tin-nop-phat-giao-thong-17319200944012102027145-14-0-514-800-crop-173192019394283794870.jpgTin tối 18/11: Từ 1/1/2025, chưa nộp phạt vi phạm giao thông có được cấp, đổi GPLX? tin mới vụ 'cơm giáo viên chỉ có 2 miếng chả'

GĐXH - Từ 1/1/2025, sẽ không cấp, đổi, cấp lại GPLX đối với người vi phạm giao thông chưa nộp phạt; Trường mầm non Ánh Dương (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có hiệu trưởng mới sau vụ 'cơm giáo viên chỉ có 2 miếng chả'.

Bộ Công an: Xuất hiện tình trạng cán bộ, nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá sử dụng ma túy

Theo Bộ Công an từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh hơn 67.000 vụ, bắt giữ hơn 105.000 đối tượng. Qua đó lực lượng chức năng thu giữ gần 1,6 tấn heroin, hơn 1,7 tấn cần sa, hơn 7,6 tấn và 7 triệu viên ma túy tổng hợp.

Bộ Công an cho biết với kết quả trên cho thấy cơ bản việc đấu tranh chặn nguồn cung ma túy đã được lực lượng chức năng làm tốt. Kiểm soát được nguồn cung ma túy từ bên ngoài lãnh thổ xâm nhập vào nước ta, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Cũng theo Bộ Công an, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tính đến tháng 10-2024 là hơn 228.000 người. Độ tuổi sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa, từ 12 - 30 tuổi chiếm 44,6%; từ 30 tuổi trở lên chiếm 55,4%, tập trung vào nhóm không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định (chiếm 60%)..

Bộ Công an cho rằng với số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy như hiện nay, đặc biệt số ngoài cộng đồng còn cao (hơn 95.600 người), được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy lớn. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn cho kinh tế (khoảng 1.500 tỉ đồng chi cho mua ma túy), tiềm ẩn nguy cơ cao, được coi là nguồn của các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người...

Bên cạnh đó, tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự.

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Đáng chú ý xuất hiện một số vụ cán bộ, công chức nhà nước, văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Tình trạng sử dụng "bóng cười", ma túy "núp bóng", tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... gia tăng phức tạp. Nhất là trong thanh, thiếu niên, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng cơ quan chức năng cần nhìn thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, kéo dài nhiều năm đã được chỉ ra song chưa được giải quyết dứt điểm.

Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quản lý người nghiện, giảm cầu ma túy; Văn phòng Bộ Công an chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, để sau khi Quốc hội thông qua có thể triển khai ngay, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư tổng thể, toàn diện cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và giảm cầu ma túy nói riêng.

Bộ trưởng yêu cầu, lực lượng Công an trên toàn quốc thực hiện tổng cao điểm rà soát các đối tượng nghiện ma túy, trên phương châm xã làm trong sạch xã, huyện làm trong sạch huyện, cấp trên hỗ trợ, phân công, phân cấp địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; cập nhật dữ liệu dân cư theo phương châm "đúng, đủ, sạch, sống", nhằm phục vụ tốt hơn công tác hoạch định chính sách, quản lý người nghiện trong thời gian tới. Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Công an các đơn vị, địa phương triển khai theo hướng mở rộng triệt phá toàn bộ đường dây, không đánh khúc giữa, làm rõ nguồn cung, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chứa chấp, sản xuất, tàng trữ, mua bán, truy tận gốc, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng cắt khúc, bắt gì xử lý đó. Phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND cùng cấp, không để bị can phạm tội về ma túy bỏ trốn trong quá trình điều tra; nghiên cứu kiến nghị thay đổi, chỉnh sửa luật liên quan đến phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng yêu cầu sớm xây dựng thực hiện kế hoạch chiến dịch truyền thông về hiểm họa ma túy. Tập trung tham mưu cấp ủy 43 địa phương chưa có kế hoạch triển khai cai nghiện ma túy tại cộng đồng…

Rút đơn kiện, Thanh Thảo khép lại 13 năm tranh chấp với Thúy Vinh

untitled-10-33871-1731987808685527626704.jpg

Thanh Thảo rút đơn kiện sau 13 năm tranh chấp với Thúy Vinh.

