Vì sao được gọi là “thần đồng”?

Trần Lê Quang Tiến hiện là học sinh hệ Sơ cấp 3/9 Khoa dây - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Học văn hóa lớp 10/13 Trường quốc tế Anh-Việt (BVIS). Cậu là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân, cháu nội Thượng tướng Trần Văn Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và là em ruột của pianist Trần Lê Bảo Quyên.

Trần Lê Quang Tiến từng được gia đình cho theo học Piano khi lên 5 tuổi nhưng được một thời gian lại chuyển qua học Violon. Tuy nhiên, cũng chưa đầy nửa năm thì cậu lại bỏ âm nhạc, quay qua học vẽ và múa. Đến 9 tuổi, Trần Lê Quang Tiến mới quay trở lại với cây vĩ cầm. Theo NSƯT Bùi Công Duy, thầy giáo dạy trực tiếp của Trần Lê Quang Tiến thì ở độ tuổi của Tiến mới bắt đầu học đàn là quá muộn. Nhưng với tài năng âm nhạc thiên bẩm, cộng với sự động viên rất lớn từ phía gia đình, nhất là sự “khích tướng” đầy khéo léo của chị gái là pianist Trần Lê Bảo Quyên mà cậu đã sớm bộc lộ những khả năng “phi thường”.

3-quangtien1-1486437566853.jpg
Trần Lê Quang Tiến và thầy giáo là nghệ sĩ violon Bùi Công Duy tại cuộc thi Violon quốc tế tại Kazakhstan.

Nhìn vào bảng thành tích đáng nể: giải nhất Cuộc thi Violon quốc tế tại Thái Lan năm 2014, học bổng Toyota năm 2015 và giải nhất Thi Violon quốc tế tại Kazakhstan (International Violin Competition Kazakhstan) năm 2016. Liên tục đạt danh hiệu học sinh Giỏi văn hóa các năm; học sinh Giỏi của Học viện Âm nhạc quốc gia các năm… mới hiểu vì sao người ta đặt cho cậu biệt danh là “thần đồng”.

Cuộc thi Violon quốc tế tại Kazakhstan là cuộc thi uy tín Châu Âu được tổ chức hàng năm tại thành phố Astana - thủ đô của Kazakhstan dành cho lứa tuổi từ 10 đến 28, được chia làm 2 Bảng: Junior (10 đến 17 tuổi) và Senior (17 – 28). Mỗi Bảng thi được phép chọn ra tối đa 6 thí sinh vào chung kết, có 3 giải (Nhất, Nhì, Ba) và 3 Diplom finalist. Cuộc thi đã chọn được 40 thí sinh tham gia cho 2 bảng đến từ các nước như: Ucrain, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Nhật, Tiệp Khắc, Việt Nam, Ý. Và Trần Lê Quang Tiến đến từ Việt Nam đã đoạt giải Nhất bảng Junior

Việc Trần Lê Quang Tiến đạt được giải Nhất cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa riêng trong quá trình học tập của cậu mà kể từ khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997 thì Trần Lê Quang Tiến là người thứ hai đã ghi dấu về thành tích đào tạo tiêu biểu đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại cuộc thi Violin Quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của Châu Âu và quốc tế.

Trong mắt nghệ sỹ violon nổi tiếng Bùi Công Duy, Trần Lê Quang Tiến “không chỉ xuất sắc mà phải nói là quá xuất sắc”. Cũng chính vì lý do này mà cậu đã được Trưởng khoa Dây của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã quyết định cho Tiến nhảy lớp từ Sơ cấp 1 lên Sơ cấp 3 để rút ngắn thời gian học của một tài năng trẻ.

newfacesnewtalents-4-750x400-14864375668
Trần Lê Quang Tiến quay trở lại với violon khi cậu đã 9 tuổi.

