Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống nghi nhận tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Trên địa bàn xã Hải Ninh hiện có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng. Tại thôn Tân Định, khu vực sạt lở kéo dài hơn 150m chỉ còn cách khu vực dân cư và bến thuyền khoảng 30m. Sạt lở khiến 5 cột điện chiếu sáng của thôn này bị cuốn sập và vùi lấp, khu bến thuyền truyền thống của người dân địa phương gần như biến mất. Còn tại thôn Hiển Trung, bờ biển bị sạt lở dài gần 50m, ăn sâu vào đồi cát gần khu vực bến đậu thuyền.
Chiếc thuyền cũ được ngư dân đặt cách xa bờ khoảng 10m nây đã nằm ở chân sóng và bị triều cường, song biển tàn phá.
Những bờ biển thoai thoải biến mất, thay vào đó là những tường thành cát cao tầm 6-10m.
Ông Nguyễn Thiên, trú thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, sóng biển vẫn cứ đánh vào và khoét "chân" bờ biển. Ông cùng người dân địa phương lo lắng, nếu không có giải pháp bảo vệ, dần dần bờ biển ăn sâu vào sát nhà dân.“Từ lâu nay thì không nhưng năm nay bờ biển sạt lở quá nhiều, nếu còn có bão nữa thì rất nguy hiểm. Sạt thế này có thể ăn sâu vào tới nhà, khoảng 35m nữa là sạt tới nhà rồi”- ông Nguyễn Thiên cho biết.
Những cây phi lao, cây dứa dại cùng thảm thực bì từng làm "nhiệm vụ" chắn sóng, chống sạt lở nay nằm trơ rễ, cheo leo ở bờ biển sạt lở.
Khu vực đậu thuyền truyền thống của ngư dân nay không còn, người dân cứ phải kéo thuyền vào sat dần khu dân cư theo mức độ sạt lở.
Tuyến đường bê tông ra bãi biển cũng bị khoét chân, sạt lở, hư hại nghiêm trọng.
Khu vực từng là đỉnh đồi cát cao hơn 10m, cách bờ biển khoảng 30 m nay mấp mé dưới chân sóng.
Cụ ông Nguyễn Văn Kiện (74 tuổi) cho biết, bao năm sinh sống tại đây cụ chưa thấy tình trạng sạt lở bờ biển lại xảy ra nghiêm trọng như hiện nay. Dù cụ đã trồng nhiều cây phi lao, dứa ở gần nhà nhưng với tốc độ sạt lở như vậy nguy cơ biển "ăn nhà" vẫn có thể xảy ra, khiến cụ lo lắng.
Trao đổi cùng ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh được biết, trước tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng, địa phương đã báo cáo các cơ quan thẩm quyền sớm có phương án xử lý. Nếu không được khắc phục kịp thời, những điểm sạt lở này sẽ tiếp tục mở rộng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân.
Ông Liệu cho biết thêm, phương án xây kè thì cần nhiều thời gan khảo sát và mùa biển lặng mới thực hiện được: "Hiện xã đề nghị dùng bao cát để bao chân, khi sóng đập vào có bao cát chặn lại, sóng cuốn ra thì không đem cát ra được. Để hỗ trợ người dân tiếp tục có nơi đậu thuyền và vận chuyển hải sản, chúng tôi sẽ lên phương án thuê máy để san gạt cát ở chỗ khác tạo thành bờ biển có địa hình thoải và thông báo người dân đưa bến thuyền sang đó tạm thời”
Trước đó, tại tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cũng gặp phải tình trạng sạt lở bờ biển. Chính quyền cùng lực lượng chức năng đã lên phương án di dời hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.
Tuyến kè biển tại thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy cũng bị sạt lở hơn 20m.
Trước tình sạt lở bờ biển nghiêm trọng, lãnh đạo các địa phương cùng các sở, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra và xây dựng phương án bảo vệ người dân, chống tình trạng sạt lở.
Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, phương án tối ưu nhất là ưu tiên xây dựng kè chống sạt lở. Trước mắt, các đơn vị, địa phương sẽ xây dựng phương án di dời người dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.“Bây giờ nếu có bão, có gió mùa và sóng lớn thì sẽ chấp nhận phương án di dời các hộ dân để đảm bảo an toàn chứ không có cách nào tạm thời để che chắn được. Về lâu dài, đề xuất xây dựng kè, xin nguồn kinh phí Trung ương, nếu xin kinh phí chưa được thì tỉnh sẽ có các phương án xây dựng kè chứ không có cách nào khác”.