Đề xuất lấy ngày 20/5 là ngày Hiến tạng quốc gia
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại Lễ phát động.
Theo TTXVN, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ lấy ngày 20/5 hằng năm là ngày Hiến tạng quốc gia, nhằm tôn vinh nghĩa cử cứu người, đồng thời kêu gọi cộng đồng hiến tặng mô, tạng sau khi chết não.
Đây là thông tin được bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại Lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi", diễn ra ngày 30/12, tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, đã 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, tiệm cận thế giới với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp. Trung bình mỗi năm, ngành thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiến đã gây trở ngại trong công tác này. Số lượng tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2024, ngành ghi nhận có 39 người chết não hiến tạng - con số cao nhất từ trước đến nay song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn nhiều người bệnh không có tạng để ghép.
Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ 3
Ảnh minh họa: TL
Theo Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Y tế đang trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con.
Ông Lê Thanh Dũng (Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số, đồng thời xây dựng báo cáo về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong dự thảo Luật Dân số. Trong đó, có chính sách về duy trì mức sinh thay thế nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây.
Ông Dũng cho biết thêm, đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm. Với chính sách duy trì mức sinh thay thế, xây dựng theo hướng: Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - NSND Xuân Bắc đóng "Táo Quân" 2025
NSND Tự Long chia sẻ hình ảnh hậu trường "Táo Quân 2025" có NSND Xuân Bắc.
Theo VTC News, mới đây, NSƯT Chí Trung đã chia sẻ clip luyện tập của NSND Xuân Bắc cho chương trình Táo Quân 2025 cùng chú thích: "Nam Tào xuất hiện". Cùng với đó, NSND Tự Long cũng đăng tải hình ảnh có NSND Xuân Bắc với dòng chia sẻ: "Bạn nhận ra được mấy người thân và mấy người quen".
Động thái này của các nghệ sĩ xác nhận sự góp mặt của Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn tại Táo Quân 2025 năm nay.
Thông tin này khiến người hâm mộ vui mừng bởi trước đó, nhiều người lo lắng NSND Xuân Bắc khó có thể tham gia chương trình vì hiện tại đang đảm nhận vai trò quản lý.
Sự trở lại của dàn nghệ sĩ quen thuộc ở Táo Quân 2025 như NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Quang Thắng, NSND Tự Long, nghệ sĩ Vân Dung, NSƯT Chí Trung sau một năm vắng bóng được khán giả mong chờ. Một số diễn viên trẻ có kinh nghiệm đóng Táo Quân là Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi, Thái Sơn, Anh Đức, Mạnh Dũng... cũng xuất hiện. Táo Quân 2025 do ê-kíp khác thuộc VTV sản xuất, thay vì Trung tâm sản xuất phim truyền hình như mọi năm.
Năm 2024, Táo Quân gây bất ngờ cho khán giả khi có sự thay mới dàn Táo, chỉ có duy nhất Ngọc Hoàng Quốc Khánh vẫn được giữ lại. Việc mạnh tay "thay máu" toàn bộ dàn nghệ sĩ gạo cội thủ vai các Táo như Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long... khiến cho nhiều khán giả tiếc nuối.
Từ ngày 2/1/2025, hành khách đi metro TPHCM cần lưu ý gì?
Người dân xếp hàng chờ đến lượt đi tàu metro TPHCM tại ga Bến Thành (quận 1). Ảnh: Hữu Huy
Theo TPO, đơn vị vận hành metro TPHCM vừa có thông báo về những lưu ý đối với hành khách đi tàu metro số 1 từ ngày 2/1/2025.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành) thông báo, từ ngày 2/1/2025, hành khách đi metro TPHCM phải sử dụng QR code trên app HCMC METRO hoặc thẻ Mastercard để quét khi ra vào cổng soát vé. Riêng với người già, trẻ nhỏ, người không có điện thoại thông minh và thẻ Mastercard sẽ có nhân viên tại nhà ga hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.
Để nhận mã QR đi tàu metro TPHCM miễn phí trong giai đoạn đầu vận hành, ngoài dùng thẻ Mastercard, người dân có thể tải app "HCMC Metro HURC". Sau đó, tại màn hình trang chủ ứng dụng, chọn "Go Metro" để nhận mã QR.
Trong 30 ngày đầu vận hành thương mại tuyến metro số 1, TPHCM miễn phí vé cho tất cả hành khách. Sau thời gian trên, giá vé lượt từ 7.000 - 20.000 đồng/người, tùy theo quãng đường đi.
Ngoài ra, khách đi metro còn có thể mua các loại vé 1 ngày giá 40.000 đồng, vé 3 ngày giá 90.000 đồng và vé tháng 300.000 đồng (khách phổ thông), 150.000 đồng (học sinh, sinh viên).
Từ ngày vận hành chính thức đến nay, người dân đi tàu metro TPHCM được tự do ra vào cổng kiểm soát mà chưa cần dùng thẻ, vé.
Đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền
Người đi bộ phải sang đường đúng nơi quy định. Ảnh: Vietnam+
Ngày 27/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Điều 10 Nghị định này quy định việc xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2. Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Mũ áo mắc vào thành cầu trượt, bé 3 tuổi tím tái, ngừng thở
Bệnh nhi được các bác sĩ theo dõi sát sao. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị tích cực cho một bé 3 tuổi suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim do dây mũ áo vướng vào cầu trượt thắt ngang cổ.
Trong lúc chơi cầu trượt, mũ ở áo của bé 3 tuổi mắc vào thành cầu, dây trong viền mũ rút lại khiến trẻ ngạt thở. 10 phút sau, người lớn mới phát hiện, lúc này trẻ đã tím tái, ngừng thở.
Trẻ được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt nội khí quản. Bé chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi qua ống nội khí quản.
Chia sẻ trên VTC New, BSCKII Nguyễn Tân Hùng (Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sau khi tiếp nhận, các bác sĩ triển khai các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực để cứu trẻ. Tuy nhiên, hiện bệnh nhi tiên lượng nặng, suy hô hấp, suy chức năng đa cơ quan, nguy cơ di chứng thần kinh do thời gian ngừng tuần hoàn ngoại viện kéo dài gây thiếu oxy lên não.
BS Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo, khu vui chơi trẻ em là địa điểm để trẻ em vui chơi và phát triển thể chất. Tuy nhiên cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nếu không được giám sát và thiết kế an toàn. Để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc, việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích là vô cùng cấp thiết đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng.