
GĐXH - Từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng) hoạt động trong khu vực Vành đai 1; Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiến hành phẫu thuật nhiều giờ, nối lại bàn tay bị chém lìa cho nam TikToker có tiếng ở Thái Nguyên.
Miền Bắc chuyển mưa dông vào cuối tuần

Từ đêm 17 đến ngày 22/7, mưa rào và dông rải rác tái diễn ở Bắc Bộ, cục bộ mưa to..
Ngày 15/7, tiết trời tại Bắc Bộ bắt đầu thay đổi đáng kể khi nắng nóng cục bộ xuất hiện ở một số khu vực. Nhiệt độ cao nhất vượt ngưỡng 35°C, cảm giác oi bức rõ rệt vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Trong khi đó, vào chiều tối và đêm, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ vẫn duy trì hình thái mưa rào và dông, tạo nên sự tương phản rõ rệt giữa thời tiết ban ngày và đêm.
Đỉnh điểm của đợt nắng nóng này vào ba ngày 16, 17 và 18/7 khi Bắc Bộ khả năng trải qua nắng nóng diện rộng. Tuy nhiên, đợt nắng nóng này không kéo dài, từ đêm 18 đến ngày 24/7, mưa rào và dông rải rác tái diễn ở Bắc Bộ, cục bộ mưa to.
Tại Hà Nội, từ ngày 15-18/7 khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng. Mặc dù ban ngày nền nhiệt cao nhưng chiều tối và đêm, khu vực này khả năng xảy ra mưa dông cục bộ. Từ đêm 18/7, nhiệt độ Hà Nội giảm, ban ngày trời nắng, chiều tối và đêm mưa rào và dông rải rác.
Nắng nóng cục bộ cũng xảy ra ở Bắc Trung Bộ, vùng núi phía Tây khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng trong ngày 15/7. Thời kỳ từ đêm 15 đến ngày 23/7, thời tiết phổ biến ở các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ có nắng nóng ở một số nơi. Đặc biệt, trong 3 ngày từ 16 đến 18/7, nắng nóng có thể xảy ra diện rộng ở khu vực này.
Trong khi miền Bắc và Trung Bộ trải qua những ngày nắng nóng, thì cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ vẫn duy trì hình thái mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to, kéo dài suốt 10 ngày tới. Mưa chủ yếu xuất hiện vào chiều và tối, nguy cơ kèm theo sấm sét và gió giật mạnh.
Từ 1/7/2025, muốn thi công chức phải đáp ứng những điều kiện gì?

Việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật, cạnh tranh bình đẳng và phù hợp yêu cầu của từng vị trí việc làm. Hình minh họa
Trên VTV.vn thông tin, Luật Cán bộ, công chức số 80/2025/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2025 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Luật Cán bộ, công chức quy định rõ nguyên tắc, điều kiện và phương thức tuyển dụng công chức, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng trong thi tuyển vào hệ thống cơ quan nhà nước.
Theo đó, việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật, cạnh tranh bình đẳng và phù hợp yêu cầu của từng vị trí việc làm. Những người có tài năng, người có công với nước và người dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên.
Người đăng ký dự tuyển phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe và đáp ứng yêu cầu công việc. Đối với các vị trí lãnh đạo, ngoài tiêu chuẩn chung, ứng viên còn phải đạt các điều kiện bổ nhiệm theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, các trường hợp như người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án, đều không đủ điều kiện dự tuyển.
Về phương thức tuyển dụng, công chức được tuyển thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển với một số nhóm đối tượng đặc thù. Ngoài ra, các chuyên gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu... có thể được xem xét tiếp nhận vào làm công chức nếu đáp ứng yêu cầu công việc.
Người trúng tuyển sẽ được bố trí vào vị trí việc làm cụ thể và xếp ngạch công chức tương ứng. Thẩm quyền tuyển dụng có thể do cơ quan quản lý công chức trực tiếp thực hiện hoặc phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị sử dụng công chức.
Về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, căn cứ tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thời điểm và thực trạng, nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, cơ quan quản lý công chức quyết định:
+ Ký hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý;
+ Ký hợp đồng đối với nhân lực chất lượng cao quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị do chưa đáp ứng đủ nguồn nhân lực.
Ngân sách nhà nước bảo đảm cho việc ký kết hợp đồng quy định tại Điều này ngoài quỹ lương và ngoài kinh phí khoán chi hành chính.
Camera AI ở Hà Nội có thể điều khiển giao thông, CSGT không phải ra đường

