GĐXH - Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới thông qua yêu cầu xác nhận khuôn mặt nhằm mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân; Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ đã đưa 2 nam công nhân Công ty cổ phần Than Vàng Danh gặp nạn dưới hầm lò ra ngoài an toàn.
Bộ Y tế yêu cầu rà soát kế hoạch điều trị Covid-19
Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương dự trù thuốc, thiết bị, vật tư phù hợp với các phương án thu dung, điều trị khi dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp.
Đây là một trong các nội dung thuộc công văn mới nhất do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký cuối giờ chiều 17/4, gửi giám đốc sở y tế các địa phương; giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; thủ trưởng y tế các bộ, ngành.
Công văn được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trong 2 tuần qua có xu hướng tăng. Riêng 4 ngày (14-17/4) đã ghi nhận hơn 3.200 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có hơn 800 ca mắc, trong khi 10 ngày đầu tháng 4 chỉ khoảng 80 ca/ngày.
Theo phân tích của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng tăng. 30% ca mắc Covid-19 trong 7 ngày (5-11/4) thuộc nhóm từ 50 tuổi trở lên. Số ca nhập viện có xu hướng gia tăng, đã có những bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.
Cơ quan này cũng yêu cầu chủ động nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt chú trọng lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Trong đó, phối hợp với bộ phận điều phối ô xy y tế của tỉnh, thành phố để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế; tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.
"Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển, bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện", công văn của Bộ Y tế nêu rõ.
Tại các cơ sở điều trị, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật....
Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các bệnh viện, khi kết quả test nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ mắc Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện xét nghiệm rRT-PCR để chẩn đoán, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng.
Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch, báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
Cả nước có thêm hơn 1.000 ca Covid-19, biến thể phụ XBB xuất hiện tại Hà Nội
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 17/4, cả nước có thêm 1.031 ca mắc Covid-19. So với ngày 16/4, số ca mắc tăng 315 trường hợp. Trong ngày, hai người được công bố khỏi Covid-19. Số lượng bệnh nhân phải thở oxy giảm xuống còn 14 trường hợp.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều nay cũng cho thấy từ ngày 1/4 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tăng dần. Riêng trong giai đoạn 12-16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca, cao điểm ngày 16/4 có 99 ca mắc. Trong khi 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.
Liên quan đến việc giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, kết quả của 2 mẫu bệnh phẩm dương tính Covid-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm là thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ. Đây là chủng có ở nhiều nước như Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng cho biết tuần qua đã gửi 10 mẫu tại 6 quận, huyện, thị xã tới Bệnh viện Bạch Mai thực hiện giải trình tự gene tìm biến thể mới virus SARS-CoV-2.
Số ca mắc Covid-19 tăng kéo theo nhu cầu chăm sóc y tế cũng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có từ 30-50 ca vào viện, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền. Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 có nhu cầu chăm sóc chỉ chiếm 2-6%.
Tính đến ngày 16/4, toàn thành phố còn 566 ca Covid-19 đang điều trị. Hơn một nửa trong số này là người không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Số còn lại, đại đa số có triệu chứng trung bình (42% tổng số mắc); 27 trường hợp (tương đương 5%) mức độ nặng phải thở oxy hỗ trợ qua kính, mặt nạ. Đặc biệt, hai bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và một trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhận định dịch bệnh mùa hè hằng năm vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiềm ẩn. Năm nay, thời tiết nồm ẩm kéo dài tác động đến sự gia tăng ca bệnh. Số ca bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên, theo bà Hà, không có bệnh nhân nặng và tử vong nên "không đáng lo ngại".
Liên quan đến vấn đề vắc xin Covid-19, Hà Nội hiện tồn hơn 4.600 liều, trong đó có 870 liều AstraZeneca. Dự kiến, ngày mai (18/4), thành phố sẽ cấp 10.000 liều vắc xin AstraZeneca cho các quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Bà Hà cho rằng nếu vắc xin nhận về nhưng không tiêm hết sẽ dẫn đến tình trạng hết hạn. Vì thế, yêu cầu các địa phương, các ngành rà soát đúng, đủ đối tượng và đăng ký nhu cầu. "Thành phố bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân, tiêm đúng đối tượng và kịp thời", bà Hà khẳng định.
