Cầu Thượng Cát
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỉ đồng, bao gồm đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2 km, chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Hình ảnh thiết kế chính thức của cầu Thượng Cát do đơn vị tư vấn thực hiện.
Công trình có thời gian thực hiện trong 4 năm, từ năm 2023 đến năm 2027. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.
Cầu Thượng Cát nằm giữa bến phà Liên Hà và cầu Thăng Long. Nhiều năm qua, người dân thường xuyên sử dụng phà để qua lại giữa quận Bắc Từ Liêm - huyện Đông Anh và ngược lại.
Cầu Thượng Cát được thiết kế 8 làn xe, với tổng chiều dài bao gồm đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2 km.
Cầu Thượng Cát được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các khu đô thị trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cầu được thiết kế nổi bật với các vòm thép màu cam uốn lượn.
Để đảm bảo đồng bộ hệ thống giao thông, đường Vành đai 3,5, đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 cũng sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2026. Chiều dài tuyến đường 3,5 km, rộng 60 m với mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.
Cầu Vân Phúc
Với tổng mức đầu tư gần 3.400 tỷ đồng, cầu Vân Phúc dự kiến dài 7,7 km, điểm đầu tại vị trí giao cắt quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Phối cảnh cầu Vân Phúc vượt sông Hồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2027. Trong quá trình thi công bố trí 2 đội thi công gồm 1 đội thi công đường theo kiểu cuốn chiếu gồm 35 người và 1 đội thi công cầu 35 người.
Cầu Vân Phúc cũng được xây dựng với quy mô 8 làn xe, trong đó 6 làn dành cho xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Vân Phúc là một trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên.
Xem thêm video được quan tâm:
Cầu vòm thép 65 tỉ đồng qua hồ Linh Đàm xây xong nhưng vắng người đi.