NSND Tường Vi trút hơi thở cuối cùng lúc 14h ngày 11/5 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 86 tuổi. Sinh thời, nữ nghệ sĩ được xem là giọng ca hiếm có của dòng nhạc cách mạng, nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc Cô Gái Vót Chông.
Người hát "Cô gái vót chông" hay nhất
Không phải là người duy nhất thể hiện Cô Gái Vót Chông, song NSND Tường Vi được mệnh danh là giọng ca hát ca khúc này hay nhất. Nghệ sĩ được nhận xét sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) cùng kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo.
Bên cạnh Cô Gái Vót Chông, NSND Tường Vi còn được biết đến với Tiếng Đàn Ta-lư, Bóng Cây Kơ-nia, Suối Lê-Nin, Hoa Pơ Lang… được khán giả đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao.
NSND Tường Vi (1938-2024)
Cách hát staccato - hát nảy âm linh hoạt, vốn là kỹ thuật quen thuộc trong Opera và nhạc cổ điển phương Tây - được Tường Vi thể hiện ấn tượng trong Cô gái vót chông. Giọng ca của bà ngân vang, thánh thót, diễn tả sự vui tươi và được khán giả nhận xét “hay hơn cả tiếng chim hót".
Sáng tạo của nghệ sĩ khi đưa thêm đoạn cadenza (độc tấu, phô diễn kỹ thuật và kỹ năng chơi nhạc ngẫu hững) bằng kỹ thuật staccato giả tiếng chim hót được xem là khuôn mẫu cho những người thể hiện sau này. Nhiều ca sĩ khi thể hiện Cô gái vót chông cũng đều hướng đến cách thể hiện của NSND Tường Vi.
“Bài này vẫn chưa ai thể hiện qua được NSND Tường Vi, nhất là đoạn staccato và thực hiện loạt kỹ thuật hoa mỹ trên headvoice” - khán giả nhận xét.
Đến khi đã có tuổi, NSND Tường Vi vẫn xuất sắc khi hát ca khúc này. Khán giả nghe lại giọng bà vẫn thấy sự trong vắt ở từng nhịp điệu, ví von như mở máy thu thanh thời Liên Xô.
Người nghệ sĩ có trái tim nhân hậu
Sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật năm 1938, NSND Tường Vi nhập ngũ rồi trở thành y tá của viện Quân y 108 (Hà Nội). Giọng ca của nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20 bắt đầu nghiệp ca hát khi chuyển sang đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị năm 1956.
NSND Tường Vi gây dựng nên các trung tâm nghệ thuật tình thương, vươn mầm tài năng cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Quá trình đào tạo thanh nhạc bài bản của bà tại Nhạc viện Hà Nội trong những năm 1962-1967. Bên cạnh đó, bà cũng được cử đi du học bốn năm tại nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Nghỉ hưu ở tuổi 55, NSND Tường Vi dành tình thương và tâm huyết giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh của trẻ em mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm Nghệ thuật Tình thương (NTTT) Hà Nội ra đời, bà gieo mầm nghệ thuật cho nhiều trẻ nhỏ thiệt thòi.
Ngày đó, những trẻ em ở lớp học tình thương của NSND Tường Vi tại Hà Nội được gieo vào trái tim tình yêu với âm nhạc. Ở lớp học, những đứa trẻ đều gọi Tường Vi là “mẹ”, được bà khen ngợi và cổ vũ, không phân biệt giàu nghèo.
Sau này, nữ nghệ sĩ tiếp tục mở ra hai trung tâm nữa ở Đà Nẵng và Quảng Nam, dành tiền lương hưu xây dựng những ngôi nhà nghệ thuật tình thương lớn hơn.
Những trẻ em tại trung tâm được đi biểu diễn, đỗ trường nghệ thuật trong nước, tiêu biểu có nhạc sĩ, diễn giả Hà Chương - từng là học viên tại đây, đỗ thủ khoa Khoa đàn bầu Nhạc viện Hà Nội.
"NSND Tường Vy là người mẹ thứ hai của tôi"
Được NSND Tường Vi nâng đỡ, dìu dắt trên con đường nghệ thuật, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương khắc cốt ghi tâm, coi bà là người mẹ thứ hai, người thầy vĩ đại. Anh cảm ơn
“Tuy không sinh ra con nhưng với con mẹ không khác gì mẹ ruột. Cảm ơn mẹ đã khai sinh ra nghệ danh Hà Chương của con. Cho đến thời điểm này con vẫn chưa thực sự tin là mẹ đã đi xa. Bao nhiêu kỷ niệm giữa mẹ và con lại ùa về trong con rõ mồn một tưởng chừng như mới ngày hôm qua…” - Hà Chương chia sẻ.
Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương (áo trắng) coi NSND Tường Vi là người mẹ thứ hai, người thầy vĩ đại của cuộc đời anh.
Ca sĩ Ngọc Anh 3A - con dâu cũ của NSND Tường Vi - vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp và dành cho bà tình cảm đặc biệt.
“Con tạm biệt mẹ thân yêu, cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội Trung Ben Tran, chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé” - cô viết.
Theo cáo phó, lễ viếng NSND Tường Vi diễn ra vào 7h ngày 14/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, số 3 Nguyễn Phi Khanh, TP Đà Nẵng. Lễ truy điệu lúc 12h cùng ngày, linh cữu cố nghệ sĩ được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5.
Theo Tiền Phong