tin-ve-huu-som-1746540569444586981962-0-0-546-874-crop-1746540615310828292946.pngTin sáng 7/5: Nghỉ hưu trước tuổi, 6 lãnh đạo sở ở Đắk Lắk nhận hỗ trợ gần 8,5 tỉ đồng; ca sinh mổ hiếm gặp với tỉ lệ chỉ 1/80.000 ca

GĐXH - 6 lãnh đạo sở ở Đắk Lắk xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 được hỗ trợ tổng cộng gần 8,5 tỉ đồng; Một em bé chào đời vẫn nằm nguyên vẹn trong túi ối, theo các bác sĩ, đây là trường hợp hiếm gặp, với tỉ lệ chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh.

Bắc Bộ đón không khí lạnh, Hà Nội giảm đột ngột 6°C

mua-0605-14-116-1746587396324-1746587396518326248957.jpg

Miền Bắc có thể đón mưa lớn diện rộng từ chiều tối 9/5. Ảnh minh hoạ.

Ngày 7/5, Bắc Bộ phổ biến trời nắng mạnh, cục bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35°C. Ngày 8/5, khu vực này nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất dao động 35-36°C, có nơi trên 37°C. Đây cũng là đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên ở Bắc Bộ trong tháng 5.

Ngày 7-8/5, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên duy trì hình thái thời tiết nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất 35-38°C, có nơi trên 38°C. Độ ẩm không khí thấp, khoảng 50-55% càng làm gia tăng cảm giác oi bức.

Ban ngày nắng nóng nhưng chiều tối và đêm, người dân sinh sống tại Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hoá đến Phú Yên cần đề phòng mưa rào và dông vài nơi. Trong đó, Đông Bắc Bộ, Huế đến Bình Định chiều tối khả năng xuất hiện mưa rào và dông rải rác.

Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch 2-4°C, thậm chí cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng kéo dài đến khoảng 9/5, sau đó dịu dần. Khoảng chiều tối 9-10/5, Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to sau khi đón không khí lạnh cuối mùa cường độ yếu. Tác động của không khí lạnh, ngày 10/5, nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội cũng giảm đột ngột 6°C so với ngày hôm trước, còn 29°C.

Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp diễn trời nắng, có nơi nắng nóng. Chiều tối và tối mưa rào và dông rải rác.

Trong mưa dông khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm ảnh hưởng tới đời sống cũng như cây trồng, vật nuôi, các công trình xây dựng...

Theo cơ quan khí tượng, trong tháng 5, nắng nóng xu hướng gia tăng trên diện rộng tại Bắc Bộ, Trung Bộ; xuất hiện cục bộ tại Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó, miền Đông Nam Bộ nắng nóng tập trung trong khoảng nửa đầu tháng, sau đó giảm dần.

Cũng trong tháng này, không khí lạnh nén rãnh áp thấp ở phía Bắc có thể gây ra các đợt mưa rào và dông ở Bắc Bộ. Gió mùa Tây Nam ở phía Nam khả năng hoạt động từ khoảng giữa tháng 5, gây mưa rào và dông gia tăng ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Thống nhất dạy 2 buổi/ngày miễn phí từ năm học 2025-2026

a1-online-1744212585045370222184-1746581147026172270589-1746589200314-17465892006771015433880.jpg

Tổng Bí thư yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi mỗi ngày miễn phí từ năm học tới.

Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi mỗi ngày tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.

Theo Tổng Bí thư, chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo cho học sinh phát triển toàn diện.

Tổng Bí thư giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi mỗi ngày. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (đối tượng bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới).

Tổng Bí thư cho hay, việc thực hiện chủ trương này cần theo lộ trình, trong quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm việc bớt xén tiêu chuẩn ăn của học sinh.

Trước mắt, việc này sẽ thực hiện tại những xã biên giới đất liền, bắt đầu từ năm học 2025-2026, trên cơ sở kết quả thực hiện sẽ sơ kết để nhân rộng dần ra toàn quốc. Tuy nhiên, Tổng Bí thư khuyến khích các địa phương có thể cân đối kinh phí thì thực hiện ngay chủ trương này trên địa bàn quản lý của mình.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung xây dựng hoàn thiện các trường liên cấp nội trú, bán trú cho các xã biên giới, tạo thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Việc xây dựng trường học phải có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, có nước sinh hoạt, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, có sân chơi, chỗ ở cho giáo viên. Các xã biên giới giáp quốc gia nào cần dạy tiếng nước đó cho học sinh để sau này có điều kiện tăng cường giao lưu nhân dân giữa 2 nước.

Xóa bỏ 'biên chế suốt đời', liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh

ctra-17465860869861448436159-1746587180718-17465871812531688772199.jpg

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Sáng 7/5, thông tin trên SKĐS, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).

Theo bà Trà, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời", trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "Đây là bước thực hiện chủ trương nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm".

Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPL&TP) Hoàng Thanh Tùng, cho biết chủ trương liên thông cán bộ, công chức cấp xã đã được đề cập khi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019. Thời gian qua, một số địa phương cũng đã thực hiện việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện.

Theo UBPL&TP, Nghị quyết 60 của Hội nghị 11 Trung ương XIII, đã thống nhất chủ trương sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, cơ quan thẩm tra nhìn nhận việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết.

Liên quan đến việc đánh giá công chức, ông Tùng cho biết cơ quan thẩm tra tán thành với các quy định về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm để bảo đảm việc đánh giá công chức được thực chất hơn.

"Điều này sẽ góp phần khắc phục một trong những hạn chế phổ biến trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua là tình trạng đánh giá còn hình thức, cảm tính, chưa thực chất", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Có ý kiến cho rằng mục đích đánh giá công chức "để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận" là nội dung mới. Do đó, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm việc gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Quy định mới nhất về tiền lương

Bộ Nội vụ có Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6 tới đây.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 44 ngày 28/2/2025 của Chính phủ.

Theo đó, về quản lý lao động, thang lương, bảng lương, thông tư này hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tổ chức tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44; xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44.

Hằng năm, doanh nghiệp rà soát lại các mức lương của người lao động và ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên chuyên trách trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành.

Trường hợp các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 6 thì được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 44; trường hợp không bảo đảm thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 44.

Theo thông tư, quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp quy định tại Điều 7 Nghị định số 44. Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 44.

Thông tư nêu rõ các quy định về xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định; xác định quỹ tiền lương đối với một số trường hợp, tạm ứng, dự phòng và phân phối tiền lương.

Về việc phân phối tiền lương, tại Điều 19 Nghị định 44 quy định người lao động và ban điều hành được trả lương theo quy chế trả lương do doanh nghiệp ban hành.

Theo đó, tiền lương của người lao động được trả theo vị trí chức danh hoặc công việc, gắn với năng suất lao động và mức đóng góp của từng người vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiền lương của ban điều hành được trả theo chức danh, chức vụ và kết quả sản xuất, kinh doanh, trong đó mức tiền lương của tổng giám đốc, giám đốc (trừ trường hợp tổng giám đốc, giám đốc được thuê làm việc theo hợp đồng lao động) tối đa không vượt quá 10 lần so với mức tiền lương bình quân của người lao động.

Khi xây dựng quy chế trả lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật lao động, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để kiểm tra, giám sát và công khai tại doanh nghiệp trước khi thực hiện.

Nghị định cũng quy định chi tiết mức lương cơ bản của thành viên hội đồng, kiểm soát viên làm việc chuyên trách, trong đó mức lương của chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị có thể lên đến 80 triệu đồng/tháng.

Lòng se điếu hiếm và đắt, dài vài chục mét là điều khó tin

nld-46025954824238366139695-1746606071464-17466060716731749807238.jpg

Ảnh minh họa NLĐO

Món ăn được nhắc tới nhiều nhất ở thời điểm hiện tại, chắc chắn là món Lòng se điếu. Nguyên nhân bắt đầu từ đây khi Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một video ghi lại cảnh chủ quán ăn tại Hà Nội khoe cỗ lòng se điếu dài khoảng 40 mét, nặng gần 6kg, được cho là lấy từ con lợn nái nặng hơn 100kg. Thậm chí các nhân viên của quán được yêu cầu đứng thành một hàng dài để "đo" lòng. Đoạn video đã thu hút sự chú ý và khiến nhiều người hoài nghi về tính xác thực, bởi từ trước tới nay, lòng se điếu vẫn được biết tới là phần nội tạng cực kỳ hiếm ở lợn.

Cũng từ đây, vấn đề về mức độ phổ biến của loại nội tạng này cũng được đặt ra và bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Để trả lời cho câu hỏi: lòng se điếu có thực sự phổ biến giống như những quảng cáo trên mạng hay không?

Theo kinh nghiệm hơn 20 năm có trang trại chăn nuôi và giết mổ chế biến thịt lợn của ông Nguyễn Đình Tường (Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, Quốc Oai, TP Hà Nội) thì lòng se điếu có thể xuất hiện khi con lợn mắc bệnh lý đường ruột như nhiễm trùng, nhiễm các loại ký sinh trùng làm cho niêm mạc ruột bị bào mòn. Khi hồi phục, cơ thể tái tạo lớp niêm mạc dày hơn. Và tỷ lệ con lợn có lòng se điếu khá hiếm, và giá cũng vài triệu một kg. Vì thế theo anh Tường việc gần đây trên mạng xã hội có nơi giới thiệu lòng se điếu dài tới vài chục mét là điều khó tin.

