Bão số 6 có diễn biến rất phức tạp, có thể thay đổi
Vị trí và đường đi của bão số 6.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo diễn biến bão (24 đến 72 giờ tới):
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m; biển động dữ dội.
Từ gần sáng ngày 27/10 vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, ở khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).
Khu vực Hà Tĩnh-Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Cơ quan khí tượng nhận định, diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi.
Tàu hàng cùng 9 thuyền viên bị đứt neo, trôi dạt mắc cạn ở biển Dung Quất
Tàu hàng Tuấn Minh 26 cùng 9 thuyền viên bị hỏng máy, trôi neo và mắc cạn tại bãi đá cạnh nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Theo TPO, ngày 25/10, lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất (thuộc BĐBP Quảng Ngãi) cho biết, đến thời điểm hiện tại tàu và thuyền viên bị mắc cạn ở vùng biển Dung Quất đều an toàn, chưa có thiệt hại gì. Đơn vị đang theo dõi và hỗ trợ lai dắt tàu thoát khỏi vị trí cạn.
Theo thông tin ban đầu, ngày 16/10, tàu Tuấn Minh 26 (thuộc Công ty TNHH vận tải Tuấn Minh) gồm 9 thuyền viên do ông Trần Văn Tuân (SN 1989, trú tỉnh Nam Định – làm thuyền trưởng) di chuyển từ Thanh Hóa đến cảng Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để bốc dỡ hàng đá vôi.
Đến ngày 23/10, sau khi bốc dỡ hàng xong, tàu neo đậu tại vùng biển Dung Quất. Đến khoảng 19h ngày 24/10 tàu bị hỏng máy, trôi neo và mắc cạn tại khu vực bãi đá cạnh nhà máy đóng tàu Dung Quất.
BĐBP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng tại cảng nắm tình hình cụ thể liên quan đến phương tiện Tuấn Minh 26 bị mắc cạn, đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ thuyền trưởng tàu Tuấn Minh 26, hiện tại tàu đang chờ nước lên sẽ sử dụng 2 tàu lai dắt và 1 tàu hút cát để kéo phương tiện ra khỏi khu vực mắc cạn. Trong trường hợp thời tiết xấu, không đủ điều kiện, tàu sẽ làm việc với các cơ quan chức năng tại cảng tính toán phương án cụ thể kéo phương tiện ra khỏi khu vực mắc cạn.
Do ảnh hưởng của bão số 6, khu vực vùng biển Dung Quất có gió cấp 6, giật cấp 7. Hiện BĐBP Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với Cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng tàu Tuấn Minh 26, cập nhật, báo cáo diễn biến tình hình và các biện pháp xử lý.
Hai trường đại học đầu tiên thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025
Đã có 2 trường đại học thông báo cho học sinh nghỉ Tết. Ảnh minh họa: TL
Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, năm nay thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2025 của trường kéo dài 28 ngày, từ 20/1 đến 16/2/2025.
Theo ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TP.HCM), nhà trường xếp lịch nghỉ Tết như trên nhằm giúp sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức làm việc. Ngoài ra, lịch nghỉ Tết kéo dài để giúp mọi người có thể chủ động tránh những ngày cao điểm giáp Tết chi phí đi lại đắt đỏ, quá tải về giao thông, đặc biệt là những người xa quê.
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo kế hoạch nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, khoảng 30.000 sinh viên được nghỉ một ngày dịp Tết dương lịch. Đợt Tết Nguyên đán, người học được nghỉ từ 20/1 đến 11/2/2025, tức 21 tháng Chạp đến 14 tháng Giêng. Cộng với hai ngày nghỉ cuối tuần liền kề trước đó, thời gian nghỉ tổng cộng 25 ngày.
Ngoài ra, trường cho sinh viên học online (môn lý thuyết) trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán một tuần. Như vậy, dịp Tết, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM có thể ở quê gần 40 ngày.
Diễn biến mới nhất vụ người mẹ bạo hành khiến bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong
Bài viết của người cha trên mạng xã hội, tố cáo vợ cũ bạo hành gây ra cái chết của con gái 5 tuổi. Ảnh: Chụp màn hình
Theo VietnamNet, Công an quận 4 (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Thị Kim Giàu (34 tuổi) để điều tra về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".