“Thật kinh ngạc vì thời gian học Violin của Tiến rất ngắn, (so với những học sinh khác thường bắt đầu từ 5-6 tuổi) nhưng em đã chứng tỏ một năng khiếu thiên bẩm và bản lĩnh biểu diễn đáng khâm phục. Tôi rất tự hào về kết quả học tập của Tiến và sắp tới, Học Viện Âm nhạc sẽ có kế hoạch chuẩn bị và bồi dưỡng để Tiến có thể tham gia những cuộc thi thách thức và lớn hơn như cuộc thi Tchaikovsky vào mùa sắp tới...”, NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm ngoái, Trần Lê Quang Tiến vinh dự được chọn là đại diện duy nhất của khoa Dây biểu diễn trong Gala chào mừng, sau bậc tiền bối có công khai sinh Học viện là NSND Thái Thị Liên.

Từng là cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp

Có một điều rất đặc biệt là dù mới chỉ 14 tuổi nhưng Trần Lê Quang Tiến đã gây ấn tượng với chiều cao 1m78 và một phong thái rất đĩnh đạc. Mỗi lần cầm đàn bước lên sân khấu, cậu đều toát lên phong thái và bản lĩnh của một người nghệ sĩ lớn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, thời còn bé, “thần đồng” Violon này lại là một cậu bé rất nhút nhát, sống khép kín và ngại giao tiếp. Có được một Trần Lê Quang Tiến hôm nay, ngoài nhờ truyền thống “văn” – “võ” của gia đình hai bên còn là sự đồng hành trong từng bước chân của bố mẹ Tiến. Anh Trần Bình và chị Xuân Hà - bố mẹ Trần Lê Quang Tiến luôn theo sát từng bước chân của con trai và luôn tạo mọi cơ hội để cậu được nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt với âm nhạc.

tlqt-1486437821074.jpg
Trần Lê Quang Tiến mang phong thái của một nghệ sĩ lớn khi biểu diễn trên sân khấu Gala chào mừng 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt nam 2016. Ảnh: Yến Thảo.

Ngay khi xác định sẽ gắn bó với cây vĩ cầm, Trần Lê Quang Tiến đã đầu tư nhiều thời gian nghe các đĩa nhạc của các nghệ sỹ solist nổi tiếng được đặt mua về từ nước ngoài và trên Youtube. Niềm đam mê âm nhạc trong cậu cứ tăng dần theo một tinh thần học tập đầy nghiêm túc. Theo mẹ của Trần Lê Quang Tiến, sở dĩ có được những thành công như ngày hôm nay chính là vì Trần Lê Quang Tiến đã đến với âm nhạc bằng một tình yêu mãnh liệt và một thái độ học tập nghiêm túc. Với cậu, một khi đã yêu thích công việc gì thì sẽ dứt hẳn các công việc khác để hoàn thành tốt nhất công việc mình đang làm. Ngoài âm nhạc, Tiến còn có tài vẽ, nấu ăn và làm bánh.

Mặc dù được công chúng ưu ái gọi là “thần đồng” nhưng bản thân gia đình lại cảm thấy sợ khi con mình được nhắc đến với danh hiệu ấy. Chị Xuân Hà cho rằng, con trai chị còn quá bé và sự “tung hô” đó là quá sớm với một đứa trẻ. Bản thân Trần Lê Quang Tiến cũng vẫn là một cậu bé rất hồn nhiên và chưa màng đến những danh hiệu hoặc sự nổi tiếng.

Ở thời điểm hiện tại, Trần Lê Quang Tiến đang tập trung toàn bộ thời gian luyện tập cho cuộc thi Violon Tchaikovsky sẽ diễn ra vào mùa hè 2017. Ngoài ra, vào dịp đầu năm 2017 mới đây, Trần Lê Quang Tiến cùng chị gái, pianist Trần Lê Bảo Quyên (đang theo học Piano ở Đức) đã lựa chọn chơi song tấu bản Salut D'Amour (Elgar Edward) như một món quà dành tặng nhân dịp sinh nhật mẹ và tặng cho những người yêu nhạc nhân dịp Xuân Đinh Dậu.

Hà Tùng Long

Tag :,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022