Ông vốn là TS về Tây y, nhưng lại có vài chục năm nghiên cứu về cổ học phương Đông, về lịch toán và thuật số cổ. Từ chỗ nghiên cứu về âm dương, ông đã vận dụng nhuần nhuyễn vào đông y để chữa bệnh hiệu quả. KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với ông trong ngôi nhà nhỏ tại Mỹ Đình, Hà Nội. Con người là vũ trụ thu nhỏ
Thưa giáo sư, ở cái tuổi 83, chắc thời gian của ông chỉ dành cho việc nghỉ ngơi?
Ấy, các cô đừng nghĩ thế. Còn sống, còn thời gian là tôi còn viết sách. Cuốn Học thuyết Âm Dương và Phương dược cổ truyền của tôi được Nhà Xuất bản VHTT tái bản tháng 3/2009. Rất nhiều bạn đọc xong đã viết thư về hỏi tôi nhiều điều.
Tôi chữa bệnh không phải vì lợi nhuận.Trong cuốn sách này, tôi đã vận dụng lý thuyết của người xưa để chữa bệnh. Đó là lý thuyết cơ sở của triết học cổ: mô hình “Âm dương - Ngũ hành” và “Bát Quái”. Từ mô hình này, người xưa đã áp dụng vào y học.
Nghe có vẻ rất trừu tượng, tôi băn khoăn việc chữa bệnh như vậy có căn cứ khoa học không?
Xuất phát từ nhận thức rằng, con người cũng như sinh giới nói chung đều do những chất liệu từ vũ trụ mà ra. Các danh y cổ đại đã đề xuất lý thuyết “nhân thân tiểu thiên địa” - con người là vũ trụ nhỏ. Từ quan điểm đó, người xưa cho rằng, những định luật chi phối vũ trụ cũng chi phối con người. Đó là cơ sở của việc áp dụng lý thuyết “âm dương ngũ hành” vào y học.
Trong con người, ngoài là dương, trong là âm. Đối với thân thể sau lưng là dương, trước bụng là âm, với phủ tạng: tạng là âm, phủ là dương...
Sức khoẻ của con người là sự cân bằng âm dương. Dương khí thịnh thì phát sinh nhiệt chứng, âm khí thịnh thì phát sinh hàn chứng; Âm cực sinh nhiệt, nhiệt thịnh sinh hàn, đó là quy luật biến hóa của âm dương. Nắm được quy luật này kết hợp kiến thức Tây y và Đông y sẽ đưa ra được phương thuốc tốt cho người bệnh. Chữa bệnh không phải vì lợi nhuận
Người Trung Quốc có vẻ cũng rất giỏi vận dụng “âm dương ngũ hành” vào chữa bệnh. Cách chữa bệnh của ông khác với họ ở điểm gì?
Vì Bắc Kinh và Hà Nội cách xa nhau gần 3.000 cây số nên ngày trăng tròn, trăng khuyết khác nhau. Trong khi đó trăng tròn hay khuyết sẽ ảnh hưởng đến con nước. Mà con nước lên hay xuống đều có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Ảnh hưởng đến vòng kinh của phụ nữ.
Thậm chí ảnh hưởng cả đến một số bệnh mạn tính như hen suyễn, phong thấp, dị ứng... Do vậy mà cách chữa bệnh theo Đông y thì Trung Quốc và Việt Nam đều có chung lý luận cơ bản nhưng bài thuốc có phần gia giảm khác nhau, hợp với dược liệu từng nước.
Người làm Đông y thường rất hay giấu các bài thuốc, nhất là bài thuốc gia truyền. Với ông thì sao? Ông có giữ các bài thuốc mà ông đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu?
Tôi chữa bệnh không phải vì lợi nhuận. Tôi chữa vì những người quen thân tới nhờ tôi chữa. Trong một bài thuốc Đông y, tôi luôn phối hợp 40 - 50 vị thuốc.
Dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của các danh y của Trung Quốc và của ta để lại, tôi còn khảo sát thêm sách của GS Đỗ Tất Lợi về cây thuốc Việt Nam. Từ đó tôi tạo ra những bài thuốc tổng hợp, có lợi cho việc chữa từng loại bệnh.
Có rất nhiều bệnh liên quan đến các “vi chất” mà các phương pháp xét nghiệm sinh hóa ngày nay cũng chưa đo đạc được. Nhiều người bệnh đến với tôi ở trạng thái suy nhược, mệt mỏi, bất an mà các phương pháp chiếu chụp thực thể, kể cả siêu âm, cộng hưởng từ... cũng không phát hiện được.
Với những bệnh nhân này tôi đã dùng những bài thuốc tổng hợp nhiều dược liệu thảo mộc “bán thực phẩm”, mục đích để bổ sung nguồn vi chất dinh dưỡng cho người bệnh. Do vậy mà tôi không sợ lộ bài thuốc.
Không thể bắt trẻ nhỏ học nhồi nhét mà thành tài.Nhiều người bệnh của ta đang lao vào các phòng khám Đông y Trung Quốc chữa bệnh. Phải chăng do “trình” của các bác sĩ Đông y Trung Quốc hơn chúng ta?
Về đào tạo, bác sĩ Trung Quốc cũng không hơn gì bác sĩ Việt Nam. Chỉ có bác sĩ nào khi ra trường chịu khó nghiên cứu, học hỏi thêm, tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong những năm hành nghề thì mới có trình độ hơn hẳn.
Tôi thấy nhiều thầy thuốc Đông y Trung Quốc cũng như Việt Nam không công khai bài thuốc. Điều đó là không đúng. Tất cả vị thuốc trong bài thuốc được vận dụng khoa học đều phải công khai. Bí quyết nằm ở chỗ gia giảm, sao tẩm thì có thể giữ nghề, không nói ra. Chữa bệnh theo cách “huyền bí” là không đáng tin. Không nên bắt trẻ học nhồi sọ
Cho đến giờ, ít nhiều ông đã khẳng định được danh tiếng của mình. Điều đó không phải ai cũng có thể làm được. Tôi đang muốn hỏi ông xem con đường đi đến thành công đó có gì đặc biệt?
Năm 12 - 13 tuổi, tôi đã xác định con đường học hành. Tôi học ở trường huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Để đến trường phải đi 4 - 5 cây số. Chính thời gian và đoạn đường đi học này đã cho tôi nhiều phát hiện về cây cỏ, về sức mạnh của nó khi chữa bệnh cho con người.
Tôi sinh ra trong gia đình Nho học nhiều đời và làm thuốc ở địa phương. Hồi chưa đi học, cha mẹ tôi nói nhiều câu về thuốc rất hay, ví dụ: “Tốn hữu dư, bổ bất túc”, có nghĩa là lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu...
Thuốc Đông y thường được bốc theo nguyên lý này. Khoảng 14, 15 tuổi, tôi bắt đầu theo gia đình tập sự về y, sau này được đào tạo bài bản về nội khoa ở Đức.
Hiện nay, khoa học đã phát triển như vũ bão, biển học lại mênh mông, làm thế nào để thế hệ trẻ như chúng tôi có được kiến thức như của ông?
Tôi có nhiều cháu nội, ngoại, chúng đều bị nhà trường và gia đình bắt học ngày học đêm, tôi thấy phản khoa học quá. Trẻ con thì phải có tuổi thơ của chúng. Không thể bắt trẻ nhỏ học nhồi nhét mà thành tài. Chúng cần có nhiều khoảng trống để vui chơi và định hình con đường đi sau này. Tôi khuyên các con cháu không nên bắt trẻ học nhồi sọ.
Kiến thức phải được tích lũy dần dần, nhờ ham và hứng thú học mới thành công. Với các phương tiện như hiện nay, không cần bắt trẻ nhồi nhét cũng có thể rút ngắn khoảng cách để mau chóng có được khối lượng kiến thức lớn khi trưởng thành.
Xin cảm ơn giáo sư.