Bắt đầu hành trình từ ngày 12/1 ở TP HCM, Hoàng Long (quê Quảng Ninh) đã đi chặng đường ước tính 5.000 km từ Nam ra Bắc, kết thúc chuyến xuyên Việt hôm 15/2. Long kể hồi cấp ba, khi nhìn tấm bản đồ địa lý đất nước, anh đã có ước mơ chinh phục 63 tỉnh thành, tìm hiểu văn hóa, con người của từng vùng đất.

Chàng trai GenZ lựa chọn phương tiện di chuyển là chiếc xe máy quen thuộc để có thể ngắm nhìn những cung đường đẹp, hít thở không khí chân thực, mang lại nhiều trải nghiệm hơn so với đi ôtô. Bên cạnh đó, phương tiện này tiết kiệm chi phí và linh hoạt trong việc di chuyển.

d4f4080b-a0af-4283-8d42-df9c89-4914-7862-1740475350.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k37wA8fRtCF7AvLUTZDE8g

Đào Hoàng Long và chuyến xe cùng anh đi xuyên Việt.

Từ TP HCM ra Bắc, chàng trai 20 tuổi đi theo cung đường ven biển để ngắm trọn vẹn khung cảnh tuyệt đẹp. Cung đường đẹp và ấn tượng, đặc biệt là biển Bình Thuận, Ninh Thuận. Còn ở Nha Trang, trời nhiều mây, thi thoảng mưa phùn do mùa biển động. Long ra tới quê hương Quảng Ninh, ăn Tết khoảng một tuần rồi tiếp tục phượt từ Đông Bắc sang Tây Bắc. Cung đường đồi núi khá khó đi, quanh co, thử thách với những tay lái mới. Khi trở về, anh đi theo đường Trường Sơn về Tây Nguyên và kết thúc ở TP HCM.

Long cho biết ban đầu dự định đi đủ 63 tỉnh thành nhưng do có lịch học tập và làm việc đột xuất nên phải trở về gấp, còn lại ba tỉnh Tây Nguyên chưa kịp đặt chân tới. "Rất tiếc nuối nhưng tôi đã nỗ lực hết mình, vượt qua giới hạn bản thân. Sinh nhật bước sang tuổi 21 của tôi không như mình mong đợi nhưng dấu ấn tuổi 20 có lẽ không chỉ gói gọn trong con số 63 tỉnh mà là cả hành trình tôi đã sống trọn vẹn và kiên cường như thế nào", Long nói.

Do đi một mình nên Hoàng Long chủ yếu cắm trại dọc đường để tiết kiệm chi phí so với thuê nhà nghỉ. Cắm trại rất linh hoạt, thấy chỗ nào phù hợp là có thể hạ trại, trong khi đó nhà nghỉ phải mất thời gian tìm kiếm ở khu vực dân cư. Hoàng Long thích những cắm trại ở những nơi hoang sơ, vắng vẻ vì yên tĩnh, mang lại cảm giác hoà mình vào thiên nhiên hơn như đồi cát, bờ biển, rừng thông, thung lũng, bờ hồ... Những lúc bí quá, không tìm thấy nơi lý tưởng, anh mới vào cây xăng hay đền chùa nhưng phải xin phép trước.

481024304-1362766558049044-672-8646-1346-1740475350.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dsiXN-1iQ9fLIbYpuRB8Qw

Hoàng Long lựa chọn ngủ lều để tiết kiệm chi phí.

Tổng chi phí cho một tháng rong ruổi từ Nam ra Bắc của Đào Hoàng Long khoảng 7 triệu đồng. Trong đó, tiền ăn khoảng 100.000 đồng một ngày, trung bình chi tiêu ba triệu một tháng, anh thường chọn quán ăn ven đường với mỗi bữa khoảng 30.000-35.000 đồng. Tiền vé tham quan khoảng 1,5 triệu đồng cho cả tháng, thường Long đi những điểm hoang sơ, không tốn tiền.

