Sự khác biệt giữa fan Hàn Quốc và quốc tế

Vụ việc lái xe khi say rượu của Suga, thành viên BTS, làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng lớn giữa phản ứng của người hâm mộ Hàn Quốc và quốc tế, từ đó nhấn mạnh sự khác biệt về văn hóa trong cách nhìn nhận và giải quyết hành vi sai trái của người nổi tiếng.

Vào đêm 6/8, cảnh sát phát hiện Suga đang cố gắng đứng dậy sau khi ngã khỏi xe tay ga điện do say rượu gần nhà riêng ở Hannam-dong, quận Yongsan, trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Anh bị cáo buộc vi phạm Luật Giao thông đường bộ, với nồng độ cồn trong máu là 0,227% - cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

i.jpgHơn một tháng trôi qua nhưng tranh cãi về Suga vẫn chưa hạ nhiệt.

Tin tức này gây phẫn nộ trong cộng đồng người hâm mộ BTS ở Hàn Quốc. Họ bày tỏ sự thất vọng sâu sắc đối với Suga. Một số người chỉ trích anh làm hỏng danh tiếng của nhóm gây dựng bấy lâu nay là hình mẫu không có scandal trong ngành công nghiệp Kpop. Số khác cực đoan hơn khi kêu gọi anh rời khỏi nhóm, thậm chí gửi hoa và xe tải đến trụ sở Hybe để biểu tình.

Một phụ nữ Hàn Quốc ngoài 50 tuổi, tự nhận là thành viên của cộng đồng người hâm mộ BTS (Army), đã chia sẻ với tờ The Korea Times về sự thất vọng đối với Suga sau vụ việc anh lái xe khi say rượu.

"Là một nghệ sĩ đại diện cho Hàn Quốc, tôi hy vọng Suga có kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Đối với người mang vương miện, lựa chọn bạn đưa ra dưới vương miện đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến người khác. Thật đáng thất vọng khi thấy anh ấy không làm được điều đó", fan nữ lớn tuổi nói.

Tuy nhiên, trong khi đa số người hâm mộ Hàn Quốc chỉ trích, fan quốc tế lại lên tiếng bảo vệ rapper sinh năm 1993. Họ lên án sự khắc nghiệt từ cả người hâm mộ và công chúng Hàn Quốc. Họ lập luận Suga, giống như bất kỳ ai khác, là con người và có khả năng mắc lỗi.

Sự chia rẽ trong Army trở nên rõ ràng trong thảo luận gần đây về những tuyên bố trái ngược từ các nhóm người hâm mộ khác nhau.

Ngày 7/9, một nhóm cá nhân tự nhận là Army kêu gọi Suga rời khỏi nhóm. Họ yêu cầu anh chịu trách nhiệm về sự cố mà theo quan điểm của họ là làm hoen ố danh tiếng của nhóm.

Đáp lại, 127 tổ chức fan BTS từ 58 quốc gia đưa ra tuyên bố chung vào 9/9, trong đó bày tỏ sự ủng hộ không lay chuyển của họ đối với tất cả bảy thành viên BTS. Họ nhấn mạnh không mong đợi các thành viên BTS phải chịu nhiều trách nhiệm hơn mức họ được pháp luật yêu cầu.

i1.jpgFan gửi nhiều vòng hoa chứa thông điệp kêu gọi Suga rời khỏi BTS trước cổng trụ sở Hybe.

Người hâm mộ quốc tế cũng bày tỏ sự không hài lòng với cách đưa tin của truyền thông Hàn Quốc về vụ việc.

Jung Min Jae, một nhà phê bình văn hóa Hàn Quốc, tiết lộ bị tấn công bởi những tin nhắn thù địch từ người hâm mộ quốc tế sau khi đưa ra bình luận về Suga trên The Korea Times.

