Mới đây, ca sĩ - nhạc sĩ Hamlet Trương và “Cô gái Trung Hoa” Lương Bích Hữu là khách mời trong chương trình của MC Nguyên Khang.
Hamlet Trương có 20 năm theo đuổi âm nhạc. Anh sáng tác khoảng 500 ca khúc về đề tài tình yêu, hầu hết phảng phất nỗi buồn nhưng không bi lụy mà mở ra những hy vọng mới về hạnh phúc. Một số bài hát của Hamlet Trương được khán giả trẻ yêu thích là “Bụi bay vào mắt”, “Điều tự nhiên nhất”, “Ba ơi đừng xa mẹ”, “Nụ cười anh còn mãi”… Bên cạnh dòng nhạc trẻ, nhạc sĩ thử sức với bolero để đa dạng phong cách. Anh viết “Lan và Điệp 4”, “Bậu ơi đừng khóc”…
Lương Bích Hữu là nghệ sĩ cùng thời Hamlet Trương. Cô nổi tiếng những năm 2000 khi là thành viên nhóm nhạc H.A.T, sau đó tách ra hát solo. Thời hoạt động nghệ thuật sôi nổi, tên tuổi Lương Bích Hữu gắn với các sáng tác nhạc Hoa - lời Việt: “Cô gái Trung Hoa”, “Dằm trong tim”, “Quên cách yêu”. Nhắc đến Lương Bích Hữu, khán giả thế hệ 8X – 9X nhớ đến ca sĩ có “baby – voice” nên không khỏi bất ngờ lúc cô bùng nổ ở “Ca sĩ mặt nạ” trong hình tượng Kim Sa Ngư, khoe giọng hát nội lực.
Cùng xuất hiện trong chương trình, Hamlet Trương – Lương Bích Hữu thể hiện những ca khúc theo chủ đề “Hương vị tình thân”. Mở đầu chương trình, họ cùng MC Nguyên Khang ôn kỷ niệm về những bộ phim TVB gắn liền với tuổi thơ, sau đó là trình bày bài hát “Người cùng cảnh ngộ” do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện viết lời Việt trên nền nhạc ost phim hài “Huynh đệ song hành”.
Điểm nhấn của chương trình là tiết mục tái hiện nhạc phim “Thần Điêu đại hiệp” với bản phối hoàn toàn mới. Lương Bích Hữu - Hamlet Trương đã đưa khán giả quay về với ca khúc gắn liền nhiều thế hệ độc giả từ những năm 1995 đến nay.
Đan xen giữa các tiết mục, MC Nguyên Khang đọc thư khán giả. Đó là những dòng thư chứa đầy tâm sự mà họ muốn gửi gắm, bày tỏ cùng chương trình. Lắng nghe câu chuyện về một người con cô đơn, lạc lõng giữa gia đình của ba và người vợ kế, mắt cô long lanh ngấn nước. Cô nhiều lần lấy tay che đi biểu cảm nghẹn ngào nhưng sau cùng vẫn không kìm được mà để nước mắt lăn trên má. Theo Lương Bích Hữu, người con trong câu chuyện đã trải qua nhiều tổn thương trong chính ngôi nhà của mình. Cô nghĩ, đó là một đứa trẻ mạnh mẽ khi vẫn có thể nói ra nỗi lòng của mình dù cuộc sống nhiều va chạm, tâm hồn đầy vết xước.
Hamlet Trường đồng cảm. Anh cho biết từ những chất liệu về gia đình, anh sáng tác nhiều ca khúc mà trong đó nổi bật là “Ba đừng xa mẹ”. Trước đó, anh thể hiện “Nước ngoài” của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh để nói thay nỗi lòng người con tha hương, đơn độc ở xứ người.
Về phía Lương Bích Hữu, MC Nguyên Khang nhận định, cô được yêu thích nhiều hơn khi thể hiện các ca khúc buồn mà một trong số đó là “Chia đôi cơn mơ”.
Nữ ca sĩ bày tỏ, cô là người khó diễn đạt những cảm xúc trong lòng, dù đứng trước một vấn đề rất nhạy cảm, dễ rơi nước mắt. “Những ca khúc buồn như "thay lời muốn nói". Khi tôi nhập tâm vào bài hát, tất cả mọi thứ như vỡ òa ra”, Lương Bích Hữu chia sẻ.
Trong cánh gà, nữ ca sĩ nói với Hamlet Trương rằng dường như vì cô quá nhập tâm mà trở nên nhạy cảm. Nhiều điều trong bài hát mà cô đã vô tình mang nó đến với mình ngay sau khi thể hiện.
Lắng nghe câu chuyện của Lương Bích Hữu, Nguyên Khang cho rằng, những bài hát buồn đã “vận” vào cuộc đời cô. Vì thế, anh khuyên ca sĩ trong tương lai hãy hướng đến những sáng tác vui, có màu sắc tươi sáng để thu về may mắn.
Khi Nguyên Khang đặt câu hỏi về bài hát khiến Lương Bích Hữu xúc động nhất, cô được dịp bộc bạch: “Hiện tại, cách thể hiện âm nhạc của Hữu có sự tách biệt so với ngày xưa. Trước đây, Hữu nghĩ rằng: muốn thể hiện tốt nhất một ca khúc thì phải cảm được nó. Khi đó, Hữu cảm nhận thế nào thì sẽ vỡ òa ra như thế. Còn bây giờ, Hữu đã rõ ràng hơn. Như khi Hữu trải qua những biến cố, sau đó Hữu hát những ca khúc ấy, thì cảm thấy "mình đã vượt qua rồi". Và Hữu ở tâm thế "đã từng" nhưng mình không đặt nặng về nó nữa”./.