Riêng với tiền xăng, quãng đường 5.000 km tốn khoảng 2,5 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của anh chàng, bạn nên mang theo khoảng 10 triệu đồng là thoải mái, có thể mang thêm một khoản phí dự phòng khi khẩn cấp. Khi xe còn khoảng 20% xăng với đường bằng và 30-40% với đường núi, Long cũng bơm xăng luôn, tránh trường hợp hết xăng giữa đường mà không tìm được cây xăng. Ở những vùng núi, cây xăng còn không mở cửa 24/24h mà đóng cửa sớm. Ngoài ra, trước khi đi cần bảo dưỡng xe, cứ 2.000 km, anh lại thay dầu một lần để đảm bảo chất lượng di chuyển của xe.

Không chỉ ấn tượng với cảnh đẹp đất nước, Đào Hoàng Long có nhiều trải nghiệm với con người ở nhiều địa phương từ Nam ra Bắc. Rất nhiều người quan tâm, hỏi thăm Long về hành trình xuyên Việt. Anh chàng còn được một số chủ quán giảm giá, cho thêm đồ ăn như cô chủ quán cơm gà ở Tam Kỳ - Hội An. Chủ nhà nghỉ ở Ninh Bình cũng tiếp đón rất nhiệt tình, hẹn lần sau quay lại.

480813083-1362764658049234-280-2099-2839-1740475350.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VErwdCRiFawQ6IsumPTZMg

Hoàng Long tiếc nuối vì chưa có đủ thời gian khám phá ba tỉnh Tây Nguyên.

"Tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc quây quần trò chuyện, đàn hát cùng những vị khách nước ngoài ở nhà trọ Ninh Bình. Họ cũng đi du lịch một mình, chúng tôi kể cho nhau nghe về những chuyến đi. Trên đường Sơn La về Mù Cang Chải (Yên Bái), trong lúc chờ đợi đoạn đường cấm vì thi công, một chị đồng bào dân tộc đã thổi sáo cùng một chú hát rất hay cho mọi người cùng nghe. Tôi rất thích những khoảnh khắc tự nhiên, tận hưởng nét đẹp truyền thống một cách thuần túy", Long kể. Suốt chặng đường độc hành ở tuổi đôi mươi, chàng trai cũng gặp một số khó khăn, trắc trở. Lựa chọn đi đường bộ mang lại nhiều thử thách như thời tiết, đặc biệt là khi trời mưa. Ở vùng Đông và Tây Bắc, thời điểm đó rét buốt, Long chuẩn bị áo giữ nhiệt nhưng vẫn khá vất vả. Ngoài ra, một số cung đường rất quanh co, hẹp và khó đi ở vùng đồi núi nên yêu cầu phải lái thật cẩn thận.

Từ đỉnh Tà Xùa đến Bắc Yên, xe của Long bị kẹt xăng, không đề được. Anh đã được hai người đàn ông giúp đỡ rất nhiệt tình, một người đạp số bóp côn, một người đẩy xe, giúp xe nổ máy. "Tôi thực sự biết ơn hai anh rất nhiều, chứ đoạn đèo dốc toàn sương mù, không có khu dân cư, tôi cũng không biết phải làm thế nào", Hoàng Long nhớ lại.

Lần khác, anh gặp khó khăn ở con đèo hoang vu, đoạn từ Yên Minh về lại thành phố Hà Giang. "Combo" mưa phùn, lạnh, sương mù dày, đi kèm với vạch xăng nhấp nháy gần cạn kiệt đôi khi khiến Long hoang mang. Đường lúc đó mù mịt, chỉ nhìn thấy khoảng hai mét trước mặt, đường dốc hẹp, quanh co, không bóng người, không có nhà dân, một mình anh chàng đi giữa rừng núi tối om nhưng may mắn vẫn về tới thành phố trước khi xe hết xăng.

480882282-1362766221382411-408-9505-1535-1740475350.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AuGpR3EkzZn6r62ft5vpYQ

Chàng trai GenZ thuê cổ phục, chụp ảnh ở Đại nội Kinh thành Huế.

Hoàng Long cũng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười như "ngủ nhầm" ở nghĩa địa. Hôm đó, Long cắm trại ở Mũi Yến - Phú Yên, gần một ngôi miếu có đèn đỏ lập lòe. Hôm sau khi tỉnh dậy, anh mới phát hiện ra đó là một khu nghĩa trang nhưng may mắn đêm đó ngủ được và không gặp sự cố gì. Một số người dân địa phương khi biết chuyện cũng ngạc nhiên vì thấy du khách cắm trại ngủ trong nghĩa địa.

