Tìm về với lịch sử làng nghề xôi Phú Thượng

Khi được hỏi về lịch sử của nghề làm xôi Phú Thượng, ai nấy trong làng đều khó có thể chỉ rõ thời gian cụ thể xôi xuất hiện là từ khi nào, chỉ biết rằng nghề làm xôi Phú Thượng từ lâu đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ nơi đây với câu ca lưu truyền:

"Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi ".

Làng Gạ (hay Kẻ Gạ), tức làng Phú Gia là ngôi làng nằm bên bờ Nam sông Hồng, sau này cùng với Thượng Thụy (tên nôm là làng Bạc) và Phú Xá (tên nôm là làng Xù) được hợp lại thành Phú Thượng, thuộc quận Tây Hồ như ngày nay.

Người dân Phú Thượng xưa được ưu ái sở hữu một vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu được bồi đắp từ phù sa sông Hồng. Từ những cánh đồng màu mỡ ấy, người dân làng đã trồng được loại gạo rất thượng hạng, đó là gạo nếp cái hoa vàng để thổi xôi. 

Trước kia, nghề xôi phát triển mạnh mẽ ở làng Phú Gia còn làng Thượng Thụy và làng Phú Xá chỉ chủ yếu làm bánh đa kê. Sau này, khi các cô gái làng Gạ lớn lên, gả sang làng khác, họ vẫn tiếp tục với công việc bán xôi. Phần lớn những người phụ nữ Phú Thượng theo nghề đồ xôi bởi đó là nghề gia truyền. Yêu làng nên giữ nghề, họ cởi mở, sẵn sàng truyền nghề cho những người con gái trong làng muốn theo. Cứ từ 3 - 4 giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn đồ xôi. Tinh mơ mờ sáng, làng xóm đã rộn ràng, chị em í ới gọi nhau đi chợ. Họ tỏa đi khắp nơi, người sang các làng bên như: Ngọc Hà, Quảng Bá; người vào sâu nội thành như Đồng Xuân, Bát Đàn… Chính vì vậy, nghề làm xôi đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ ở cả ba làng của Phú Thượng. 

photo-1714139086552-17141390868791325029427.jpeg

Một gánh xôi quen thuộc trước cổng đình làng Phú Gia – Phú Thượng

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng chia sẻ: "Gia đình tôi chính thức theo nghề làm xôi đã được 4 đời. Từ thời bao cấp, đời bà, đời mẹ đi bán xôi, tôi đã phụ giúp một số công đoạn trong quá trình làm xôi như nhặt gạo, xếp lá... Cứ thế theo thời gian, niềm đam mê với nghề xôi đã thấm dần trong tôi. Vì vậy, sau khi học xong cấp ba, tôi đã chọn lấy hạt gạo làng quê để tiếp tục phát triển nghề xôi kiếm tiền mưu sinh cho cuộc sống sau này.

Gìn giữ tinh hoa trong từng dẻo thơm mộc mạc

Trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề xôi, nghệ nhân Tuyến đã có được những thành công nhất định và điều khiến bà luôn giữ được lửa đối với nghề đó chính là những khách hàng thân thuộc chỉ đợi ăn "xôi của bà Tuyến".

Thời gian làm nghề có rất nhiều những kỉ niệm và kỉ niệm bà Tuyến khá ấn tượng là cách đây hơn chục năm, trong một lần đi bán xôi, hôm đó trời mưa tầm tã, có một đôi vợ chồng trung niên ghé vào sạp bán xôi của cô để trú nhờ. Họ đã bắt gặp những người đội mưa đi mua xôi và có suy nghĩ xôi cũng chỉ là món ăn bình thường thôi có gì đặc biệt mà người ta đội mưa để đi mua. Vì hành động mua xôi đó mà đôi vợ chồng tò mò mua thử, sau khi ăn xong họ cũng hiểu ra vì sao người ta chấp nhận mưa gió để mua xôi. Cho đến bây giờ đôi vợ chồng đó đã trở thành vị khách trung thành của xôi Phú Thượng. 

photo-1714139087336-171413908759420308939.jpeg

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bên cạnh mâm xôi Phú Thượng

Bà Tuyến cho biết, xôi Phú Thượng đặc biệt ở chỗ về chất lượng đảm bảo sức khỏe, mẫu mã cũng như màu sắc đa dạng. Đặc biệt hạt xôi giữ được sự mềm, dẻo từ sáng đến chiều, không bị cứng dù có mua đi lên máy bay nhờ cách nước nấu giữ độ dẻo của xôi, đến nơi chỉ cần quay lò vi sóng làm nóng.

Chia sẻ về quá trình nấu một mẻ xôi ngon chuẩn vị, bà Tuyến cho biết sẽ cần trải qua gồm 4 - 5 bước cơ bản từ khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu, đảm bảo các tiêu chí sạch, chất lượng tốt. Sau đó đem ngâm gạo đủ thời gian trong khoảng 5 tiếng hoặc hơn, tuỳ vào loại xôi sẽ làm để hạt xôi được mềm. Gạo khi đã ngâm đủ thời gian thì vớt ra vo lại một lần nữa rồi cho vào đồ. Thành phẩm cuối cùng cho ra là mẻ xôi căng bóng, thơm dẻo được ủ trong thúng nhằm giữ được nhiệt độ cũng như chất lượng của xôi.

