Tối 15/11 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra đêm nhạc duy nhất của nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân mang tên "Cello Fundamento Concert 6 - Oceana".

Với chủ đề "Oceana" (tiếng Latin nghĩa là Đại dương), "Cello Fundamento 6" là chuyến viễn du đến những vùng trời mới bằng bản lĩnh, tài năng và tham vọng của một người nghệ sĩ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân.

Chuyến ra khơi trên con thuyền âm nhạc tinh tế ấy đã mang đến một trải nghiệm không thể nào quên với các khán giả yêu mến âm nhạc cổ điển Thủ đô. 

hhkd5963-1668567635061.jpg

Một trong những điểm nhấn của buổi hòa nhạc là sự xuất hiện đặc biệt của Dàn nhạc giao hưởng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra đến từ Romania (Ảnh: Ban Tổ chức).

Sự kiện được nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân tổ chức nhân dịp kỷ niệm 72 năm mối quan hệ ngoại giao hai nước Romania - Việt Nam, nhận được sự đồng hành của Đại sứ quán Romania tại Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn của buổi hòa nhạc là sự xuất hiện đặc biệt của Dàn nhạc giao hưởng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra đến từ Romania - một trong những dàn nhạc giao hưởng tốt nhất Châu Âu. 

Diễn ra trong hơn 2 giờ đồng hồ, "Cello Fundamento Concert 6 - Oceana "đã mang đến một cảm xúc rất đặc biệt cho khán giả với những tác phẩm đều mang tính chuyên môn và tính nghệ thuật cao nhưng đồng thời cũng rất dễ tiếp nhận ở mọi độ tuổi, ngay cả những người không chuyên về âm nhạc cổ điển.

Mở đầu chương trình là những tác phẩm kinh điển, với những giai điệu quen thuộc của Khúc dạo đầu, Bóng ma trong nhà hát, Sóng Danube, các bản nhạc phim Bản danh sách của Schinder, hay Rạp chiếu bóng Paradiso đã mang đến cho khán giả một đêm nhạc thăng hoa và đầy cảm xúc.

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân biểu diễn cùng dàn nhạc (Ảnh: Ban Tổ chức).

Màn trình diễn thăng hoa của Đinh Hoài Xuân trong "Cello Fundamento Concert 6 - Oceana" (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Khúc dạo đầu, Chủ đề và Biến tấu cho Clarinet và Dàn nhạc" của Rossini gồm 4 biến tấu. Xuyên suốt tác phẩm, chủ đề được thêu dệt đầy tinh tế, nhiều màu sắc. Biến tấu thứ hai, ba nhanh hơn chủ đề chính, và người nghe chỉ cảm nhận được giai điệu đi nhanh hơn do sự thay đổi về nhịp.

Các biến tấu nhanh đòi hỏi ở nghệ sĩ clarinet một kỹ thuật thực sự điêu luyện. Biến tấu thứ tư chuyển sang giọng thứ cùng tên mang lại cho người nghe cảm giác chậm rãi, khơi gợi lại chủ đề của tác phẩm.

The Phantom of the Opera (tạm dịch: Bóng ma trong nhà hát) là một vở nhạc kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Gaston Leroux, nội dung của vở nhạc kịch kể về chuyện tình tay ba giữa Phantom, Christine Daaé (ca sĩ) và Raoul (một chàng trai quý tộc). Phantom có một giọng hát tuyệt vời và truyền dạy cho Christine, cô ca sĩ trẻ chuyên diễn vai phụ. Câu chuyện trở nên kịch tính khi Phantom ngày một yêu Christine và muốn chiếm đoạt cô.

Trong số các bài hát của vở nhạc kịch, The phantom of the opera là nổi tiếng nhất, được nhiều ca sĩ thu âm dưới dạng đĩa đơn, được chuyển soạn cho các nhạc cụ độc, dàn nhạc giao hưởng.

"The Phantom of the Opera"; sáng tác: Andrew Lloyd Webber; Chuyển soạn cho Cello và dàn nhạc: Mladen Spasinovici; Trình diễn: Nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân và dàn nhạc giao hưởng Bucharest; Nhạc trưởng: Ciprian Marinescu (Video: Ban Tổ chức).

Cinema Paradiso (tạm dịch: Rạp chiếu bóng thiên đường) là một bộ phim chính kịch được sản xuất bởi sự hợp tác giữa hai nền điện ảnh Pháp - Ý ra mắt năm 1988. Âm nhạc chủ đề của phim được viết bởi Ennio & Andrea Morricone - hai cha con nhà soạn nhạc người Ý chuyên viết nhạc phim và truyền hình. Âm nhạc chủ đề của bộ phim xuất hiện trong cảnh cuối cùng đưa người xem đến với những hoài niệm của hai nhân vật chính Salvatore và Alfredo, tình bạn vong niên của hai người cũng như tình yêu và vẻ đẹp chân chính của nghệ thuật...

Phần 2 của chương trình "Cello Fundamento Concert 6 - Oceana", như quen thuộc là một màn trình diễn các ca khúc dân ca Việt Nam đã được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng như Còn duyên, Bắc kim thang, Đi cấy và Bèo dạt mây trôi.

"Bèo dạt mây trôi - Đi cấy" Chuyển soạn: Trần Mạnh Hùng Nhạc trưởng: Ciprian Marinescu Trình diễn: ca sĩ Tân Nhàn, các nghệ sĩ độc tấu, dàn nhạc giao hưởng Bucharest Symphony Orchestra, và dàn hợp xướng Học viện âm nhạc quốc gia Việt (Video: Ban Tổ chức).

Tác phẩm Còn duyên Bắc kim thang được viết cho 2 cello và dàn nhạc giao hưởng theo đơn đặt hàng của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân. Lấy chất liệu từ các tác phẩm dân gian Việt Nam, "Còn duyên" - dân ca Quan họ Bắc Ninh và "Bắc Kim Thang" - dân ca Nam Bộ, tác giả người Romania - Mladen Spasinovici sử dụng các kỹ thuật trong âm nhạc cổ điển phương Tây kết hợp với giai điệu âm nhạc truyền thống tạo ra một tác phẩm vừa hàn lâm nhưng cũng rất quen thuộc.

Phần biểu diễn của Tân Nhàn trong những làn điệu dân gian Bèo dạt mây trôi - Đi cấy, chinh phục hoàn toàn người xem khép lại đêm hòa nhạc với nhiều dư âm và cảm xúc.

Đây là cách nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân và Cello Fundamento tôn vinh âm nhạc Việt Nam truyền thống.

Đinh Hoài Xuân là thủ khoa violoncello Học viện Âm nhạc Huế năm 2005. Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam 2012, giành được học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Romania cho chuyên ngành biểu diễn cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, Romania.

Đinh Hoài Xuân đã ra mắt nhiều MV và album Khúc phiêu du một đời. Trong đó bộ phim ca nhạc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) - sản phẩm ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô đã tạo dấu ấn mạnh mẽ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022