Nhiều khó khăn với y tế tuyến dưới
Tiến tới tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2018, hầu hết các BV lo lắng khi “bầu sữa” Nhà nước bị cắt. Hiện nay, nguồn thu của BV công bao gồm từ 2 nguồn chính: Chi phí khám chữa bệnh BHYT và Khám chữa bệnh dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nước ta đang hướng tới BHYT toàn dân và các BV công phát triển như một DN bình thường thì hai nguồn thu này sẽ sát nhập thành một, nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với BV công. Để thu hút bệnh nhân, các BV công phải có chính sách cạnh tranh với các BV tư là điều tất yếu để tồn tại.
Quan điểm của Bộ Y tế cho rằng: Thực hiện BV tự chủ sẽ là một trong những khó khăn đối với khu vực miền núi và y tế tuyến huyện do khả năng đóng viện phí của người dân khu vực này rất hạn chế, phần lớn các BV yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh. BV tuyến dưới sẽ không đảm bảo chi thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên BV công sẽ không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. Do vậy, BV muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu không, người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng, coi như BV tự chết!
Phần lớn các bệnh viện công nhận thấy nhiều khó khăn khi bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính.Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia y tế, các BV công tự chủ tài chính như một doanh nghiệp chỉ phù hợp với những BV chuyên sâu; còn các BV điều trị bệnh đại trà sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này, nhất là tài chính.
Cần có cơ chế riêng
Nói về tự chủ tài chính, đại diện BV đa khoa huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay: Tới năm 2018, BV công phải tự chủ về tài chính. Do vậy, chúng tôi rất lo lắng. Ngay cả khâu tuyển dụng nhân sự, chúng tôi rất thận trọng, không thể tuyển ồ ạt vì sợ không cân đối được thu chi.
Tại BV Nhi Trung ương, đối tượng khám chữa là trẻ em dưới 6 tuổi chiếm một phần lớn. Trong khi đó, trẻ em dưới 6 tuổi đang được áp dụng quy định khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, hưởng ứng việc tiến tới tự chủ hoàn toàn, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho hay: Trước sau gì thì các BV công lập phải tiến tới tự chủ chứ không thể bú mãi “bầu sữa” của Nhà nước.
Song, ông Hải cũng thừa nhận việc tự chủ sẽ gây nhiều khó khăn cho BV. BV sẽ phải tự chủ ở con người, trang thiết bị máy móc, hạ tầng cơ sở, các dự án đầu tư và quan trọng nhất là phải có đơn vị BHXH ký hợp đồng với BV.
Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, BV Nhi Trung ương là cơ sở cao nhất về chuyên khoa Nhi áp dụng các thiết bị khám chữa bệnh tiên tiến, chi phí lớn nên không được BHXH thanh toán chi phí do các dịch vụ nằm ngoài danh mục dịch vụ được BHXH chi trả. Đây là khó khăn lớn nhất của BV. Muốn cứu được bệnh nhân bệnh nặng, bệnh nhân khó cần đầu tư kỹ thuật lớn, nhân lực chất lượng cao mà BHXH không chi trả 100% thì rất khó khăn cho phía BV khi làm tự chủ. Đối với những bệnh thông thường, nhẹ, dần dần bệnh nhân sẽ không dồn về các BV Trung ương nữa mà sẽ chữa trị tại các BV tuyến dưới.
Cũng theo ông Hải: Trên lộ trình tiến tới tự chủ, , BV Nhi Trung ương đang chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực Bác sỹ và Điều dưỡng chất lượng cao, cử đi nước ngoài đào tạo nâng cao kỹ thuật, nghiệp vụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đối với những trường hợp khác, BV sẽ xin cơ chế áp dụng. Chẳng hạn như những hộ gia đình bệnh nhân có khả năng chi trả, nhẽ ra họ sẽ đi Singapore, Nhật, Thái Lan, sang nước ngoài đến khám chữa bệnh… chữa trị thì cho phép BV Nhi Trung ương có cơ chế xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, trang bị máy móc thiết bị công nghệ cao để thu hút đối tượng này chữa bệnh tại BV Nhi Trung ương thay vì đi nước ngoài. Nếu không cho phát triển dịch vụ chất lượng cao thì cũng rất khó khăn cho BV.
Tự chủ tài chính là một quá trình chuyển đổi mang tính chất đột phá nhưng hoàn toàn tất yếu, đòi hỏi các bệnh viện công phải tự chuyển mình để thu hút người bệnh. Đó cũng là phương châm sống còn, tồn tại và phát triển của các BV trong cuộc cạnh tranh của chính các BV công và các BV tư.
Phương Linh