"Đi du lịch một mình, đôi lúc tôi cảm thấy hơi cô đơn, nhất là buổi chiều tối một mình chạy xe, lúc này tôi sẽ thường trò chuyện với người dân bản địa hay là gọi điện cho ngươì thân để cảm thấy bớt lạc lõng. Đi vào thời điểm mùa xuân nên thời tiết cũng không thực sự thuận lợi, có chỗ nắng đẹp, có chỗ mưa phùn, lạnh và sương mù. Đoạn đường Đông và Tây Bắc thực sự là thử thách với tôi vì cao điểm mưa rét, đổi lại có thể chiêm ngưỡng mùa hoa đào, hoa mận nở rất đẹp", chàng trai sinh năm 2004 nói.

Kết thúc hành trình đáng nhớ, Đào Hoàng Long có hàng nghìn bức ảnh và thước phim đẹp, chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của đất nước, vừa có trải nghiệm và kỷ niệm khó quên của tuổi trẻ. Đây cũng là tư liệu để Long phát triển kênh mạng xã hội về du lịch của mình và phục vụ cho công việc hướng dẫn viên trong tương lai.

chang-trai-20-tuoi-lai-xe-5-000-km-xuyen-viet-suot-mot-thang-1740474910.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oxeR720zFHZT-YkLdprCWw
Chàng trai 20 tuổi lái xe 5.000 km xuyên Việt suốt một tháng

Hoàng Long check in Hải Vân Quan - địa điểm nên ghé qua khi chinh phục đèo Hải Vân Video: Tiktok Hoanglongblue

Sau chuyến đi, chàng sinh viên năm thứ ba biết thêm nhiều kiến thức văn hóa vùng miền, lịch sử và con người của từng điểm đến. Trước khi tới đâu, Long đều lên mạng tra cứu trước. Anh đặc biệt ấn tượng với văn hóa và ẩm thực Tây Bắc, nơi có những món ăn đa dạng và độc đáo như thắng cố ngựa, cơm lam, thịt trâu gác bếp, bánh hạt dẻ, bánh tam giác mạch.

"Tôi đã có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ của tuổi 20 - độ tuổi đầy ước mơ và hoài bão - mà có lẽ đến già cũng không thể quên được. Tôi muốn sau này có thể kể về tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết, một mình khám phá rong ruổi khắp đất nước. Tôi dự định đi xuyên Việt lại thêm một lần nữa vào dịp hè khi được nghỉ học, hoàn thành nốt ba tỉnh Tây Nguyên còn lại và ngắm nhìn lại những cảnh biển tuyệt đẹp ở Nha Trang, Phú Yên hay Bình Định trước đó đã bỏ lỡ. Tôi sẽ đầu tư thêm về dụng cụ quay chụp như máy ảnh, flycam để ghi trọn vẹn những khung cảnh tuyệt vời", Đào Hoàng Long nói.

Một số lời khuyên của Đào Hoàng Long cho chuyến đi xuyên Việt:

- Chuẩn bị dụng cụ cần thiết như túi ví, balo, giấy tờ tuỳ thân, dụng cụ chụp ảnh quay phim như điện thoại, tridpod

- Đồ dùng cá nhân như 4 bộ quần áo, 2 cái áo giữ nhiệt, bàn chải, khăn mặt, khăn giấy ướt.

- Mang thêm lều trại và túi ngủ nếu thích cắm trại.

- Hạn chế đi buổi tối và tốc độ không quá nhanh để đảm bảo an toàn.

- Lên kế hoạch về thời gian đi và những đồ đạc cần thiết và một khoản chi phí dự phòng.

- Nếu đi xuyên Việt, thời gian nên khoảng 1,5 tháng tới 2 tháng để có nhiều thời gian tận hưởng cảnh đẹp.

>> Xem tiếp hình ảnh của Đào Hoàng Long trong chuyến đi

Ảnh: NVCC

Nguyên Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022