Động thái này được nữ ca sĩ chia sẻ không chỉ nhằm chấm dứt những bất đồng trong quá khứ mà còn để "mở ra một cơ hội mới" cho người từng là làm việc chung.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi Thanh Thảo thành lập công ty Music Box và mời Thúy Vinh hợp tác với 40% cổ phần. Lúc này, Thanh Thảo nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, trong khi Thúy Vinh được giao vị trí Giám đốc và đại diện pháp luật. Việc chia sẻ cổ phần lớn như vậy xuất phát từ mong muốn Thúy Vinh đồng hành lâu dài và có trách nhiệm phát triển công ty thay vì chỉ đơn thuần nhận lương.

Tuy nhiên, trong một lần kiểm tra giấy phép kinh doanh, Thanh Thảo phát hiện mình mất toàn bộ quyền quản lý công ty sau một cuộc họp không có sự tham gia của cô. Đáng chú ý, biên bản cuộc họp bầu Thúy Vinh làm Chủ tịch có chữ ký mà nữ ca sĩ khẳng định không phải của mình. Từ đó, cô chỉ còn là một cổ đông góp vốn đơn thuần, không còn quyền điều hành hay nắm giữ thông tin về hoạt động công ty.

Những bất thường trong quản lý công ty ngày càng rõ nét khi Music Box, thay vì làm việc trực tiếp với các đối tác kinh doanh nhạc số và nhạc chuông, lại ủy quyền cho một đơn vị thứ ba là Music Time mà những người làm trong công ty này Thanh Thảo tìm hiểu có quan hệ cá nhân với Thúy Vinh.

Từ năm 2011, Thanh Thảo hoàn toàn mất liên lạc với mọi hoạt động của công ty, thậm chí không biết công ty còn tồn tại hay đã phá sản. Điều đáng nói là tòa án sau đó thông báo Music Box đang nợ thuế kéo dài suốt 13 năm mà chưa được giải quyết. Theo Thanh Thảo, với tư cách là người đại diện pháp luật của công ty và người nắm giữ con dấu cùng toàn bộ hồ sơ, Thúy Vinh cần phải có trách nhiệm với công ty.

Một ngày, Thanh Thảo đến công ty và phát hiện toàn bộ tài sản như piano, máy lạnh, bàn ghế... đều đã biến mất. Chủ nhà cho biết Thúy Vinh trả hợp đồng thuê và dọn đi từ trước mà không có thông báo.

Quyết định rút đơn kiện của Thanh Thảo đi kèm với điều kiện Thúy Vinh phải hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý trong vòng 30 ngày, bao gồm việc hoàn trả 320 triệu đồng thu được từ việc chuyển nhượng tài sản công ty, hoàn tất nghĩa vụ thuế, phối hợp giải quyết vấn đề về tài sản, nghĩa vụ tài chính, chấm dứt mọi hoạt động của công ty và tiến hành cuộc họp hội đồng thành viên để thực hiện thủ tục giải thể hoặc tuyên bố phá sản.

Thanh Thảo đưa ra các điều kiện:

"Đây là cơ hội cuối cùng tôi dành cho Vinh. Nếu sau 30 ngày kể từ khi thông báo được gửi đi mà Thúy Vinh không thực hiện, tôi sẽ áp dụng biện pháp pháp lý tiếp theo", Thanh Thảo khẳng định.

Mặc dù đã phải chịu nhiều thiệt thòi, Thanh Thảo vẫn mong muốn mọi chuyện có thể kết thúc một cách êm đẹp. Cô cho rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng nhất là biết cách sửa chữa và cư xử tử tế với người khác. Thanh Thảo bày tỏ hy vọng rằng sự việc này sẽ dừng lại tại đây, không tiếp tục trở thành chủ đề gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông.

Thúy Vinh hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về sự việc.

Cuối tháng 7/2024, chia sẻ với báo Dân Trí, Thúy Vinh cho biết: ""Công ty Music Box đã phá sản mười mấy năm về trước. Khi đó, ai là người chịu nhiều tổn thất thì tôi, Thanh Thảo cùng tất cả ca sĩ và nhân viên trong công ty hiểu rõ nhất. Tôi không muốn nhắc lại quá khứ vì cũng chẳng để làm gì. Tôi coi đó là học phí, là bài học về kinh doanh giá trị nhất và đắt giá nhất mà tôi từng trải nghiệm qua".