Nhà trường lên tiếng vụ nữ sinh tự tử nghi do bị bạo lực học đường
Trường THPT Chuyên Đại học Vinh nơi N. theo học. Ảnh: Trần Tuyên
Sáng 17/4, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên (Đại học Vinh) - cho biết Ban giám hiệu trường THPT chuyên ĐH Vinh đã đến chia buồn, động viên với gia đình của nữ sinh. Đồng thời nhà trường đang làm việc với các bên liên quan như giáo viên chủ nhiệm, các em học sinh trong lớp cùng các đơn vị khác để làm rõ thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc nữ sinh này bị bạo lực học đường dẫn đến việc làm dại dột.
Ông Soa cho biết thêm ngoài nội dung về sự việc của nữ sinh Y.N. (nữ sinh lớp 10A15 - trường THPT chuyên ĐH Vinh) còn có thêm clip được cho là của em nữ sinh này bị bạo hành lan truyền trên mạng. Để có thông tin khách quan nhất về sự việc, ban giám hiệu nhà trường đã mời giáo viên, 5 em học sinh đại diện lớp để xác nhận clip này.
Qua xác nhận của giáo viên cũng như các em học sinh thì clip này không phải diễn ra trong khuôn viên nhà trường. Em học sinh bị đánh không phải là là Y.N. Những em học sinh trong clip không phải là học sinh của lớp 10A15 cũng như của nhà trường.
"Hiện tại, phía gia đình của nữ sinh chưa có thông tin chính thức về sự việc đến nhà trường. Riêng các thông tin đang lan truyền trên mạng phía nhà trường cũng đang tích cực xác minh một cách khách quan nhất", ông Soa nói.
Về thông tin gia đình xin chuyển lớp cho em Y.N, thầy Phạm Xuân Chung - Hiệu trường trường THPT chuyên ĐH Vinh - khẳng định: "Gia đình chưa trao đổi việc này với tôi mà chỉ có cá nhân em nữ sinh lên trao đổi trực tiếp. Việc nữ sinh xin chuyển lớp không phải là chuyện nhỏ đối với các em nên tôi hỏi rất kỹ về việc này cũng như tâm tư của nữ sinh. Tuy nhiên, em nữ sinh chỉ cho biết là xin chuyển vì có quen biết với cô giáo chủ nhiệm của lớp em xin chuyển và cách học của em nữ sinh này phù hợp với cô giáo này hơn".
"Tôi đã trao đổi kỹ với em về việc chuyển lớp thì không thể chuyển ngay được mà phải có thời gian cũng như khả năng của mình có đáp ứng được với lớp học này không", thầy Chung cho biết.
Cô Đặng Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm của nữ sinh - thông tin lớp có 27 em học sinh thì Y.N. rất hòa đồng với các bạn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2022, một nhóm bạn và Y.N. không còn chơi với nhau nữa.
"Qua tìm hiểu, nói chuyện với các bạn thì các bạn đều thông tin là không hợp nhau. Nội tình phía sau như thế nào tôi không thể biết được", cô Hà chia sẻ.
Như đã thông tin, vào tối 16/4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin được cho là người nhà của nữ sinh về việc nữ sinh tự tử do bạo lực học đường.
Cụ thể, nội dung chia sẻ: "Nữ sinh vốn học giỏi nhất nhì lớp, thế nhưng nữ sinh đã bất ngờ bỏ học và từng nói với mẹ "con sợ đi học, con sợ đến trường". Sau đó, khi mẹ tìm hiểu ra mới biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.
Lo lắng cho con, người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp, tìm cô chủ nhiệm để nhờ can thiệp. Phía nhà trường không đồng ý cho nữ sinh chuyển lớp mà hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc khiến người mẹ cũng phần nào yên tâm, tiếp tục cho con học ở ngôi trường ấy.
