Không còn quá nhiều biên giới và rào cản trong âm nhạc quốc tế, đó là nhận định của rất nhiều người khi chứng kiến những bài hát, những nghệ sĩ làm mưa làm gió trên phạm vi toàn cầu. Đầu tiên là Latin, sau đó là Kpop, lần lượt những "Despacito", những BTS…, những sản phẩm không đến từ US – UK đều buộc cả thế giới phải bỏ công tìm kiếm. Sự phát triển của mạng xã hội cũng như những nền tảng chia sẻ video toàn cầu như Youtube cũng khiến cho cơ hội nổi tiếng trong một thời gian ngắn đến với bất kì ai. Tuy nhiên, không có biên giới không có nghĩa là ai cũng có thể dễ dàng chạm đến cột mốc nổi tiếng toàn cầu.
"Mỹ tiến" nghe như một câu chuyện hài hước và viễn vông đối với làng nhạc Việt, nhưng nếu nghiêm túc bàn về câu chuyện "Mỹ tiến", Sơn Tùng M-TP hẳn nhiên là ứng cử viên sáng giá nhất. Bản thân Sơn Tùng M-TP cũng đã có sự chuẩn bị cho việc chinh phục thị trường thế giới bằng loạt thay đổi trong những sản phẩm âm nhạc gần đây. Những khó khăn nào đang chờ đợi Sơn Tùng M-TP một khi đã sẵn sàng "dong buồm ra biển lớn?"
Âm nhạc thế giới ngày nay đã không còn biên giới. Ảnh: BTS tại tour thế giới năm 2018
Nền âm nhạc chưa đủ sức "hậu thuẫn" nghệ sĩ
Kpop, nền giải trí với doanh thu khổng lồ và đã phát triển gần 20 năm tại Hàn Quốc từng có một thời gian dài lận đận khi ôm vào mình giấc mơ Mỹ. Phải đến năm 2018, khi mà BTS nổi lên như một hiện tượng sau giải thưởng tại Billboard Music Award thì Kpop mới được biết đến nhiều hơn. Tuy BTS đã đi vòng quanh trái đất với những concert đón tới 60 ngàn khán giả 1 đêm, còn BLACKPINK lại tung hoành tại lễ hội âm nhạc Coachella, nhưng phần đông những nhóm nhạc Kpop nhắm đến thị trường Âu Mỹ đều chưa gây được tiếng vang tại thị trường này.
Đối với nền giải trí bài bản bậc nhất châu Á mà câu chuyện Mỹ tiến đã là khó khăn thì tại Việt Nam, đây là điều không tưởng. Khác biệt ngôn ngữ chỉ là một phần lí do, vấn đề lớn nhất là chúng ta không có một nền công nghiệp thu âm đúng nghĩa. Ý thức về bản quyền của khán giả cũng không tồn tại, khán giả tận hưởng việc nghe "chùa", xem "chùa" một cách công khai dẫn đến sức mua thực tế kém. Một nền âm nhạc sơ khai như Vpop khó có thể gửi lại dấu chân tại lãnh địa âm nhạc lớn nhất toàn cầu, dù "chiến binh" là ngôi sao sáng nhất như Sơn Tùng M-TP.
Rất khó để nói câu chuyện Mỹ tiến, dù nhân vật chính là Sơn Tùng M-TP
Không cần nói xa xôi tận US – UK, thậm chí là ngay tại châu Á, Vpop cũng chưa hề tạo ra dấu ấn. Không cần đem so sánh với những nền âm nhạc lớn trong châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, chỉ cần đem so sánh với quốc gia láng giềng là Thái Lan thì đã có thể thấy được sự chênh lệch giữa chất lượng của hai nền âm nhạc, dẫu Việt Nam và Thái Lan đều có điểm chung là những quốc gia sử dụng ngôn ngữ không thông dụng trên toàn cầu.
Không phải là một nền âm nhạc có bài bản và gu âm nhạc của khán giả cũng không đa dạng, bản thân nghệ sĩ Việt khó bứt khỏi vòng an toàn của Vpop để tìm đến những xu hướng âm nhạc mới của thế giới. Kể cả khi EDM thịnh hành, khi nhạc reggae phổ biến từ Âu sang Á, khi chất Latin được tận dụng triệt để vào các sản phẩm âm nhạc… thì Vpop vẫn quanh đi quẩn lại với những bản ballad lụi tim. Nói một cách thẳng thắn, Vpop không hiếm những cái tên có sức ảnh hưởng lớn đến khán giả Việt, thế nhưng nghệ sĩ Việt vẫn thường khó tìm ra được tiếng nói chung với đồng nghiệp quốc tế vì khác biệt trong phong cách âm nhạc của hai bên là quá nhiều.