Cựu vận động viên cho biết vụ tranh chấp đã kéo dài nhiều năm, gây ra sự mệt mỏi cho người trong cuộc lẫn khán giả.

"Nếu lần này Thanh Thảo về Việt Nam và thực tâm muốn dứt điểm vụ tranh chấp, tôi cũng rất mong việc này có thể chấm dứt sau sự hòa giải giữa luật sư đại diện hai bên. Khi sự việc kết thúc, không còn ai phải nhắc đến tên ai, hay lâu lâu lại thấy xuất hiện những ồn ào truyền thông không đáng có. Tôi tin khán giả cũng đã ngán ngẩm với câu chuyện quá cũ này rồi", Thúy Vinh nói.

Giá vàng nhẫn trơn và miếng tăng phi mã, 2 ngày hơn 2 triệu

screenshot-2024-10-03-205537-111626-17319970860332094702229.png

Giá vàng thế giới bất ngờ tăng dựng đứng. Ảnh: HH

Diễn biến giá vàng hôm nay cho thấy vàng nhẫn trong nước được điều chỉnh tăng mạnh.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji nâng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 83,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng thêm 800 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với đầu giờ sáng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng tăng giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ lên mức 81,8-84 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng thêm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng.

Đầu phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 81,5-83,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji nâng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 82,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua, tăng 300 nghìn đồng/lượng so với mức kết hôm qua, trong khi giá bán ra giữ nguyên ở mức 83,7 triệu đồng/lượng.

Hà Nội cải tạo 17km đê sông Bùi, hàng nghìn hộ dân 'rốn lũ' sẽ thoát cảnh di dời

song-bui-ha-noi-49918-17319968998691546189557.jpeg

Hình ảnh nước tràn qua sông Bùi sau bão Yagi vào tháng 9/2024, khiến nhiều thôn, xóm ở Chương Mỹ bị cô lập. Ảnh: Quang Phong

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy, trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đây là những công trình chống ngập lụt cho hàng nghìn hộ dân sống trong 'rốn lũ' của Hà Nội.

Theo quyết định, các đoạn đê qua khu dân cư được nâng cấp, mở rộng mặt đê phù hợp với hiện trạng, kết hợp thực hiện phương án phòng chống lũ, đảm bảo giao thông thuận lợi cho nhân dân.

Cụ thể, để đảm bảo phòng chống lũ, đảm bảo giao thông, thành phố quyết định nâng cấp, cải tạo, sửa chữa gần 17km đê sông Bùi. Trong đó, đoạn đê được xây tường chắn sóng có tổng chiều dài gần 7km; các đoạn đê còn lại được cải tạo, sửa chữa mặt đường đảm bảo bảo công tác phòng chống lũ.

Đoạn đê hữu Đáy được cải tạo, nâng cấp dài hơn 17km (từ xã Lam Điền đến ngã ba Lưu Xá, thuộc xã Hòa Chính), với quy mô mặt đường rộng 5,5m.

Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy có tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 358 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ hoàn thành dự án. Huyện Chương Mỹ được thành phố giao làm chủ đầu tư dự án.

Nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân sống ở ven sông Bùi, thuộc các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ… thường xuyên chịu cảnh ngập lụt về mùa mưa lũ. Từ năm 2017 đến nay, tình trạng ngập lụt càng nghiêm trọng hơn.

Riêng trong mùa mưa năm 2024, vùng 'rốn lũ' của huyện Chương Mỹ hứng chịu 2 đợt ngập lụt khiến hàng vạn người dân phải di dời trong nhiều ngày. Nhiều hộ dân trong vùng ngập lụt chịu cảnh mất trắng tài sản.

Do vậy, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Bùi, hữu Đáy có ý nghĩa quan trọng nhằm ổn định đời sống nhân dân.

UBND huyện Chương Mỹ cho biết, cơ quan này đang tích cực triển khai các bước tiếp theo của dự án để phấn đấu khởi công trong tháng 6/2025.

Hàng nghìn công nhân được đi tàu hỏa miễn phí về quê ăn Tết

cong-doan12-2104-17319876223402067407906.jpg

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức các chuyến tàu công đoàn đưa công nhân về quê ăn Tết. Ảnh: Văn Trực.

Theo TPO, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại làm việc dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hoạt động này nhằm tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại đơn vị, doanh nghiệp làm việc thuận lợi, nhanh chóng, an toàn.

