Công an Hà Nội đang mở rộng điều tra đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (30 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu, còn gọi TikToker Mr Pips). Hơn 20 đối tượng trong vụ án này đã bị khởi tố về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền". Quá trình khám xét, công an đã thu giữ, phong tỏa số tài sản của các đối tượng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu xác định tháng 6/2019, Phó Đức Nam câu kết với Lê Khắc Ngọ (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.

Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực telemarketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), telesales (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với những mã cổ phiếu như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas, nhằm dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.

Cùng với đó, các bị can lập trang web "artexvina.co" tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế.

Sau đó, Nam và Ngọ sử dụng đội ngũ nhân viên để tiếp cận, tư vấn, chào mời khách hàng tham gia đầu tư. Ngoài ra, nhóm bị can lập các chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Campuchia.

Cơ quan tố tụng xác định Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng.

Tiếp đó, các bị can hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng "cháy" tài khoản (thua hết tiền).

Khi các bị hại đã thua hết tiền, nhóm này sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.

pho-duc-nam-8-17338168898821918800091.jpg

Phó Đức Nam nổi tiếng với các màn khoe tiền (ảnh tư liệu).

Để thực hiện hành vi phạm tội, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ đã tổ chức, thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận Support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống.

Phó Đức Nam là một nhân vật rất nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội. Theo nhiều người đánh giá thì Nam xây dựng hình ảnh bằng cách khoe tiền, khoe xe và thường xuyên sử dụng các từ ngữ "ngông cuồng" khi nhận xét về người khác. Mỗi clip của đối tượng này thường thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Trong một thời gian dài, nhiều người vẫn tin rằng Nam là chuyên gia đầu tư tài chính "đẳng cấp". Chỉ đến khi đối tượng này bị bắt, tất cả mới được phơi bày.

Vụ án của Phó Đức Nam không phải là duy nhất, trong thời gian qua công an cả nước đã triệt phá nhiều ổ nhóm thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách kêu gọi góp vốn để đầu tư tài chính, tiền số... và điểm chung của các vụ án này là bị hại rất khó lấy lại tài sản đã bị lừa.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo trong tuần qua, Công an Thành phố Hà Nội vừa tiếp nhận đơn trình báo từ chị V. (sinh năm 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm "Tài chính thời đại" và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com.

Theo cơ quan này, với chiêu trò trên, các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tư tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín.

Tiếp đó, đối tượng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo…) và mời chào nạn nhân tham gia vào sàn mà chúng tạo ra. Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Thời gian qua, có rất nhiều tổ chức, hội nhóm kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, trong đó đa phần nhắm vào khách hàng là người già, thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin. Những nhóm này thường đưa ra các thông tin về xu thế chính, vị thế tiền số và đặc biệt luôn nhấn mạnh đến "lợi nhuận" khủng khiến không ít người tin tưởng vào giấc mơ giầu có chỉ "sau 1 đêm", từ đó rơi và "bẫy".

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hay ứng dụng đầu tư tiền ảo. Trước khi tham gia bất kỳ sàn giao dịch nào, người dân cần kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin về sàn giao dịch. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức. Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ.

Cảnh giác với 28 website giả mạo ngân hàng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022