Theo những người chăn nuôi lâu năm như anh Tường, lòng se điếu không dài, thường bắt gặp ở những con lợn nuôi lâu năm, quy mô nông hộ, còn lợn nuôi công nghiệp thì rất ít. Đại diện một cơ sở giết mổ và chế biến thịt lợn lý giải, do lợn nuôi tập trung theo kiểu công nghiệp sẽ được kiểm soát an toàn sinh học tốt hơn, việc lợn bị nhiễm ký sinh trùng sẽ được kiểm soát và hạn chế thấp nhất, nên trong chăn nuôi công nghiệp gần như không có lòng se điếu. Hiện nay, chăn nuôi quy mô trang trại công nghiệp ở nước ta đã chiếm từ 60 - 70%.

Vì lòng se điếu hiếm nên tại một số cửa hàng như thế này, trong 2 năm liền anh Đoàn Văn Chính là bếp trưởng ở Cửa hàng Lòng heo ăn chay, Định Công, Hà Nội cũng chưa bao giờ được thấy và chế biến một bộ lòng se điếu. Nguồn hàng của cửa hàng anh nhập hàng ngày trực tiếp từ công ty giết mổ, có truy suất nguồn gốc.

Lòng se điếu là một đoạn ruột non của lợn, có thành ruột dày và nhiều nếp gấp niêm mạc ruột so với lòng ruột non bình thường. Các chuyên gia khuyến cáo chọn mua nội tạng động vật tại những cơ sở uy tín, truy xuất được nguồn gốc. Khi chọn mua, nên ưu tiên những đoạn ruột tròn phẳng, bề mặt nhẵn, không có mùi lạ để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Nhặt được ví có gần nửa tỷ đồng, quyết định của quản lý nhà hàng khiến nhiều người bất ngờ

4958418001222309513041893789079905520547664658n-1746605736637581636402-1746609530176-17466095303781427874306.jpg

Công an phường Phương Lâm trao trả tài sản cho người dân. Ảnh: Công an tỉnh Hòa Bình.

Thông tin trên SKĐS, lúc 16h30 ngày 6/5, quản lý Nhà hàng 1998 (tổ 16, phường Phương Lâm, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) đã nhặt được chiếc ví da và mang đến Công an phường để giao nộp. Bên trong ví có nhiều giấy tờ tùy thân cùng số tiền mặt gần 500 triệu đồng, bao gồm cả tiền Việt Nam và ngoại tệ (USD) với nhiều mệnh giá khác nhau.

Sau khi tiếp nhận, Công an phường Phương Lâm khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin qua hệ thống dữ liệu dân cư Quốc gia. Qua phối hợp với Công an phường nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú, lực lượng Công an xác định chủ nhân tài sản là anh Nguyễn Thanh Bách (sinh năm 1972, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngày 7/5, công an phường đã mời anh Bách đến trụ sở để làm các thủ tục trao trả tài sản theo đúng quy định.

Anh Bách bày tỏ sự xúc động và vui mừng khi nhận lại được tài sản, đồng thời gửi lời cảm ơn tới người dân và lực lượng Công an phường Phương Lâm vì hành động trách nhiệm và tận tâm.

Vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lên tiếng

screenshot-2025-05-06-at-165036-17465250525731331197946-1746603112179-1746603112923453275760-1746606324554-17466063248742038089498.png

Ngày 6-5, Điều tra viên của Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông làm cháu Tr. tử vong.

Ngày 7/5, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam - đã có văn bản gửi Viện trưởng VKSND Tối cao về việc kiến nghị sớm xem xét, xử lý nghiêm và kịp thời vụ tai nạn giao thông làm em N.N.B.Tr (14 tuổi; ngụ xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) tử vong.

Theo văn bản, căn cứ Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Luật Trẻ em năm 2016; Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp lý có liên quan, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc nhanh, kịp thời của Bộ Công an và VKSND Tối cao.

Đồng thời, Hội trân trọng đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục giám sát và chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng rà soát và xử lý vụ việc trên, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo đúng quy định của pháp luật.

Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao tại Quyết định số 02/QĐ-VKSTC-V12 ngày 2-5. Theo đó, hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 73/QĐ-ĐTTH ngày 23-1 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn.

Đồng thời, chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022