Tuy nhiên, nữ sinh vẫn phải sống trong môi trường áp đảo ấy kéo dài hàng tháng trời. Khi không thể chịu nổi áp lực ấy, nữ sinh đã chọn cách giải quyết tiêu cực là tự tử. Nữ sinh ra đi ở tuổi 17 khiến gia đình đau xót vô cùng".
Miền Bắc sắp đón không khí lạnh sau chuỗi ngày nắng nóng
Ảnh minh họa: TTXVN
Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/4. Từ ngày 21-23/4 ở Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; ở phía Đông Bắc Bộ từ ngày 21-23/4 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng.
Cơ quan khí tượng dự báo, khoảng ngày 24-26/4, một đợt không khí lạnh sẽ tràn xuống miền Bắc chấm dứt nắng nóng. Khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ từ ngày 24/4 khả năng có mưa rào và dông rải rác.
Danh tính người phụ nữ trèo lên dây điện trong video gây xôn xao
Người phụ nữ đu đưa trên dây điện (ảnh: ĐC).
Sáng 17/4, lãnh đạo UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thông tin, người phụ nữ trèo lên dây điện trong video gây xôn xao dư luận là bệnh nhân tâm thần.
Tối 16/4, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video ghi lại cảnh một người phụ nữ trèo lên và đu đưa trên dây điện. Nhiều người tò mò đứng xem làm cho đoạn đường ĐT.744 ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây trở nên náo loạn.
Theo lãnh đạo UBND xã An Tây, sự việc xảy ra vào tối ngày 16/4. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an xã đã thông báo điện lực kịp thời ngắt điện để đảm bảo an toàn; đồng thời có mặt hướng dẫn, phân làn đường giao thông.
Sau đó, lực lượng đã trưng dụng 1 xe tải đang đi qua và phân công người trèo lên thùng xe tải để vận động và đưa người phụ nữ xuống đất an toàn. Sau đó, người này được đưa về trụ sở công an để làm rõ.
Qua xác minh, người phụ nữ tên N.T.H (sinh năm 1983, quê An Giang), không có nghề nghiệp và hiện đang ở trọ tại ấp Lồ Ồ. Theo kết luận của Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, chị H bị "Tâm thần phân liệt không biệt định F20.3-ICD10".
Sau khi làm việc, công an đã bàn giao bệnh nhân cho gia đình quản lý, chăm sóc theo quy định.
Vụ người phụ nữ chết trong ô tô tại hầm chung cư ở Hà Nội: Bắt một nghi phạm
Công an quận Long Biên phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ đối Trương Việt Hùng (SN 1988, trú tại Thanh Châu A, Phủ Lý, Hà Nam) để điều tra về hành vi "Giết người", "Cướp tài sản".
Tại cơ quan công an, Hùng khai nhận, đối tượng và chị Q. có quen biết nhau. Do có mâu thuẫn, Hùng đã nảy sinh ý định giết người. Khoảng 7h ngày 12/4, Hùng đến tòa nhà chung cư nơi chị Q. sinh sống. Tại đây, khi thấy chị Q. đến vị trí đỗ xe ô tô, đối tượng đã đứng phía sau siết cổ nạn nhân đến chết. Sau đó Hùng đã kéo thi thể chị Q. vào xe ô tô rồi lái sang bên kia cầu Đông Trù. Hùng đã chiếm đoạt 16 triệu đồng của chị Q. rồi nạp vào tài khoản để chơi game.
Sau đó, Hùng tiếp tục lái xe ô tô đến chung cư Mipec cất giấu phi tang thi thể và bỏ đi. Sáng ngày 13/4, đối tượng bắt xe về Hà Nam để lẩn trốn. Tới ngày 16/4, Hùng bị công an phát hiện, bắt giữ khi đang đi lang thang trên Quốc lộ 1A.
Theo thông tin ban đầu, sáng 15/4, người dân sinh sống tại một tòa chung cư trên địa bàn phường Ngọc Lâm (Long Biên) hoảng hốt khi phát hiện thi thể một nữ giới dưới khu vực tầng hầm. Thi thể nạn nhân nằm bên trong xe ô tô.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Nạn nhân được xác định là chị N.P.N.Q (SN 1984, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Được biết, gia đình đã thông báo về sự mất tích của người phụ nữ này vài ngày trước khi phát hiện sự việc.
Người phụ nữ có khối bướu nặng gần 9 kg trong bụng vì bỏ điều trị
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật cắt khối bướu nặng gần 9 kg cho người phụ nữ bị ung thư buồng trứng.
Theo bác sĩ Tiến, trước đó, người phụ nữ bị ung thư buồng trứng và được phẫu thuật tại bệnh viện tuyến tỉnh. Sau đó, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM tiếp tục thực hiện hóa trị. Do quá trình điều trị lâu nên người bệnh chán nản, quyết định không hóa trị nữa và bắt đầu uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ loại.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng xấu khi bụng của bệnh nhân to dữ dội khiến khó thở do bướu chèn ép, không thể đi lại. Lo sợ, bệnh nhân quay trở lại bệnh viện điều trị nhưng lúc không thể vào thuốc buộc phải chuyển qua khoa chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối. Tình trạng bệnh quá nặng, các bác sĩ thì lắc đầu vì không thể nào mổ.
"Mặc dù đồng nghiệp lắc đầu nhưng sau khi thăm khám kỹ cùng sự mong mỏi của bệnh nhân và người nhà, tôi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Bởi nếu không phẫu thuật tiên lượng người bệnh không qua khỏi 1 tháng. Phẫu thuật được thì còn hy vọng" – bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo bác sĩ Tiến, ê-kíp phẫu thuật đã lên các phương án kể cả rủi ro trên bàn mổ. Sau 1 tuần chuẩn bị cho công tác hồi sức, thuốc, ê-kíp bắt đầu "cuộc chiến".
"Sau nhiều giờ phẫu thuật, có lúc tưởng chừng bệnh nhân tử vong trên bàn mổ nhưng bằng sự nỗ lực và may mắn, ca mổ thành công. Các bác sĩ đã lấy toàn bộ khối bướu và dịch nặng gần 20 kg. Riêng khối bướu nặng gần 9 kg" - bác sĩ Tiến cho hay.
8 người nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn phải so biển
Các nạn nhân cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 16-4, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cho biết Trung tâm y tế huyện vừa tiếp nhận và cấp cứu cho 8 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn nhầm con so biển. Trong đó, có 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng, 5 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhiễm độc nhẹ.
Theo lời các nạn nhân, sau khi ăn con so biển khoảng 15 phút, họ thấy chóng mặt, tê đầu lưỡi, tê bì chân tay, tức ngực, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Các nạn nhân sau đó đã được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô trong tình trạng tê lưỡi, ngứa mặt, tê tay chân, tức ngực khó thở, chóng mặt, mạch nhanh, ôxy giảm.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã tiến hành gây nôn, rửa dạ dày bằng than hoạt tính, truyền dịch, lợi tiểu, thở ôxy qua gọng kính cho các bệnh nhân. Đến nay, 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng đã ổn định, hết tức ngực khó thở, hết tê bì chân tay, phân áp oxy bình thường, mạch huyết áp ổn định, còn mệt mỏi, choáng nhẹ.
Theo bác sĩ Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, con sam và con so biển nhìn bề ngoài rất giống nhau. Hình dáng, kích thước con so với con sam khó phân biệt. Đặc biệt, con so biển có chất độc tetrodotoxin, không ăn được.
Nếu người dân không phân biệt được thì sẽ rất nguy hiểm vì đôi khi chỉ ăn nhầm một chút thôi cũng đã có triệu chứng nôn, khó thở, đau bụng, dị cảm tay chân, nặng hơn là sẽ ức chế hô hấp, ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc chất tetrodotoxin.
Bác sĩ Phạm Tiến Dũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Yêu cầu các hãng hàng không xem xét tăng chuyến dịp nghỉ lễ