Hệ thống camera giao thông ở Hà Nội.
Thông tin trên VTC News, chiều 14/7, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp trực tuyến với 126 xã phường về tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, công an thành phố đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động 261 camera AI gắn với 10 tiện ích trên toàn địa bàn. Ngồi tại trung tâm chỉ huy có thể "soi" đến Bến Đục (khu vực Chùa Hương), có thể xác định từng người ngồi trong thuyền.
Công an TP Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thêm hệ thống camera để phục vụ Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, khi hoàn thành về an ninh trật tự cơ bản đảm bảo.
Nói thêm về hệ thống camera AI mới lắp đặt, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, khi triển khai đầy đủ hệ thống này, dự kiến đến ngày 18/12 giao thông Hà Nội sẽ không cần Cảnh sát giao thông ra đường làm nhiệm vụ.
Hệ thống này có khả năng nhận diện biển số, điều khiển giao thông theo làn xanh, lượng giao thông, điều tiết đều có khả năng xử lý. Đặc biệt, hệ thống có khả năng nhận diện khuôn mặt, nếu có đối tượng truy nã ở đâu camera có thể nhận diện tự động báo về trung tâm chỉ huy.
"Gói thầu thứ 2 đến quý III/2026, toàn bộ camera AI sẽ nhận diện được môi trường vỉa hè, hành động vứt rác không đúng quy định sẽ được chụp để xử lý, khi đó mới thay đổi hành vi của người dân về môi trường. Dự kiến tháng 6/2026, hệ thống sẽ vận hành, khi đó sẽ đảm bảo được nề nếp quy củ kể cả trật tự vỉa hè, đô thị", ông Tùng nói.
Góp ý về xử lý ô nhiễm trên địa bàn thành phố, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng cho hay, ô nhiễm môi trường có thể chia ra làm 3 loại bao gồm: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải rắn (rác thải từ các công trường xây dựng, sản xuất, hộ dân kinh doanh...).
Để xử lý ô nhiễm môi trường cần có những giải pháp căn cơ, dài hơi. Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, ra đường có thể thấy, đường điện trên cao như mạng nhện, nhiều nhà mạng viễn thông cũng bám hết vào cột điện trông rất nhếch nhác, phải kiên quyết hạ ngầm.
Với biển quảng cáo của Thủ đô nhếch nhác, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, Luật Thủ đô đã có, nên Hà Nội cần ra quy định biển quảng cáo riêng.
Liên quan vi phạm trật tự đô thị, theo ông Tùng, những lồng sắt vi phạm cần phải xử lý, chỉnh trang các mặt phố chính rồi mới đi vào các phố nhỏ, bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý vỉa hè, kinh doanh, lấn chiếm.
Cơ hội cuối cho thí sinh trượt lớp 10 công lập Hà Nội

Dự kiến, vào ngày 17/7 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ cùng các trường THPT chuyên và THPT công lập họp để duyệt và công bố điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10.
Theo SKĐS, đến nay, công tác xác nhận nhập học lớp 10 công lập đợt đầu tiên tại Hà Nội đã hoàn tất. Trong khi đa số học sinh đã tìm được chỗ học ổn định, không ít em vẫn thấp thỏm chờ đợi cơ hội cuối để bước vào trường công lập.
Theo kế hoạch chung của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã kết thúc xác nhận nhập học lớp 10 năm 2025. Dù vậy, cánh cửa vào trường công lập vẫn chưa khép lại hoàn toàn với những thí sinh chưa may mắn ở đợt đầu.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, căn cứ số lượng học sinh đã xác nhận nhập học và chỉ tiêu còn thiếu, Sở sẽ tổ chức họp xét duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 các trường THPT công lập. Đây là cơ hội đáng mong đợi cho những em có điểm thi tiệm cận hoặc chỉ thiếu một chút so với điểm chuẩn đợt 1.
Dự kiến, vào ngày 17/7 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ cùng các trường THPT chuyên và THPT công lập họp để duyệt và công bố điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10. Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung này sẽ được công bố ngay trong cùng ngày.
Sau khi có điểm chuẩn bổ sung, việc xác nhận nhập học và tiếp nhận hồ sơ học sinh trúng tuyển bổ sung (nếu có) sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/7. Học sinh cần đặc biệt lưu ý rằng, việc xác nhận nhập học ở đợt xét tuyển bổ sung này chỉ thực hiện theo hình thức trực tiếp tại trường trúng tuyển, không áp dụng hình thức trực tuyến.
Ngoài đợt hạ điểm chuẩn, thí sinh còn có một "cửa" khác để thay đổi kết quả là phúc khảo bài thi. Đối với những thí sinh đã nộp đơn phúc khảo, kết quả chính thức sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 28/7.
Từ ngày 28/7 đến 30/7, các trường THPT chuyên và THPT công lập sẽ tiếp tục hướng dẫn học sinh xác nhận nhập học (trực tiếp) và tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển sau phúc khảo (nếu có).
Cùng thời điểm này, các trường THPT công lập tự chủ, trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX cũng sẽ hướng dẫn học sinh xác nhận nhập học (trực tiếp) và tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển bổ sung (nếu có).
Trong trường hợp thí sinh vẫn không trúng tuyển vào các trường công lập sau tất cả các đợt xét tuyển bổ sung và phúc khảo, các em vẫn còn nhiều lựa chọn học tập khác. Đó có thể là các trường THPT tư thục, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc chủ động tìm hiểu và cân nhắc các phương án này từ sớm sẽ giúp học sinh có lộ trình học tập phù hợp và vững vàng cho tương lai.
Việt Nam lập kỷ lục với 4 Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế 2025

Đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành 4 HCV, trong đó có 2 HCV nằm trong top 10.
Bộ GD&ĐT thông tin, đoàn học sinh Việt Nam vừa xuất sắc giành 4 Huy chương Vàng (HCV) tại Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế (ICHO) lần thứ 57 năm 2025, được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 5 đến 14/7.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam đạt được thành tích 4 HCV tại một kỳ ICHO được tổ chức trực tiếp, khẳng định vị thế vững chắc của nền giáo dục mũi nhọn nước nhà trên đấu trường quốc tế.
ICHO là kỳ thi có quy mô lớn và uy tín nhất thế giới dành cho học sinh trung học phổ thông (THPT) trong lĩnh vực Hóa học. Kỳ thi năm nay quy tụ 354 thí sinh đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đội tuyển Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với 4 HCV, trong đó có 2 HCV lọt vào top 10 thí sinh xuất sắc nhất thế giới.
Cụ thể: Em Ngô Quang Minh (lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) xuất sắc đứng thứ 7. Em Nguyễn Hoàng Khôi (lớp 12, Trường THPT Chuyên Sư Phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đứng thứ 10. Em Giang Đức Dũng (lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đứng thứ 14. Em Nguyễn Mạnh Tuấn (lớp 11, Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, Hà Nội) đứng thứ 37.
Với thành tích vượt trội này, đoàn Việt Nam đã đồng hạng với các đoàn mạnh như Trung Quốc và Mỹ về số lượng HCV, tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi của Việt Nam.
Thành tích vang dội tại ICHO 2025 nối tiếp chuỗi kết quả ấn tượng của đội tuyển Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Từ năm 2020 đến 2025, với tổng số 24 lượt thí sinh dự thi, đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành trọn vẹn 24/24 huy chương, bao gồm 21 HCV và 3 HCB. Điều này không chỉ thể hiện năng lực vượt trội của học sinh Việt Nam mà còn minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài.
Kỳ thi ICHO bao gồm một bài thi lý thuyết và một bài thi thực hành, mỗi bài thi được thực hiện trong vòng 5 giờ. Tại ICHO 2025, bài thi thực hành đòi hỏi thí sinh phải thành thạo các kỹ năng thí nghiệm từ cơ bản đến nâng cao, như tổng hợp và phân tích phức chất, xác định các amino acid, nhận biết hợp chất hữu cơ bằng sắc ký bản mỏng, chuẩn độ và đo phổ hấp thụ UV-Vis. Đây là phần thi yêu cầu sự chính xác, tư duy logic và thao tác phòng thí nghiệm thuần thục.
Trong khi đó, bài thi lý thuyết xoay quanh các vấn đề thực tiễn và cấp thiết như khử mặn nước biển, năng lượng mặt trời, hay ứng dụng của hóa học trong cuộc sống thông qua những chủ đề gần gũi như quả bóng tennis, đèn lồng… Cấu trúc đề thi năm nay được đánh giá là sáng tạo, bám sát thực tiễn đời sống nhưng vẫn đảm bảo chiều sâu khoa học, đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức tổng hợp và tư duy phản biện để giải quyết vấn đề.
Thành tích lịch sử tại ICHO 2025 là niềm tự hào lớn của ngành giáo dục Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của trí tuệ Việt trên bản đồ khoa học thế giới.
Đàn cò quý hiếm có tên trong Sách đỏ xuất hiện trên đồng ruộng ở Quảng Trị

Đàn cò ốc quý hiếm xuất hiện trên đồng ruộng ở Quảng Trị.
Ngày 14/7, trên SKĐS, ông Nguyễn Thanh Bắc, Chủ tịch UBND xã Hiếu Giang (Quảng Trị) cho biết, những ngày qua người dân phát hiện một đàn cò ốc với số lượng lớn trên một số đồng ruộng tại các thôn Phú Ngạn, An Bình.
Theo đó, đàn cò ban ngày bay kiếm ăn trên những ruộng lúa, với thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng, châu chấu, giun. Buổi chiều tối, đàn cò tập trung trú ngụ tại rừng tràm ở khu vực xung quanh.
Cò ốc thuộc họ hạc, là loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam thường sống ở các vùng rừng ngập mặn.
Lãnh đạo UBND xã Hiếu Giang cho biết, để bảo vệ đàn cò, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không săn bắt, xua đuổi, tạo môi trường an toàn cho cò sinh sống.
Được biết, những năm trước đây, ở địa phương này, loài cò ốc cũng thường xuyên tìm về kiếm ăn và trú ngụ với số lượng lớn.