Bà Công Thị Tuyết ( 55 tuổi ) - người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm thổi xôi trong làng cũng cho hay, để làm nên được thương hiệu xôi Phú Thượng cần có những lưu ý riêng. Nhìn chung, quá trình làm xôi sẽ cần đảm bảo yêu cầu khắt khe và chu đáo trong từng công đoạn. Khâu quan trọng đầu tiên là chọn nguyên liệu. Gạo được chọn để thổi xôi phải chuẩn nếp ngon, tuỳ theo mùa mà chọn nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng.

Đặc biệt, muốn xôi được ngon dẻo, để lâu không bị cứng, một bí quyết mà các thợ xôi cần phải tuân thủ đó là nguyên tắc 2 lửa, tức là đồ xôi 2 lần. Lần 1 đồ trong khoảng 30 phút, sau đó nhanh tay rải đều mỗi loại xôi ra rổ rồi đảo đều để xôi được tơi, mềm dẻo và ngon hơn. 

Thông thường, khoảng 3-4 giờ chiều hằng ngày là các thợ xôi sẽ đồ lần 1. Sau khi xôi nguội sẽ được lưu trữ trong tủ lạnh để đến 3 giờ sáng hôm sau sẽ đồ lần 2, rồi đưa vào thúng, mỗi loại xôi để riêng trong từng lớp buồm cói, xếp lần lượt chồng lên nhau. Buồm này có tính chất giữ nhiệt, thoát được hơi mà lại giữ độ mềm cho xôi…

Những chiếc thúng đầy ắp những "dẻo thơm" sau đó được chất lên xe, toả đi từ đầu làng cho đến khắp các con phố lớn nhỏ trong nội thành, sẵn sàng phục vụ bữa sáng ngon miệng cho người dân Thủ đô. 

Mỗi gói xôi là mỗi "gói tinh hoa", gói "dẻo thơm" trong từng mộc mạc giản dị. Nó chứa đựng biết bao sự khéo léo, cầu kỳ mà tinh tế của những người làm ra. Chẳng thế mà có câu "Ăn phở 3 lần thì ngán, ăn xôi cả tháng vẫn thèm" là vì vậy.  

Chắp cánh đưa thương hiệu bay xa

Đã từng có thời điểm, nghề làm xôi Phú Thượng tưởng chừng như đã mai một. Song, nhờ sự đồng lòng của người dân cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, xôi Phú Thượng được nâng tầm và nhiều người biết đến hơn.

Năm 2017, hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng được thành lập. Ban đầu mới thành lập chỉ có khoảng 20 hội viên.

Trao đổi với phóng viên Bà Nguyễn Thị Loan – Quyền chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng cho biết: Hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có khoảng 400 thành viên trong tổng số 600 hộ làm xôi phường Phú Thượng. Hội đã được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề, ngoài ra còn được hỗ trợ sử dụng điện 1 giá nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống nơi đây.

Hằng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng, làng lại tổ chức Lễ hội xôi tại đình Phú Gia để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên. Đây cũng là dịp để bảo tồn và phát triển, tôn vinh nét văn hóa làng nghề truyền thống đồng thời quảng bá hình ảnh xôi Phú Thượng đến rộng khắp người dân trên cả nước.

photo-1714139088026-1714139088098300590084.jpeg

Xôi Phú Thượng trong Lễ hội xôi truyền thống tổ chức tại đình làng Phú Gia

Năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong 9 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, thu hút sự chú ý của rất nhiều phóng viên báo chí nước ngoài. 

Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Thành phố Hà Nội.

Ngày 17/2/2024 vừa qua, nghề làm xôi Phú Thượng đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây chính là một niềm tự hào vô cùng to lớn của người dân Phú Thượng.

photo-1714139088540-17141390886791410089302.jpeg

Xôi Phú Thượng trong lễ công bố ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Với tiềm năng sẵn có vô cùng lớn như thế, những nghệ nhân trong làng vẫn luôn khao khát một ước muốn có thể đem hình ảnh xôi Phú Thượng bay cao, bay xa hơn tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn là những trăn trở đối với những nghệ nhân đã có tuổi như bà Loan hay bà Tuyến khi sức khỏe ngày một kém đi và sẽ đến  một thời điểm không còn đủ minh mẫn, dẻo dai để chèo lái Hội làng nghề, trong khi hiện tại vẫn chưa tìm được thế hệ kế tục.  

"Thương hiệu với cái tên xôi Phú Thượng bao năm qua đã mất công gây dựng nên được như hôm nay không phải là dễ dàng. Giữ được thương hiệu là một chuyện nhưng để phát triển lên một tầm cao mới thì còn khó hơn rất nhiều" - bà Loan bộc bạch.

Trên hành trình chắp cánh cho sự vươn lên của làng nghề, mong rằng xôi Phú Thượng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền và cần lắm những người "giữ lửa" nghề truyền thống ông cha bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022