Đàn anh kì cựu của Kpop là Super Junior cũng chịu khó mang phong cách Latin vào những sản phẩm gần đây
Đơn thương độc mã gây dựng tên tuổi tại một thị trường mới lạ là điều hết sức khó khăn. Dù là hành trình của những nhóm nhạc Kpop tiến vào thị trường Nhật Bản, hay để nhạc Latin ăn sâu vào đời sống âm nhạc Âu Mỹ cũng đòi hỏi một quá trình dài với sự chung sức của nhiều người. Sơn Tùng M-TP là cái tên duy nhất của Vpop lúc này có đủ điều kiện bước đi ra thế giới và nền âm nhạc sản sinh ra nam ca sĩ đang bị tụt lại đằng sau, đây hẳn nhiên là một thiệt thòi rất lớn.
"Gia tài" âm nhạc của Sơn Tùng M-TP liệu đã đủ?
Bắt đầu hoạt động trong làng nhạc Việt kể từ năm 2012, Sơn Tùng M-TP đã có trong tay một số lượng không nhỏ những bản hit nằm ở tầm "quốc dân". Nhắc đến "Em của ngày hôm qua" hay "Lạc trôi", không chỉ người hâm mộ mà đến khán giả bình thường cũng có thể hát theo không nhiều thì ít. Bên cạnh đó, Sơn Tùng M-TP ghi điểm không chỉ ở việc là một "cỗ máy tạo hit" mà còn ở việc nam ca sĩ là người hiếm hoi có thể thành công trong việc sử dụng thể loại EDM/Trap, hip hop trong âm nhạc của mình. Trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ Vpop thành ít bại nhiều với EDM mà thường quẩn quanh trong ballad, âm nhạc của Sơn Tùng M-TP được xem như độc nhất vô nhị tại thị trường Việt Nam.
Tuy rằng là "của hiếm" trong làng nhạc Việt, nhưng phong cách và thể loại mà Sơn Tùng M-TP theo đuổi lại không mấy xa lạ với làng nhạc thế giới. Ca khúc "Chạy ngay đi" bị đánh giá là khó nghe, không hợp gu khán giả Việt thực chất đi theo thể loại trap hip hop thịnh hành ở cả phương Tây và Kpop. Những bản hit khủng của Sơn Tùng M-TP khi đặt vào mẫu số chung là trap hip hop hay Latin thì cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn ca khúc nên rất khó để nổi bật lên. Nam ca sĩ cũng không thể cứ mãi đứng trên vai người khổng lồ để đưa tên tuổi lan xa như là kết hợp với Snoop Dogg trong ca khúc "Hãy trao cho anh", nên việc định hình được phong cách, cá tính âm nhạc riêng biệt trong một thị trường rộng lớn và nhiều màu sắc hơn là một thách thức lớn.
Tần suất ra nhạc rời rạc của Sơn Tùng M-TP cũng là một hạn chế. Nhìn vào hai nhóm nhạc Kpop nổi tiếng nhất tại Mỹ lúc này là BTS và BLACKPINK, ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc có một gia tài ca khúc thay vì một vài bản hit. BTS ngoài lợi thế là một nhóm nhạc nam (dễ dàng thu hút nhiều fan nữ) thì đã có hàng loạt album cho thấy rõ sự trưởng thành trong âm nhạc, từ đó nhóm có thể mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho những khán giả lần đầu tìm đến với âm nhạc của mình. Sơn Tùng M-TP lại rơi vào trường hợp của BLACKPINK khi chỉ có một số lượng ít ỏi các ca khúc sau nhiều năm hoạt động.
Tần suất ra nhạc "mỗi năm một lần" của Sơn Tùng M-TP từng là một điều báo động
Quảng bá âm nhạc ở Âu Mỹ lại là một vấn đề mà chính các ông lớn châu Á cũng phải cân nhắc khi quyết định đầu tư. Ở trong thời đại của Youtube và Spotify, radio vẫn là một kênh quảng bá âm nhạc rất mạnh tại thị trường Mỹ, điểm phát sóng trên radio là một yếu tố quan trọng để phổ biến ca khúc đến nhiều người nghe. Để một ca khúc được phát trên sóng radio, nếu không có sự "đỡ đầu" của các hãng thu âm lớn thì ca sĩ buộc phải có fandom mạnh tại Mỹ để gửi yêu cầu phát sóng. Sơn Tùng M-TP không có tất cả những điều kiện đó, trong khi đơn thương độc mã tại lãnh địa Âu Mỹ thì đến cả 1 trong 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc là JYP cũng đã từng để thua với nhóm nhạc đình đám Wonder Girls.
