GĐXH - Toà nhà Phòng khám Dinh dưỡng nhi Dr. Nutri số 24 Nguyễn Khang bị Công ty Điện lực quận Cầu Giấy thông báo ngừng cung cấp điện từ ngày 13/6/2024, tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ sở vẫn sáng đèn hoạt động, như không có việc gì xảy ra.
Theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, trên địa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có một số cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC nhưng vẫn hoạt động khiến dư luận bức xúc. Điển hình nhất phải kể đến công trình số 78 đường Nguyễn Khang.
Qua ghi nhận của PV, tại tầng 1 tòa nhà số 78 đường Nguyễn Khang là một địa điểm giao dịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Hằng ngày, có nhiều người dân đến thực hiện giao dịch, dù tòa nhà nơi phòng giao dịch HDBank đã bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC từ lâu.
Sáng ngày 18/6/2024, trong vai một khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch, PV đã đến phòng giao dịch của HDBank tại tầng 1. Thời điểm có mặt tại đây, PV ghi nhận có đông đảo khách hàng đang thực hiện giao dịch.
Khách hàng vẫn tấp nập đến thực hiện giao dịch tại HDBank trong khi cả tòa nhà số 78 Nguyễn Khang vi phạm PCCC và đã bị đình chỉ.
Bên trong phòng giao dịch, ngoài những khách hàng lớn tuổi, trung tuổi còn có nhiều trẻ em chạy đi chạy lại. Tại quầy giao dịch, nhân viên ngân hàng làm việc liên tục không ngừng nghỉ.
Theo bảo vệ cơ sở này cho biết, tòa nhà số 78 Nguyễn Khang hoạt động 9 tầng, HDBank thuê 3 tầng. Từ tầng 4 trở lên có 5 công ty khác thuê lại và đang hoạt động. Các công ty làm việc các lĩnh vực khác nhau, mỗi tầng là 1 đơn vị, toàn bộ đều đi chung thang máy.
Theo ghi nhận của PV, bên góc trái tầng 1 tòa nhà đang được UBND - Công an phường Yên Hòa dán biển thông báo: "Cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Đề nghị không cư trú, sử dụng dịch vụ".
Toà nhà số 78 Nguyễn Khang bị đình chỉ vi phạm PCCC nhưng vẫn mở cửa hoạt động.
Tài liệu PV thu thập được cho thấy, ngày 18/7/2023, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định số 48/QĐĐC-CACG-PCCC về việc đình chỉ tòa nhà số 78 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa do vi phạm PCCC. Phạm vi vi phạm là cả tòa nhà số 78 Nguyễn Khang.
Việc vi phạm PCCC đã rõ, thế nhưng không hiểu sao hiện nay tòa nhà số 78 Nguyễn Khang vẫn còn đang hoạt động, trong đó có cả phòng giao dịch của HDBank. Hằng ngày có rất nhiều người ra vào giao dịch, bất chấp nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân?
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, cơ sở kinh doanh, nhà trọ,... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thảm khốc nhất là vụ cháy nhà trọ trong con ngõ sâu trên đường Trung Kính, quận Cầu Giấy vào rạng sáng 24/5. Vụ cháy khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ và là trụ cột gia đình.
Phía sau tòa nhà số 78 Nguyễn Khang, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy.
Mới đây nhất, chiều tối 16/6, ngôi nhà ở phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai bốc cháy trong mưa lớn. Ngôi nhà gặp hỏa hoạn gắn biển cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích mặt bằng khoảng 120m2, có thang bộ và 1 thang máy. Khi đám cháy được khống chế, các lực lượng phát hiện 4 thi thể.
Sau khi những vụ cháy đau thương liên tiếp xảy ra, cơ quan chức năng Hà Nội đã gửi nhiều văn bản quán triệt, xử lý và tổng kiểm tra các đơn vị liên quan đến PCCC.
Như vậy, việc tòa nhà số 78 Nguyễn Khang đang bị đình chỉ nhưng có một số đơn vị đang thuê vẫn hoạt động liệu có đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe người dân nếu xảy ra cháy. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy cần kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.
Mới đây, ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra vào ngày 12/9/2023 tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết và gần đây là vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/6/2024 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội làm 04 người chết.
Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là:
1- Tại một số địa phương, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch nơi ở cho người lao động khi xây dựng các khu công nghiệp.
2- Tại một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy.
3- Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế.
4- Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn phổ biến, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
5- Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
6- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về phòng cháy chữa cháy đối với một số đối tượng nhà và công trình còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị, Công điện, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy chữa cháy; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Xây dựng thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh để tham mưu, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phù hợp với thực tiễn, hoàn thành trước ngày 15/7/2024.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan áp dụng đúng QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD và Tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế sau khi được công bố.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm 2024; nghiên cứu bổ sung quy định về sử dụng điện (sau công tơ), làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý trong sử dụng điện tại các cơ sở, hộ gia đình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy do đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng công bố, UBND các tỉnh, TP ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hoàn thành trước ngày 30/7/2024.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do UBND tỉnh, TP đã ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các loại hình nêu trên phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Chỉ đạo tổ chức rà soát, thực hiện nghiêm việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện Điều 63a Luật phòng cháy và chữa cháy, hoàn thành trong năm 2024.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn; việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm an toàn theo quy định.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công khai danh sách các cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên trang Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, hoàn thành trước ngày 30/7/2024....
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Cháy lớn tại phố Định Công Hạ, Hà Nội