Ngày 11/4, theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, tuyến đường Bưởi chạy dọc sông Tô Lịch (quận Ba Đình, Hà Nội) xuất hiện thêm nhiều điểm chờ xe buýt mới, thay thế cho cho các cột biển báo xe buýt đơn giản trước kia.
Theo quan sát, hệ thống biển báo mới được thiết kế theo hướng hiện đại, chiều cao mỗi biển báo khoảng 4m. Cột biển báo thể hiện rõ thông tin lộ trình của từng tuyến, có hệ thống bóng điện chiếu sáng vào ban đêm bằng năng lượng mặt trời.
Diện mạo mới mang phong cách hiện đại của điểm dừng chờ xe buýt ở Hà Nội.
“Cột biển báo dừng chờ xe buýt mới được thiết kế rất đẹp, thông tin từng tuyến được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, đặc biệt còn có thêm bóng đèn để chiếu sáng vào ban đêm, rất thuận lợi cho hành khách đọc thông tin tuyến và xe buýt khi ra, vào điểm dừng", anh Nguyễn Duy Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt tại khu vực này chia sẻ.
Tương tự, chị Đinh Thị Nhài (sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Điểm dừng chờ xe buýt mới có mái che rất thuận tiện, như chiếc ô che mưa, che nắng, đặc biệt là khi mùa hè sắp tới. Tôi rất mong các biển bảo mới này sẽ được lắp đặt nhiều hơn, tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện công cộng".
Cột biển báo mới với nhiều tính năng hiện đại, thông tin được trình bày rõ ràng, giúp người dân thuận tiện trong việc di chuyển.
Được biết, các điểm chờ xe buýt mới được lắp đặt trên các tuyến đường nội thành Hà Nội phải đảm bảo đủ các điều kiện như vỉa hè rộng tối thiểu 3m trở lên, vị trí thông thoáng, không ảnh hưởng đến nhà dân.
Bảng thông báo mới có diện tích gấp 2 lần biển báo hiện tại, cho phép cung cấp nhiều thông tin về các chuyến buýt; bảng thông tin phía trên mái biển báo cũng cung cấp thông tin về nhận biết điểm dừng, số hiệu các tuyến dừng, tên điểm dừng giúp hành khách, người lái xe buýt dễ quan sát.
Cột biển báo mới cao khoảng 4m, diện tích gấp 2 lần so với biển cũ.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc bố trí điểm dừng xe buýt sẽ theo hướng tích hợp, tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trông giữ phương tiện cá nhân, đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m.
Sở GTVT cũng đang nghiên cứu giải pháp bố trí điểm dừng xe buýt gần những nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến, đảm bảo an toàn cho hành khách qua đường thông qua hệ thống hạ tầng cho người đi bộ tại nút giao vạch sơn, đèn tín hiệu....
TP Hà Nội hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt (361 điểm dừng có nhà chờ), mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe bus.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt nâng tổng số điểm trung chuyển xe buýt của TP lên 21 điểm, phân bố đều trên địa bàn.
Điều này sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đồng thời, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.
GĐXH - Nhiều khu vực điểm dừng, nhà chờ xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang trong tình trạng bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe, bày bán hàng hay tập kết rác thải, ảnh hưởng lớn tới người dân tham gia sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.
Xem thêm video được quan tâm:
Lan can ven sông ở Hà Nội "có cũng như không".