Đối tượng hỗ trợ là các đoàn viên, người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 31/10/2024, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh có quê tại các tỉnh phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra).

Tiêu chí được lựa chọn là những đoàn viên, người lao động chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của đơn vị, doanh nghiệp, địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia các hoạt động do tổ chức Công đoàn tổ chức và nhiều năm chưa về quê đón Tết…

Cụ thể, trong dịp Tết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức "Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025" để đưa khoảng 400 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Thời gian thực hiện từ ngày 24-28/1/2025 (tức ngày 25-29 tháng Chạp). Địa điểm là từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đến sân bay Vinh (Nghệ An) và sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mỗi đoàn viên thuộc đối tượng này được đi kèm không quá 1 người (chồng/vợ, bố, mẹ, con).

Về "Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025", kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ sẽ tổ chức đưa khoảng 2.000 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra) và trở lại đơn vị, doanh nghiệp làm việc sau Tết.

Thời gian thực hiện: đối với chiều từ Nam ra Bắc (trước Tết Nguyên đán) là từ ngày 22-28/1/2025 (tức ngày 23-29 tháng Chạp); chiều từ Bắc vào Nam (sau Tết Nguyên đán) là từ ngày 3-14/2/2025 (tức ngày 4-14 tháng Giêng).

Giải cứu thành công 11 cá thể tê tê cực kỳ quý hiếm

anh-2-3146-1731988275502-17319882761061737404075.jpg

Đội cứu hộ tiếp nhận 11 cá thể Tê tê từ lực lượng chức năng.

11 cá thể Java cực kỳ quý hiếm đã được Công an thành phố Phủ Lý giải cứu từ một ô tô tải trong một vụ vận chuyển trái phép. Các cá thể này sau đó được các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc, đưa về nơi bảo tồn.

Trước đó, tại tổ dân phố Mễ Nội thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Phủ Lý đã phát hiện một xe ô tô tải chở hàng vận chuyển nhiều hàng hóa, trong đó có 4 thùng xốp, được quấn kín bởi băng dính.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 13 cá thể tê tê trong các hộp, mỗi cá thể bị buộc chặt trong một túi lưới. Đặc biệt, trong số cá thể được phát hiện, có một cá thể là Tê tê vàng - loài tê tê cực kỳ nguy cấp và quý hiếm với số lượng tồn tại trong tự nhiên hiện nay còn rất ít. Tổ công tác Công an thành phố Phủ Lý đã lập biên bản và tiến hành điều tra làm rõ.

Ngay khi nhận được thông tin, đội phản ứng nhanh của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương di chuyển ngay đến địa điểm tiếp nhận động vật. Tuy nhiên, trong số 13 cá thể được phát hiện, chỉ có 11 cá thể tê tê còn sống. Hai cá thể còn lại đã không qua khỏi, gồm một cá thể tê tê Java và một cá thể tê tê vàng.

Hầu hết các cá thể động vật được tiếp nhận trong tình trạng căng thẳng, mất nước, gầy ốm, tiêu chảy và đặc biệt có hai cá thể bị thương nặng do những chiếc bẫy.

Hiện tại, toàn bộ động vật còn sống đã được đưa về Chương trình bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại VQG Cúc Phương để đội ngũ cán bộ tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe.

Tê tê được biết đến là loài thú có vú duy nhất trên thế giới có cơ thể được bao phủ lớp vảy cứng, đồng thời là loài thú có vú bị săn bắt và buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Hàng năm có hơn 100.000 cá thể bị săn bắn từ tự nhiên để phục vụ cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp, với hai mục đích chính là sử dụng vảy trong y học cổ truyền và ăn thịt.

Việt Nam ghi nhận sự phân bố của hai loài Tê tê là Tê tê vàng và Tê tê Java. Cả hai loài được xếp vào danh sách Cực kỳ Nguy cấp (Critically Endangered – CR) theo Sách đỏ IUCN, đồng thời thuộc nhóm IB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó Tê tê vàng là loài cực kỳ quý hiếm và rất ít khi được phát hiện ngoài tự nhiên hiện nay.

Bên cạnh đó, cả hai loài tê tê này đều thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia và khai thác từ tự nhiên. Các hành vi buôn bán trái phép tê tê đều sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, hiện nay, các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép vẫn diễn ra vô cùng phức tạp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022