"Tôi nhận được các cuộc gọi quốc tế trước đó và bây giờ họ đang cố gắng thay đổi mật khẩu (tài khoản) của tôi. Bất kể việc một thần tượng được yêu mến trở thành tội phạm chỉ sau một đêm có gây sốc đến mức nào, họ có nghĩ rằng cách làm đó có xóa bỏ được việc Suga lái xe khi say rượu không? Hãy thử xem", Jung viết trên X.

Góc nhìn chuyên gia

Trong bối cảnh chia rẽ này, các chuyên gia phân tích một số yếu tố góp phần tạo nên sự khác biệt về quan điểm giữa người hâm mộ Hàn Quốc và quốc tế.

CedarBough T. Saeji, trợ lý giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Hàn Quốc và Đông Á tại Đại học Quốc gia Pusan (Busan, Hàn Quốc), cho rằng nguyên nhân đến từ những khác biệt trong nhận thức về vị thế của thần tượng.

"Trong khi 'thần tượng' chỉ là một từ ở nhiều quốc gia, ở Hàn Quốc, từ này từ lâu đã có nghĩa là một kiểu người nổi tiếng rất dễ nhận diện, những ngôi sao xứng đáng được thần tượng hóa - họ được kỳ vọng phải hoàn hảo, kể cả ngoài đời. Đồng thời, các phương tiện truyền thông thường sử dụng thần tượng và những câu chuyện xung quanh họ để chứng minh với công chúng cách họ nên và không nên hành động. Điều này có thể xảy ra thông qua các bài viết kích động dư luận về các chủ đề khác nhau", ông Saeji bình luận trong văn bản gửi The Korea Times.

Chuyên gia lưu ý Army quốc tế có khả năng bảo vệ Suga do lo ngại những kỳ vọng khắt khe của người bản địa đối với hành vi của người nổi tiếng. Trường hợp của nam diễn viên quá cố Lee Sun Kyun là ví dụ điển hình.

i2.jpgHiện trường phát hiện Lee Sun Kyun tự tử trong xe ô tô

Ngôi sao Ký sinh trùng, diễn viên hạng A nổi tiếng với hình ảnh người đàn ông gia đình chuẩn mực, được phát hiện tử vong vào tháng 12/2023. Anh tự tử khi đang bị điều tra vì sử dụng ma túy. Bất chấp lời biện hộ vô tội của anh, dư luận Hàn Quốc vẫn không thông cảm.

"Có nhiều Army cảm thấy với tư cách là người hâm mộ, việc bảo vệ BTS là một phần quan trọng trong công việc của họ. Họ có thể lo lắng về những trường hợp trong quá khứ như Lee Sun Kyun. Điều này có thể khiến nhiều Army quốc tế lo lắng có gì đó tồi tệ hơn có thể xảy ra liên quan đến vụ việc này", ông Saeji đánh giá.

Grace Kao, giáo sư xã hội học tại Đại học Yale (Mỹ), có quan điểm tương tự. Theo chuyên gia, cộng đồng Army ở Mỹ lo ngại về những tác động có hại mà phản ứng của Hàn Quốc gây ra đối với sức khỏe và tinh thần của Suga. Họ không xa lạ gì với lịch sử tự tử của những người nổi tiếng có bê bối sau khi bị giới truyền thông và người hâm mộ săn lùng.

Về phía Suga, Army Mỹ tin rằng sai lầm của Suga không quá nghiêm trọng, không có ai bị tổn thương và nam rapper đã xin lỗi. Do đó, anh xứng đáng được đối xử bao dung hơn.

Kao chỉ ra rằng sự chia rẽ của người hâm mộ ít xảy ra hơn trong những trường hợp liên quan đến những hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn, để lại hậu quả rõ ràng hơn.

Mới nhất là trường hợp của Taeil. Nam thần tượng bị công ty quản lý SM Entertainment đuổi khỏi nhóm NCT vào ngày 28/8 vì cáo buộc có hành vi sai trái về tình dục. Scandal của Taeil gây ra sự lên án rộng rãi, làm nổi bật tính nghiêm trọng của tình hình. Không chỉ khán giả Hàn Quốc, ngay cả người hâm mộ quốc tế không bênh vực Taeil.

