quốc. Đặc biệt, nhiều người còn thuê hanbok khi vào cung. Khi diện trang phục truyền thống, du khách sẽ được miễn phí vé vào cổng. Đây là quy định nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Hàn Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên những người tập yoga gây tranh cãi trong cộng đồng. Cuối tháng10, một nhóm khách biểu diễn yoga trên đỉnh Fansipan với các tư thế nhạy cảm được một du khách nước ngoài ghi lại, đăng tải lên mạng xã hội, gây nhiều chỉ trích trong cộng đồng. Trước đó, một số người tập yoga ở điểm săn mây tại Đà Lạt và trên đường ở Thái Bình cũng nhận được phản ứng tương tự.

Ở Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia, yoga thậm chí còn bị "tẩy chay" ở nơi công cộng. Tháng 12/2023, Yaoxianer - một người nổi tiếng trên mạng xã hội, có hơn một triệu người theo dõi - tập yoga tại bức tường thành cổ ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hình ảnh lan nhanh trên Douyin và Weibo, nhận nhiều chỉ trích như "hành động không phù hợp", "thô tục", "vi phạm trật tự công cộng". "Xin hãy tôn trọng thành phố cổ. Đây là nơi trải nghiệm lịch sử và văn hóa, không phải là phòng tập yoga của bạn", một người bình luận.

Tại Hàn Quốc, video người nước ngoài trải thảm tập yoga tại ga tàu điện ngầm cũng bị phê phán, coi là "trò hề câu view".

influencer-yoga-1273-1730740296.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RvPivAnCNCw4_oHahNAlmA

Một người nước ngoài tập yoga trong ga tàu ở Hàn Quốc gây chú ý. Ảnh: Reddit

Thành phố San Diego (bang California, Mỹ) quy định rằng các nhóm từ 4 người trở lên tụ tập ở những nơi công cộng để thực hiện các hoạt động giải trí, thương mại mà không có sự chấp thuận của chính phủ là bất hợp pháp. Quy định này được cho là hướng tới những nhóm tập yoga ngoài trời, nở rộ sau đại dịch Covid-19. Tháng 5 và 6, lực lượng kiểm lâm đã đến công viên thiên nhiên Sunset Cliffs không báo trước để ngăn cản các giáo viên và học viên thường tập yoga trên đỉnh vách đá nhìn ra Thái Bình Dương.

Chị Hương Trần (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một người tập yoga lâu năm, bày tỏ sự thất vọng: "Môn này tập để nâng cao sức khỏe, rèn luyện sự dẻo dai nhưng gần đây, nhiều người tập yoga đã khiến bộ môn bị biến tướng, gây phản cảm cho người khác".

Hà Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022