Có đường bờ biển dài 127km, từ năm 2009 đến nay, đặc biệt mùa mưa bão vào các năm 2020 và 2021, bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Cơn bão Noru vừa đổ bộ vào đất liền nước ta mới đây là minh chứng cụ thể cho thực trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên Huế hiện nay.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, bão Noru đã gây nên tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều địa phương. Tại khu vực Phong Hải (huyện Phong Điền); thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương (TP. Huế) tình trạng sạt lở xảy ra với chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m…Hay như tại bờ biển khu vực tại thôn 4 và thôn Mỹ Cảnh (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc) sạt lở xảy ra với chiều dài khoảng 1400m và bờ biển Giang Hải - Vinh Hiền tiếp tục xâm thực, xói lở dài 900m.

pt2-16645329681801464227784.jpg
pt1-166453296818825719149.jpg

Bãi biển tại xã Phú Thuận bị sóng đánh tan hoang sau bão Noru, tình trạng xâm thực lại tiếp tục xảy ra.

Tại xã ven biển Phú Thuận (huyện Phú Vang) – địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, ông Trần Văn Bình – người dân cho biết, trước đây khu vực nhà dân sinh sống cách bờ biển hàng trăm mét, thế nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực trở nên nghiêm trọng. Các hộ dân nơi đây đã phải di dời đến nơi ở mới khiến khu vực này trở thành hoang phế.

"Mỗi năm, biển ăn sâu vào đất liền khoảng vài mét, cứ thế cuốn trôi nhiều tài sản. Chính quyền địa phương cùng với người dân đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục, hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời" - ông Bình nói.

Trao đổi với PV, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, ảnh hưởng của cơn bão Noru đã khiến cho nhiều đoạn bờ biển trên địa bàn tiếp tục bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Cụ thể, sạt lở bở biển xảy ra tại 3 thôn Tân An, Trung An và Xuân An với chiều dài khoảng 1km, sâu từ 2-5m. Sạt lở gây ảnh hưởng khẩn cấp tới khoảng 22 hộ dân với 101 khẩu.

"Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 1km bờ biển được xây dựng công trình kè chống sạt lở đã và đang phát huy tác dụng. Giải pháp hiện nay của xã vẫn là di dời dân đến nơi an toàn mỗi khi bão về", ông Tùy nói.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 6,5km. Hiện nay, các công trình kè chống sạt lở đang hoạt động bình thường và đã phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè.

pt3-16645330081961763390688.jpg

Để khắc phục sạt lở, chính quyền địa phương cùng với người dân sử dụng các bao tải cát để đắp để chắn sóng. Tuy nhiên cũng chỉ một thời gian, sóng đánh mạnh khiến các bao cát cũng bị vỡ tan.

Bên cạnh nỗi lo sạt lở bờ biển, hàng chục hộ dân tại xã Thượng Nhật thuộc huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đang lo lắng, bất an khi tình trạng trượt, sạt núi sẽ gây ảnh hưởng tới nhà cửa, cuộc sống. Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, tại thôn Lập, xã Thượng Nhật có 78 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất do phía sau lưng là núi và trên đó là đập thủy điện.

"Trước mắt, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Để giải quyết tình trạng này, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang giao cho Sở NNPTNN lập dự án để di dời các hộ dân tới khu vực an toàn", ông Hồ thông tin.

Để khắc phục hậu quả của bão Noru và đợt lũ đặc biệt lớn tháng 4, tháng 5/2022 vừa qua, mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ. Trong đó, Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án xây dựng mới, cải tạo mở rộng và nâng cấp hệ thống các cống trên đê ven Phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp; kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai quan tâm hỗ trợ nguồn vốn thực hiện 2 dự án gồm dự án di dời 34 hộ dân thuộc thôn Bình An 2 (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) với kinh phí 30 tỷ đồng; dự án di dân tập trung 89 hộ thôn Lấp, Tà Rinh, A Tin (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) với kinh phí 22 tỷ đồng.

b1-16644526224552058723867-0-0-1250-2000-crop-16644527754811476309614.jpgBão Noru: 419 ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế bị tốc mái; hàng trăm hộ dân ở Quảng Trị vẫn bị cô lập

GiadinhNet - Tại Quảng Trị hiện có hơn 300 hộ dân vẫn bị cô lập do cầu tạm bị cuốn trôi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022