Nguy cơ bỏ quên thị trường quê nhà
Bài toán làm sao để cân đối thị hiếu khán giả ở cả quê nhà lẫn khán giả Âu Mỹ cũng là điều nan giải với những nghệ sĩ Mỹ tiến, đặc biệt là nghệ sĩ theo dòng nhạc hip hop như Sơn Tùng M-TP.
Đặc điểm của hip hop là dù thể loại âm nhạc này rất phổ biến nhưng nghệ sĩ hip hop lại khó có thể nổi đình nổi đám theo tiêu chuẩn "nổi tiếng" mà khán giả châu Á mong chờ. Khán giả phổ thông ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng dễ bị xiêu lòng bởi những nghệ sĩ pop hoặc country, nghệ sĩ hip hop châu Á muốn trở nên phổ biến trong đại chúng thường không thể theo hip hop nguyên bản mà ít nhiều đều phải biến tấu để hợp với thị hiếu của người nghe. Ở chiều ngược lại, hip hop vẫn là một trong những dòng nhạc được ưa chuộng nhất tại thị trường Âu Mỹ.
Kris Wu (Ngô Diệc Phàm), cựu thành viên nhóm nhạc EXO và là một ngôi sao hàng đầu tại Trung Quốc cũng đi theo dòng nhạc hip hop nguyên bản, không biến tấu để cho hợp gu với khán giả châu Á. Dù là sao hạng A và có được bài hát solo chen chân hẳn vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100, thành tích âm nhạc của anh vẫn bị cho là mờ nhạt tại quê nhà.
Kris Wu (Ngô Diệc Phàm)
Sơn Tùng M-TP cũng sẽ đối mặt với khó khăn tương tự như Kris Wu khi đặt chân xây dựng tên tuổi tại thị trường quốc tế, thậm chí là khó khăn hơn gấp bội vì không giống như Kris Wu, Sơn Tùng M-TP từ trước tới nay vẫn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong làng nhạc Việt..
Những cố gắng của Sơn Tùng M-TP để sản phẩm âm nhạc trở nên hiện đại hơn, gần với xu hướng chung của thế giới ít nhiều đã khiến khán giả Việt không theo kịp. Lại nói về "Chạy ngay đi", ca khúc được phát hành năm ngoái đã nhận không ít phản ứng tiêu cực và độ lan tỏa của ca khúc này cũng ít hơn hẳn so với "Lạc trôi", "Em của ngày hôm qua" hay thậm chí là bản pop "Nơi này có anh", dù mức đầu tư và chi tiết của "Chạy ngay đi" được chăm chút hơn hẳn những sản phẩm trước kia.
Khán giả Việt Nam xưa nay vẫn có xu hướng thích nghe những ca khúc đơn giản với thể loại ballad là chủ yếu. Sơn Tùng M-TP càng tiến gần với khán giả thế giới thì lại càng đi xa với khán giả quê nhà. Kịch bản "hoàng tử Vpop" tiến ra trời Tây rồi sau đó mất đi vị trí độc tôn tại Vpop còn ở quốc tế vẫn không hề tạo được dấu ấn nào hoàn toàn có thể xảy ra, một lần nữa đặt định kiến "ngựa non háu đá" lên vai Sơn Tùng M-TP.
Tạm kết
Với vị thế của Sơn Tùng M-TP và tình hình Vpop hiện tại, việc nam ca sĩ tiến ra thị trường thế giới chỉ là chuyện ngày một ngày hai. Với hàng loạt những thách thức đặt ra cho người tiên phong, ta không thể mộng mơ thành công ngay lập tức đến với Sơn Tùng M-TP như cách mà nam ca sĩ từng thành công với "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần". Tuy nhiên, Mỹ tiến, Hàn tiến hay đơn giản là bước chân ra khỏi thị trường Việt Nam để ghi lại dấu ấn trên phạm vi rộng hơn là một hành trình hứa hẹn có cả niềm vui và những thách thức không thể tìm thấy nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn Vpop.