Ngày 24/7, thông tin với PV Gia đình và Xã hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng cho biết, để tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình nhân dân, UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của văn bản số 46/UBND-VP3 ngày 22/7/2025 về việc triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão số 3.
UBND Giao UBND các xã, phường tiếp tục rà soát, kiểm đếm, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do mưa bão; chủ động sử dụng, bố trí ngân sách, nguồn lực của địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại, nhất là các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế theo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp xã có văn bản gửi Sở Tài chính để tổng hợp, xử lý theo quy định.
Tổng hợp báo cáo đánh giá về tình hình bão số 3 trên địa bàn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả ứng phó của địa phương, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường trước 14 giờ ngày 24/7/2025.

Nhiều cánh đồng lúa ở Ninh Bình bị ngập sâu do ảnh hưởng bão số 3.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương; rà soát, có phương án kịp thời sửa chữa các công trình đê điều, thủy lợi bị sự cố để chủ động úng phó với các đợt mưa bão tiếp theo. Đồng thời, rà soát, tổng hợp, kịp thời phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kiến nghị (nếu có) của các địa phương về hỗ trợ vật tư, hóa chất, giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, do thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát diễn biến tình hình của bão số 3, chủ động triển khai ứng phó kịp thời nên toàn tỉnh không có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Tính đến 17h ngày 23/7, toàn tỉnh ghi nhận còn 56.117 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 30.870 ha ngập trắng, 23.010 ha phất phơ và 2.237 ha ngập 2/3 cây lúa.

Toàn tỉnh Ninh Bình có hàng chục ha lúa bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu thiệt hại, những ngày qua, các trạm bơm tiêu trên địa bàn tỉnh đã được kích hoạt để tiêu nước phục vụ chống úng, ngập cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư.
Các cống dưới đê được vận hành để tiêu thoát nước, cống hồ để điều tiết hạ thấp mực nước hồ. Đến ngày 23/7, toàn tỉnh đã vận hành 662 máy bơm/158 trạm bơm; 147 cống dưới đê, 26 cống hồ.
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 24/7, nhiều cánh đồng lúa tại các nơi ngập ở tỉnh Ninh Bình đã giảm mực nước, không còn tình trạng ngập sâu. Người dân bắt đầu kiểm tra, bắt ốc bươu vàng gây hại lúa non.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video hiện trường một số địa điểm sạt sở do mưa lớn kéo dài ở Bắc Kạn