Giàu là mẹ đẻ của bé H.T.A (5 tuổi) - cô bé tử vong gần nửa tháng trước. Vụ việc gây xôn xao dư luận khi người cha của bé là ông H.T.H có bài viết trên mạng xã hội tố cáo vợ cũ đã hành hạ, gây ra cái chết của con.
Trước đó, sáng ngày 13/10, bà Giàu đến Công an phường 9, quận 4 trình báo việc con gái của mình là cháu H.T.A đã tử vong vài giờ trước, khi gia đình đưa đi cấp cứu.
Theo bà Giàu, khoảng 2h sáng khi đi xuống nhà thì phát hiện bé A nằm im lìm tại bậc chờ cầu thang, gọi nhưng không thấy trả lời. Kiểm tra thấy người con lạnh toát, bà này bế xuống tầng trệt để lay gọi, xoa dầu và nhờ người đưa đi cấp cứu. Bác sĩ tại Bệnh viện quận 4 xác định bé A tử vong trước khi vào viện.
Khi nhận tin báo, công an đã vào cuộc điều tra. Cơ quan chức năng ghi nhận trên thi thể bé A có nhiều thương tích ở vùng trán, mặt, tay, chân, lưng…
Qua đấu tranh, bà Giàu khai nhận thường xuyên chửi bới và dùng tay, chân, vật dụng trong nhà để đánh vào các bộ phận cơ thể của bé.
Công an xác định bà Giàu có hành vi hành hạ con và đây là nguyên nhân chính khiến bé 5 tuổi tử vong. Từ đó, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam người mẹ này để mở rộng điều tra, xử lý.
Thêm 41 tuyến đường tại quận trung tâm TP.HCM triển khai thu phí vỉa hè
Theo lãnh đạo Quận 1 (TPHCM), sau hơn 5 tháng triển khai, trật tự đô thị, hè phố, mỹ quan khu vực trung tâm Thành phố đã được sắp xếp và đi vào ổn định. Ảnh: VOV
Theo VOV, UBND Quận 1, TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa và triển khai 52 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1. Đây là địa phương đầu tiên tổ chức thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.
Quận 1 bắt đầu thí điểm thu phí vỉa hè từ đầu tháng 5/2024 tại 11 tuyến đường gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), đường Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh) và đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh (Phó Chủ tịch UBND Quận 1) cho biết, sau hơn 5 tháng triển khai, trật tự đô thị, hè phố, mỹ quan khu vực trung tâm Thành phố đã được sắp xếp và đi vào ổn định; đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ thông suốt, an toàn và chưa ghi nhận việc xung đột giao thông cũng như ảnh hưởng an toàn giao thông của người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông…
15 học sinh tiểu học ở Quảng Nam nhập viện cấp cứu sau khi ăn sữa chua
Các học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói sau khi ăn sữa chua ở trường. Ảnh: VTC News
Trao đổi với VTC News, ông Đặng Văn Kỳ (Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), xác nhận trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ hàng chục học sinh nhập viện cấp cứu sau khi ăn sữa chua. Sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc).
Theo ông Kỳ, 13h ngày 24/10, sau khi ngủ trưa dậy, gần 300 học sinh của Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình được phát sữa chua và ăn ngay tại khu bán trú của nhà trường. Khoảng 30 phút sau, 15 học sinh (trong đó có 11 em lớp 4) xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi.
Các học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm được đưa tới Trạm Y tế xã Đại Hiệp, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu.
Bác sĩ Lê Công Huýt (Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) cho hay, thời điểm nhập viện, cả 15 học sinh đều có biểu hiện nôn ói và đau bụng. "Sau khi nhập viện điều trị, tình hình của 15 bệnh nhi đã dần ổn định. Dự kiến, trong hôm nay một số em sẽ được xuất viện về nhà. Những trường hợp còn lại, đặc biệt là 2 học sinh bị viêm đường ruột, tiếp tục được theo dõi và dự kiến đầu tuần tới sẽ xuất viện", bác sĩ Huýt nói.
Ngay khi xảy ra vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tiến hành thu thập mẫu sữa chua để xét nghiệm.
"Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến sự việc 15 học sinh có dấu hiệu ngộ độc và phải nhập viện. Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu nhà trường lưu lại toàn bộ mẫu đồ ăn của ngày hôm qua để cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ", Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Đặng Văn Kỳ thông tin thêm.