Trước diễn biến của mưa lớn bất thường, không ít khu vực thuộc các địa phương như Lang Chánh, Thường Xuân, Như Thanh... bị ngập lụt cục bộ, giao thông bị chia cắt tạm thời.
Những biển cảnh báo được đặt ở những vị trí ngập nước
Thông tin từ UBND huyện Lang Chánh cho biết, tại thời điểm chiều 9/9, tuyến đường 530 từ thị trấn Lang Chánh đi xã Lâm Phú, đoạn qua đập tràn thôn Tân Thành, xã Tân Phúc ngập sâu trong nước khiến người và phương tiện không thể qua lại được, cô lập toàn bộ xã Tân Phúc với 3 làng và 2 xã Tân Văn, Lâm Phú trong nhiều giờ đồng hồ. Đoạn đường từ thị trấn Lang Chánh đi xã Giao An, Giao Thiện qua đập tràn thôn Cảy, xã Trí Nang cũng bị chia cắt do nước lên cao. Mưa lớn cũng làm tăng nguy cơ sạt lở đất trên các tuyến từ xã Tân Phúc đi xã Tam Văn, Lâm Phú; sạt lở trên tuyến đi bản Mè Giàng, xã Yên Khương; tuyến đường đi Đồn Biên phòng Yên Khương...
Lực lượng chức năng giúp người dân và học sinh qua những đập tràn ngập nước
Theo ghi nhận, gia đình các em học sinh tại Trường tiểu học Tân Thành 2, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân chủ yếu sinh sống dọc bờ sông Lợp và sông Nàng, 2 ngày nay, nước sông dâng cao khiến giao thông bị chia cắt, hơn 200 học sinh không thể qua lại, nhà trường phải cho các em nghỉ học.
Tại xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, sáng 9/9, lực lượng chức năng đã phải cõng hàng chục học sinh qua ngầm, tràn trên địa bàn xã để đến trường. Trước thực trạng nước dâng cao ở 13 ngầm, tràn trên địa bàn xã Xuân Khang, huyện Như Thanh đã yêu cầu chính quyền địa phương bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; chủ động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Thanh Hóa huy động hơn 1 nghìn người giúp dân tại những điểm ngập nước, bị cô lập
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương thực hiện các nội dung, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức Tết Trung thu tại các địa phương. Tổ chức vận hành ngay các công trình tiêu úng đảm bảo tiêu thoát cho diện tích bị ngập lụt...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị bố trí 1.250 bộ đội địa phương, dân quân cơ động sẵn sàng tổ chức ứng trực các khu vực trọng điểm, những vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, chia cắt, cô lập.