tin-mao-danh-chuyen-khoan-17262456996292055706360-0-0-329-527-crop-17262457351361300843870.pngTin sáng 14/9: Liên đoàn Xiếc Việt Nam thông tin danh tính người mạo danh ủng hộ từ thiện 10.000 đồng; đi bộ 16 tiếng, vượt 40km đường rừng để sinh con

GĐXH - Liên quan đến vụ mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam ủng hộ từ thiện 10.000 đồng, cơ quan chức năng đã xác định người chuyển khoản; Người mẹ 22 tuổi (trú tại huyện Bảo Yên, Lào Cai) đã đi bộ 40km đường rừng đến bệnh viện sinh con.

Người đi chợ mừng vì giá rau xanh hạ nhiệt

rau-1726298778212819890400.jpg

Giá rau xanh tại Hà Nội đã hạ nhiệt.

 

Sáng 14/9, khảo sát tại một số chợ truyền thống như chợ Bưởi, chợ Nghĩa Tân, chợ Nghĩa Đô… các mặt hàng thực phẩm rất dồi dào, đặc biệt giá rau xanh đã "hạ nhiệt" sau những ngày mưa bão.

Ghi nhận tại chợ Bưởi, giá rau muống còn 15.000 đồng/mớ; bí xanh còn 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền giá từ 13.000-15.000 đồng/mớ; quả lặc lè giá 30.000 đồng/kg; bắp cải từ 25.000-30.000 đồng/cây; cà chua còn 30.000 -35.000 đồng/kg; mùng tơi 10.000-13.000 đồng/mớ, đặc biệt là các loại rau gia vị từ chỗ khá đắt, từ 10.000-15.000 đồng/mớ, nay xuống còn 5000-7.000 đồng/mớ.

Cùng đó, giá thịt lợn khoảng 140.000 – 160.000 đồng/kg; trong đó, thịt nạc vai từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; sườn sụn 180.000 đồng/kg; giá thịt bò cũng chỉ 300.000-320.000 đồng/kg, trứng gà 32.000-35.000 đồng/10 quả (bình thường khoảng 32.000 đồng/10 quả).

Chỉ 1 ngày trước đó, giá rau xanh đã tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với những ngày trước khi bão về khiến người đi chợ ngỡ ngàng. Rau muống, mồng tơi, rau ngót tới 30.000 đồng/mớ…. Các loại rau củ quả tăng giá hơn so với bình thường từ 10.000 - 15.000đồng/kg. Ngoài ra, bí xanh, cà chua đã tăng lên 40.000 đồng/kg, hành lá và các loại rau gia vị cũng có mức giá tương tự.

Theo bà Kim Ngân (một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân), sau bão, trời mưa to gây ra ngập úng ở nhiều địa phương nên việc vận chuyển và nhập hàng gặp nhiều khó khăn. Trong mấy ngày tới, giá rau nhập ở chợ đầu mối sẽ giảm vì hàng hóa tại các tỉnh phía Nam sẽ về kịp.

Trái ngược với hiện tượng rau xanh tăng giá tại chợ truyền thống những ngày qua, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội vẫn giữ nguyên giá bán, một số loại rau xanh như rau muống, rau cải đang có giá dao động khoảng 15.000 - 25.000 đồng/mớ.

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá rau xanh tăng cao trong và sau bão. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão khiến nhiều loại rau bị ngập úng, dập nát, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, làm nguồn cung giảm sút đáng kể.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trận bão lụt vừa qua đã khiến gần 124.600ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung nhiều tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên… Ngoài ra, có hơn 22.000ha hoa màu và gần 6.900ha cây ăn quả hư hại. Điều này đã khiến nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ trở nên khan hiếm, đắt đỏ.

Để đảm bảo bình ổn thị trường phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội liên tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng; lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi.

Mất biển số xe trong bão lũ xin cấp lại như thế nào?

cong-dong-hieu-luat-03-17262991355301164310452.jpg

Một chiếc biển số xe bị nước cuốn trôi tại đường Võ Chí Công, Hà Nội.

Việc mất biển số trong bão lũ là việc bất khả kháng, nhiều chủ xe không biết sẽ phải làm gì để được cấp lại. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Công ty Luật Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58/2020/TT-BCA, trường hợp biển số xe bị mất thuộc đối tượng cấp lại biển số xe.

Vì vậy, người mất biển số xe do bão lũ thuộc trường hợp bắt buộc phải làm lại biển số xe và cần đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục xin cấp lại biển số xe.

Thủ tục xin cấp lại biển số xe trong trường hợp làm lại biển số do bị mất gồm:

Bước 1: Chủ xe chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Giấy khai đăng ký xe theo mẫu 01;

- Giấy tờ của chủ xe:

+ Chủ xe là cá nhân: Xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu.

+ Chủ xe là cơ quan, tổ chức: Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe (kèm theo giấy ủy quyền).

Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký xe nơi cá nhân cư trú hoặc tổ chức đặt trụ sở.

Theo quy định, phương tiện được cấp đăng ký, biển số xe tại cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm cấp lại biển số xe do bị mất. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các điểm đăng ký xe của Phòng hoặc Công an cấp huyện; các điểm đăng ký xe của Công an cấp huyện.

Bước 3: Nộp lệ phí cấp lại biển số xe bị mất và nhận giấy hẹn.

Theo Thông tư 229/2016/TT-BTC, mức phí cấp đổi, cấp lại biển số xe do bị mất là 100.000 đồng/lần/xe.

Bước 4: Đến nhận biển số xe.

Theo Quyết định 933/QĐ-BCA-C08, cơ quan Công an phải cấp ngay biển số xe sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ. Thời gian cấp lại biển số xe bị mất, mờ, hỏng không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tắt sóng điện thoại 2G từ 16/10

tat-song-2g-nhu-y-8185-17262787335371698728646.jpg

Điện thoại 2G sẽ tắt sóng vào ngày 16/10.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT về việc "Ngưng hiệu lực thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04/2024/TT- BTTTT".

Theo đó việc ngừng sóng điện thoại di động 2G sẽ được gia hạn một tháng, từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, quyết định này căn cứ trên tình hình thực tế ảnh hưởng của bão lũ, cũng như kiến nghị của doanh nghiệp viễn thông.

"Việc lùi thời gian tắt sóng nhằm giúp các nhà mạng có thời gian thông tin đến các thuê bao cần chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ người dân có điện thoại phím bấm tích hợp chức năng 4G", ông Nhã nói.

Theo thống kê, tính đến ngày 8/9, trên thị trường còn 3,4 triệu thuê bao 2G, giảm mạnh so với con số 11 triệu thuê bao vào tháng 5/2024.

Ông Nhã cho biết, sau khi có lộ trình mới, các doanh nghiệp viễn thông sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để lên kế hoạch tắt sóng 2G ở từng khu vực, đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ trong quá trình chuyển đổi, đáp ứng tốt nhất việc duy trì dịch vụ cho người dùng.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lộ trình tắt sóng 2G. Theo đó, việc dừng công nghệ 2G sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, vào tháng 9/2024 sẽ dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only).

Trong hai năm sau đó, sóng 2G vẫn được duy trì để cung cấp cho các điện thoại thông minh chưa tích hợp tính năng cuộc gọi VolTE cũng như duy trì dịch vụ IoT như theo dõi giám sát hành trình. Đến tháng 9/2026 dừng hoàn toàn hệ thống 2G.

Xử phạt người phụ nữ tung tin bịa đặt vỡ đê ở Hà Nội

Ngày 14/9, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với người phụ nữ đăng tin sai sự thật rằng vỡ đê tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.

Trước đó, qua nắm tình hình, Công an huyện Đan Phượng phát hiện tài khoản Facebook "Nguyễn Thị Mai" đã đăng tải video với nội dung "Trung Châu - Đan Phượng vỡ đê rồi nha mn. Cầu mong tất cả bình an", thu hút nhiều lượt bình luận và chia sẻ gây tâm lý sợ hãi, bất an cho nhiều người dân.

Xác minh nhanh, Công an huyện Đan Phượng đã làm rõ N.T.M.P. (ở xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là người đăng tải thông tin sai sự thật nêu trên.

Làm việc với công an, chị P. thừa nhận đã đăng tải bài viết, nhưng không kiểm chứng tính xác thực của thông tin vỡ đê tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.

Công an huyện Đan Phượng đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với chị N.T.M.P về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân...".

Từ vụ việc nêu trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, cần truy cập vào những trang thông tin, cơ quan báo chí chính thống để cập nhật kịp thời những thông tin chính xác, tin cậy về tình hình mưa bão.

Hà Nội công khai hơn 1.700 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3

anh-chup-man-hinh-2024-09-13-luc-214234-1726240551160-1726240551258274956632-1726278384554-17262783852021996845120.png

Quỹ "Cứu trợ" thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hơn 56 tỷ đồng ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ

Theo thông tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đến nay đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đăng ký và ủng hộ người dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong ngày 13/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tiếp nhận ủng hộ tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. (Cụ thể danh sách)

Trong đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội ủng hộ gần 130 triệu đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành: 100 triệu đồng; Công ty cổ phần Kids Plaza: 500 triệu đồng; VNPT địa bàn Hà Nội: 100 triệu đồng; Đoàn Luật sư thành phố: 150 triệu đồng; Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Hương Sen Healthcare: 150 triệu đồng. Cán bộ, nhân viên Tập đoàn Phú Thái ủng hộ 500 triệu đồng; Công ty cổ phần Triệu Nụ Cười: 100 triệu đồng; cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Triệu Nụ Cười: 63 triệu đồng.

Theo thống kê tính đến 16h ngày 13/9/2024, số tiền các tổ chức, cá nhân đã chuyển về Quỹ "Cứu trợ" Thành phố Hà Nội là hơn 56 tỷ đồng thông qua 3 hình thức: Tiền mặt, chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng Aribank và Kho bạc nhà nước.

Trang fanpage và Trang Wesite của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Hà Nội đã công khai hơn 1.700 trang thông tin sao kê danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3, từ những giao dịch vài nghìn đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Danh sách được thống kê chi tiết về ngày chuyển tiền, số tiền chuyển cũng như nội dung giao dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Danh sách ủng hộ sẽ tiếp tục được MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cập nhật, công khai sao kê hàng ngày.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp tục ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua các hình thức:

Quỹ Cứu trợ Thành phố qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 024.39346108; Fax: 024. 39345384

Chủ tài khoản: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

+ Số tài khoản: 3761.0.9057260.91049, tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

+ Số tài khoản: 1500201113838, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Hà Nội.

+ Nội dung: Ủng hộ các tỉnh bị bão lũ.

- Ủng hộ tiền mặt tại phòng Tài vụ - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, số 29 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Cậu bé lớp 4 ở Bình Định đập heo đất gửi tặng vùng bão lũ

tp-y1-9222-1726298547619-172629854799436752210.jpg

Hồng Vinh viết thư kèm số tiền gom góp được gửi tặng cho người dân vùng lũ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhân vật trong câu chuyện là em Trịnh Hồng Vinh, học sinh lớp 4 tại một trường Tiểu học ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Những dòng chữ nắn nót, trong thư cậu học sinh lớp 4 Trịnh Hồng Vinh viết: "Con thưa mọi người! Con tên là Trịnh Hồng Vinh, con đang học lớp 4B trường Tiểu học số 3 Hoài Hương, bữa giờ con coi điện thoại thấy người Việt Nam bị lụt bão chết nhiều. Con có số tiền lẻ dì Hai với ba mẹ cho con, con để dành từ lớp 1 để mua siêu nhân biến hình. Giờ con nhờ ba gửi tặng cho các bạn con bị lũ lụt. Con để dành tiền mua siêu nhân sau".

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trịnh Hồng An (40 tuổi, bố của em Hồng Vinh), hiện công tác tại Công an phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) cho biết, gia đình từ trước đến nay vẫn hay làm từ thiện và thường dẫn Vinh đi theo, nên có lẽ từ đó Vinh có những suy nghĩ như vậy.

Theo ông An, Vinh đang học Trường tiểu học số 1 Hoài Hương, trong thư cháu đã viết nhầm. Sau khi Vinh nhờ xếp lại, đếm giúp được tổng 1,7 triệu đồng, toàn tiền cũ mệnh giá 1-2 ngàn đồng.

"Tối qua tôi có thử hỏi lại, là con có chắc chắn gửi tặng hết số tiền không, thì cháu vẫn cương quyết là gửi tặng toàn bộ. Gia đình tôi rất vui", ông An chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022