"Nếu có người khác bị tổn thương, mức độ nghiêm trọng sẽ tăng lên. Người hâm mộ Mỹ khó có thể tha thứ cho những câu chuyện về quấy rối hoặc tấn công tình dục", Kao nhấn mạnh.

i3.jpgTaeil bị cả fan Hàn Quốc và quốc tế quay lưng do bê bối tình dục.

Vai trò của phương tiện truyền thông

Các chuyên gia cho rằng việc đưa tin rộng rãi của giới truyền thông Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa phản ứng trong nước và quốc tế đối với vụ việc của Suga.

"Hàn Quốc đưa tin về vụ việc này nhiều hơn ở Mỹ. Thông thường, tin tức về bất kỳ người nổi tiếng nào lái xe khi say rượu không tồn tại trên các bản tin trong nhiều tuần", Kao chỉ ra.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Hàn Quốc Jung Duk Hyun đồng tình với ý kiến trên, ngoài ra nhấn mạnh về thái độ khác nhau của công chúng đối với hành vi lái xe khi say rượu ở trong và ngoài Hàn Quốc.

"Đối với trường hợp lái xe tay ga khi say rượu, có sự khác biệt đáng kể về mặt cảm xúc trong cách nhìn nhận sự việc ở trong nước và quốc tế. Ở Hàn Quốc, lái xe khi say rượu được coi là một tội nghiêm trọng, gần tương đương với tội giết người có chủ đích. Trong khi ở nước ngoài, không phải lúc nào cũng như vậy.

Vì lái xe khi say rượu được coi là vấn đề nghiêm trọng ở Hàn Quốc, nên phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông có xu hướng tập trung nhiều vào vấn đề này. Phương tiện truyền thông quốc tế lại ít quan tâm đến sự kiện này hơn, nên phạm vi đưa tin không tập trung. Đây là lý do phương tiện truyền thông có thể đóng vai trò trong những phản ứng khác nhau ở cộng đồng người hâm mộ", Jung giải thích.

 i4.jpgSuga bị lên án mạnh mẽ do cách đưa tin của truyền thông và cách nhìn nhận vấn đề của người Hàn Quốc

Những người trong ngành cũng nhấn mạnh trách nhiệm của BigHit Music, công ty quản lý của Suga, và công ty mẹ Hybe Labels trong việc quản lý tình hình và ngăn ngừa những rủi ro tương lai.

Phát biểu với điều kiện giấu tên, một quan chức ngành giải trí nhấn mạnh đến nhu cầu ngăn chặn những sự cố tương tự để bảo vệ danh tiếng của cả BTS và ngành công nghiệp Kpop nói chung.

"Với những tranh cãi gần đây xung quanh Hybe, ngày càng có nhiều hoài nghi về kỹ năng quản lý rủi ro của họ. Tuy nhiên, trong tương lai, điều quan trọng đối với công ty là quản lý nghệ sĩ của mình một cách hiệu quả, đảm bảo họ suy nghĩ về hành động của mình và thực hiện các chiến lược quản lý hậu khủng hoảng mạnh mẽ.

Điều quan trọng đối với Hybe là phải quản lý Suga một cách cẩn thận, đảm bảo anh ấy không sa vào những vấn đề nghiêm trọng hơn như lạm dụng chất gây nghiện hoặc trầm cảm. Công ty cũng cần ngăn chặn những sai lầm tương tự ở các nghệ sĩ Hybe khác như một phần trong nỗ lực thúc đẩy nền văn hóa Kpop lành mạnh", vị quan chức nói.

suga-1.jpg?width=150Nhạc
Công bố hình phạt say rượu lái xe dành cho Suga (BTS)

Theo Tiền Phong

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022