Theo VietnamNet, Bộ GD&ĐT vừa thông tin về kết quả xử lý văn bằng của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang).
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp và ông Việt cũng đã thừa nhận việc này.
Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang). Ảnh: TL
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Ông Vương Tấn Việt có bằng cử nhân của Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hà Nội. Năm 2022, ông Việt còn được cấp bằng tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp - Hành chính tại Đại học Luật Hà Nội.
Vào tháng 8/2024, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.
Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Vị này cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT Thành phố.
Cùng đó, việc ông Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng cũng gây xôn xao dư luận.
Theo ghi nhận, ông Vương Tấn Việt hay thượng tọa Thích Chân Quang là trụ trì chùa Phật Quang tại xã Tân Hải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước khi xảy ra vụ việc, ông từng giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, vào ngày 18/6 vừa qua, ông bị Giáo hội cấm thuyết giảng trong vòng hai năm.
Bước đầu, Bộ GD&ĐT đã xác minh được nghi vấn về giá trị tấm bằng của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ.